Các vụ thử tên lửa của Bắc Hàn: Kim Jong-un muốn gì?

  • Rupert Wingfield-Hayes
  • BBC News, Tokyo
Kim Jong-un sử dụng 1/5 tới 1/4 GDP của Bắc Hàn cho quân đội

Nguồn hình ảnh, KCNA VIA REUTERS

Chụp lại hình ảnh, Kim Jong-un sử dụng 1/5 tới 1/4 GDP của Bắc Hàn cho quân đội

Cho đến nay, các vụ thử tên lửa mới liên tiếp của Bắc Hàn đã được chứng kiến ở Tokyo với một chút thờ ơ.

Mọi chuyện rất khác so với tháng 8/2017 khi nước Nhật bị đánh thức bởi tiếng còi báo động về một cuộc không kích. Không có cảnh báo trước, Bắc Hàn đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) qua Nhật Bản xuống Thái Bình Dương. Đó là một hành động cả gan.

Lần này, các tên lửa của Bắc Hàn đều ở tầm bắn ngắn, và được phóng xuống biển, cách xa bờ biển Nhật Bản. Kim Jong-un hiện giờ dường như đang kiềm chế. Nhưng điều đó có thể thay đổi nếu ông ấy không đạt được kết quả mong muốn.

Vậy thì Kim Jong-un muốn gì?

Hãy nói chuyện với các nhà phân tích quân sự và họ sẽ nói với bạn rằng những vụ thử mới đây nhất cho thấy Bắc Hàn đang nhanh chóng tiến tới một biện pháp răn đe hạt nhân đầy đủ và hiệu quả.

"Theo quan điểm của tôi, điều đó đã được dự báo," Giáo sư Kim Dong Yup, cựu chỉ huy hải quân Hàn Quốc cho biết.

"Chúng tôi ngạc nhiên bởi vì chúng tôi đánh giá thấp công nghệ của Bắc Hàn và cho rằng nó đang trì trệ ở thời điểm hiện tại. Trên thực tế, Bắc Hàn chắc chắn đang tăng cường năng lực quân sự của mình nhanh hơn chúng tôi nghĩ."

Sau các vụ thử vào ngày 5 và 10 tháng Một, Bình Nhưỡng tuyên bố nước này đã thử thành công thứ được gọi là phương tiện lượn siêu thanh (hypersonic glide vehicle - HGV) và phương tiện (chở nhiều đầu đạn tự dẫn) phóng trở lại trái đất (manoeuvrable re-entry vehicle - MARV).

Tại sao điều đó lại có vấn đề?

Bởi vì nó có nghĩa là Bắc Hàn đang phát triển công nghệ có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa đắt tiền và phức tạp mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đang triển khai trên khắp khu vực này.

"Có vẻ khá rõ ràng rằng mục tiêu của họ là phát triển vũ khí có thể né tránh và làm phức tạp hệ thống phòng thủ tên lửa mà có tính cơ động cao và gây khó khăn hơn cho Hoa Kỳ để ngăn chặn sớm, chứ chưa nói đến việc phát hiện," Duyeon Kim tại Centre for a New American Century nói.

Giáo sư Kim Dong Yup đồng ý rằng: "Cuối cùng điều mà Bắc Hàn đang cố đạt được là làm suy yếu hệ thống phòng thủ tên lửa của kẻ thù."

"Họ muốn có một hệ thống răn đe giống như cái đuôi của con bọ cạp."

Con bọ cạp sử dụng nọc ở đuôi của nó để tự vệ, nhưng cũng để tấn công và giết con mồi. Vậy thì, với Triều Tiên nó để làm gì?

Hình ảnh trên truyền hình nhà nước Bắc Hàn về một vụ thử tên lửa siêu thanh hồi tháng Một

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh trên truyền hình nhà nước Bắc Hàn về một vụ thử tên lửa siêu thanh hồi tháng Một

"Mục đich chính của Bắc Hàn không phải là để tấn công mà là để tự vệ," Giáo sư Kim nói, và thêm rằng nước này đang cố gắng "đảm bảo khả năng răn đe đa dạng".

Đây là quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong giới theo dõi tin về Bắc Hàn.

Vậy thì tại sao nhà lãnh đạo của quốc gia nhỏ bé, nghèo đói này lại tiếp tục sử dụng 1/5 tới 1/4 GDP của họ cho quân đội?

Ankit Panda tại Carnegie Endowment for International Peace cảm thấy rằng một lý do có thể trái ngược với những gì người ngoài có thể cảm nhận, đó là Bắc Hàn không tin rằng họ có đủ vũ khí để tự vệ một cách chắc chắn.

