VinFast gây tranh cãi khi báo công an xử lý khách hàng phàn nàn

Cảnh sát Việt Nam đứng bên cạnh các sinh viên vẫy cờ Việt Nam và Triều Tiên khi đoàn xe chở đoàn Triều Tiên rời nhà máy của Vinfast tại Hải Phòng vào ngày 27/2/2019.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cảnh sát VN đứng bên cạnh các sinh viên vẫy cờ Việt Nam và Triều Tiên khi đoàn xe chở đoàn Triều Tiên rời nhà máy của Vinfast tại Hải Phòng vào ngày 27/2/2019.

Một khách hàng quay video mô tả các lỗi trên chiếc xe VinFast Lux A2.0. VinFast liền tố cáo lên công an để mời người này "lên làm việc".

Sự việc gây xôn xao dư luận sau khi vào cuối tháng 4/2021, ông Trần Văn Hoàng đăng một video dài gần 30 phút liệt kê hàng loạt lỗi trên chiếc VinFast Lux A2.0 mà ông mới mua và đi được khoảng 8.000 km.

Video được đăng tải trên kênh YouTube GoGoTV với hơn 455.000 người đăng ký, kênh do ông Hoàng sở hữu, đã thu hút nhiều lượt xem, tạo ra tranh luận gay gắt giữa những người ủng hộ VinFast và những người còn lại.

Và tranh cãi đã nổi lên dữ dội sau khi VinFast thông báo họ đã báo cáo lên công an và công an đã "có lịch mời ông Hoàng lên làm việc".

GoGoTV phàn nàn gì về xe VinFast?

Chiếc xe ông Trần Văn Hoàng đang sử dụng là VinFast Lux A2.0 phiên bản cao cấp, có màu sơn ngoại thất trắng và mang biển số 66A-139.45.

Trong video, ông Hoàng nhấn mạnh rằng những lỗi mà ông phản ánh chỉ liên quan đến chiếc xe cụ thể của ông; các xe khác của VinFast thế nào ông không có ý kiến.

Nhà máy Vinfast ở Hải Phòng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nhà máy Vinfast ở Hải Phòng

Các lỗi mà ông Hoàng liệt kê khá cụ liên quan đến nhiều thứ như cần gạt mưa, cảm biến áp suất lốp xe, đèn báo rẽ, sạc không dây, kiểm soát hành trình, bình xăng v.v...

Trong video của mình, ông Hoàng trình bày rất chi tiết những điều mà ông cho là lỗi với hình ảnh cụ thể. Ông cũng nói đã đem xe tới hãng khắc phục tới 10 lần nhưng không hết lỗi. Video này hiện đã bị gỡ xuống.

VinFast tố cáo với công an

Video trên kênh GoGo TV khiến dư luận nổi sóng.

Trên mạng xuất hiện nhiều người chỉ trích ông Hoàng, tố cáo ông "dìm hàng Việt Nam", "chơi dại", "có động cơ đen tối".

Trong khi đó, rất nhiều người khác cho rằng ông Hoàng, với tư cách là một khách hàng, có quyền lên tiếng khi sản phẩm mà ông mua bị lỗi, và VinFast nên cầu thị để cải thiện sản phẩm và dịch vụ.

Đến ngày 2/5, VinFast đã phản hồi theo cách của họ.

Trên trang facebook chính thức, công ty xe hơi Việt Nam đã ra thông báo "VinFast không nhượng bộ trước hành vi gây hoang mang cho người dùng".

Chiếc Vinfast LUX A 2.0 được trưng bày trong ngày họp báo thứ hai của Paris Motor Show vào ngày 3 tháng 10 năm 2018 ở Paris, Pháp.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chiếc Vinfast LUX A 2.0 được trưng bày trong ngày họp báo thứ hai của Paris Motor Show vào ngày 3 tháng 10 năm 2018 ở Paris, Pháp.

Thông báo này khẳng định hành vi của ông Hoàng đã "gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của VinFast".

"Hành vi sản xuất và lan truyền thông tin sai sự thật của ông Trần Văn Hoàng (chủ kênh YouTube Gogo TV) đã gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho thương hiệu VinFast, đồng thời gây bất an cho những khách hàng khác của hãng," thông báo viết.

VinFast cũng cho hay: "Mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng chúng tôi đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc."

Công ty trực thuộc tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng còn nhấn mạnh: "VinFast khẳng định luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng. Nhưng chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng."