"Vì vậy, Kim Jong-un cảm thấy bất an kinh niên. Tôi nghĩ rằng ông ấy không tin tưởng bất cứ ai, kể cả Trung Quốc và Nga, và vì vậy ông ấy có thể cảm thấy cần phải xây dựng năng lực của mình hơn cả những gì chúng ta có thể coi là đủ."

Những người khác không đồng ý.

Giáo sư Brian R Myers tại Đại học Dongseo ở thành phố Busan của Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng có mục tiêu tham vọng hơn nhiều với các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Ông tin rằng hy vọng của Bắc Hàn là sử dụng kho vũ khí của mình làm đòn bẩy để đàm phán một hiệp ước hòa bình với Hàn Quốc và yêu cầu Mỹ rút khỏi bán đảo Triều Tiên. Sau đó, ông nói, Bắc Hàn tin rằng có thể tự do để khuất phục miền Nam.

Chụp lại video, Bắc Hàn và Kim Jong un, chủ đề nóng nhưng khó kiểm chứng

Trong ngắn hạn, Bắc Hàn có một mục tiêu khác.

Để phát triển mạnh mẽ, thậm chí là vừa phải, Bình Nhưỡng cần các lệnh trừng phạt đã được áp đặt của Liên Hiệp Quốc do các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này phải được dỡ bỏ. Và để có bất kỳ hy vọng nào về điều đó, nước này cần chính quyền Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán.

Trong lịch sử, cách Bình Nhưỡng thu hút sự quan tâm của Washington là tạo ra một cuộc khủng hoảng. Và đó chính xác là điều mà một số chuyên gia cho rằng đang được lặp lại.

"Thật trớ trêu đối với tôi đây là một tín hiệu rất tốt", Giáo sư Kim Youngjun, thành viên Ban Cố vấn An ninh Quốc gia của Hàn Quốc cho biết.

"Kim Jong-un muốn tối đa hóa các vụ thử tên lửa trước khi bắt đầu sáng kiến ​​hòa bình của ông ấy. Vì vậy, ông ấy muốn thúc đẩy Joe Biden bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc với một lộ trình cụ thể."

Nếu đúng như vậy, ông Kim Jong-un có thể sẽ thất vọng. Thứ nhất, Tổng thống Joe Biden hiện đang rất bận rộn với một cuộc khủng hoảng khác là Ukraine.

Và thứ hai, ông Biden không có sự sốt sắng như của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc can dự với Triều Tiên.

"Người Triều Tiên rất giỏi trong việc tự đặt mình vào chương trình nghị sự và biến họ thành đối tượng ưu tiên," ông Panda nói.

Nhưng ông nói thêm: "Joe Biden đã gọi Kim Jong-un là bạo chúa. Tôi nghĩ ông ấy có rất ít lợi ích về mặt chính trị từ việc gặp gỡ với ông Kim. Vì vậy, tôi nghĩ điều sẽ khiến Joe Biden thực sự đầu tư vào, là một cuộc khủng hoảng lớn."

Hình ảnh trên truyền thông nhà nước Bắc Hàn về một tên lửa hành trình mới được thử nghiệm vào năm ngoái

Nguồn hình ảnh, KCNA

Chụp lại hình ảnh, Hình ảnh trên truyền thông nhà nước Bắc Hàn về một tên lửa hành trình mới được thử nghiệm vào năm ngoái

Nếu tất cả những điều này nghe có vẻ quen thuộc, thì bởi vì nó là như vậy.

Chúng ta đã thấy điều đó vào năm 2010 khi Bình Nhưỡng đánh chìm một tàu hộ tống của hải quân Hàn Quốc, tàu Cheonan, và rồi sau đó vài tháng bắt đầu bắn phá một trong những hòn đảo ử xa của Hàn Quốc.

Chúng ta lại thấy ​​điều đó vào năm 2017 khi Triều Tiên bắn tên lửa tầm xa qua Nhật Bản và đe dọa tấn công đảo Guam. Chúng ta có thể sẽ lại thấy một số hành động tương trong những tháng tới đây.

"Tôi nghĩ khả năng quay trở lại một cuộc khủng hoảng là rất có thể," ông Panda nói.

"Người Triều Tiên thẳng thắn muốn được Mỹ coi trọng. Đó có thể là một quốc gia nhỏ. Đó có thể là một quốc gia mà Richard Nixon từng gọi là kẻ đáng khinh hạng 4".

"Nhưng họ có vũ khí hạt nhân, và họ muốn một tổng thống Mỹ thừa nhận điều đó. Thật không may, tôi nghĩ rằng Bắc Hàn sẽ không thể sớm đạt được điều đó."