Thực tế, đã có một số vụ mà người chỉ trích Vingroup nói họ đã vì thế mà gặp phiền phức, thậm chí bị sách nhiễu bởi công an.

Hồi tháng 5/2018, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn bị nhân viên Bộ Công an Việt Nam yêu cầu xóa các bài viết đăng trên Facebook cá nhân về tập đoàn Vingroup.

Ông Tuấn nói với BBC News Tiếng Việt vào thời điểm đó về vụ bắt giữ:

"Tôi có tranh luận lại và không đồng tình với họ về việc cho rằng những bài về Vingroup lại gây hại cho an ninh quốc gia. Thêm nữa, tôi đã lập luận rằng mọi thông tin chi tiết trong bài của tôi đều dẫn nguồn từ báo chí nhà nước, chứ hoàn toàn không phải là vô căn cứ. Tuy nhiên họ không tranh luận, chỉ bắt buộc tôi phải xoá bài theo ý họ."

Hành động gây tranh cãi

"Trong con mắt người phân tích, tôi sợ rằng có vẻ Vinfast đã đi nước cờ sai khi tố cáo ra công an người review không tốt về xe của mình," TS Quách Mạnh Hào, một chuyên gia về tài chính và ngân hàng từ Đại học Lincoln, Anh Quốc, viết trên Facebook cá nhân.

Theo ông Hào, ở Việt Nam thì đây là chuyện nhỏ vì người tiêu dùng bé nhỏ ít khi được bảo vệ. Nhưng phương Tây thì không nhỏ - toàn bộ hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên. Đó chính là lý do tại sao xã hội và nền kinh tế vận hành dựa trên niềm tin của người tiêu dùng.

"Vấn đề là Vinfast đang muốn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng - PV) tại phương Tây nên vụ IPO chắc sẽ ảnh hưởng. Định giá 50 tỉ đô vốn đã quá cao cho ngành sản xuất xe hơi, thêm vấn đề ethical (đạo đức) này nữa thì chỉ cần một bài báo tiếng Anh tường thuật lại vụ việc đăng lên mấy diễn đàn kiểu như Reddit thôi thì chắc coi như xong. Nhưng có lẽ IPO không phải là mục tiêu mà chỉ là công cụ để khuyếch trương trong nước," ông Hào đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chính khách hàng đầu cùng doanh nhân Phạm Nhật Vượng hôm 14/6/2019

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chính khách hàng đầu cùng doanh nhân Phạm Nhật Vượng hôm 14/6/2019

Từ Mỹ, nhà báo Thuc Pham cũng bình luận trên Facebook cá nhân về hành động của VinFast:

"Không tôn trọng khách hàng, không cầu thị, lắng nghe, nhận lỗi, sửa lỗi mà chỉ thích lấy thịt đè người chỉ tổ chuốc lấy sự bất bình và căm ghét, mình không nghĩ là có thể lớn mạnh được."

Một số khác còn liên hệ vụ việc với chuyện tập đoàn Tân Hiệp Phát và "vụ án con ruồi".

Trong sự việc bắt đầu vào tháng 12/2014, ông Võ Văn Minh đã trình báo việc phát hiện con ruồi trong chai nước Number 1 của Tân Hiệp Phát. Ông Minh sau đó đã yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa 1 tỉ đồng, nếu không sẽ kiện. Sau khi hai bên thương lượng không thành công, Tân Hiệp Phát đã nhờ đến công an xử lý. Kết quả là công an kết luận ông Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản, bị đề nghị truy tố. Tới tháng 8/2016, ông Minh bị tuyên án 7 năm tù.

Việc Tân Hiệp Phát tố cáo ngược ông Minh gây ra nhiều ý kiến trái ngược. Và nhiều phân tích sau đó cho rằng dù ông Minh vào tù, nhưng Tân Hiệp Phát bị thiệt hại nặng về kinh tế do mất niềm tin của người tiêu dùng.

Trở lại vụ việc giữa VinFast và GoGo TV, nhiều người cũng cho rằng hành động của VinFast sẽ khiến nhiều người e dè hơn khi sử dụng sản phẩm của công ty này.

Bên cạnh các ý kiến cho rằng VinFast đã hình sự hóa một vụ việc mà lẽ ra họ có thể khéo léo hơn để lấy điểm, cũng có những ý kiến ủng hộ công ty này, với những ý kiến kiểu như "sản phẩm nào mà chẳng có lỗi", "VinFast cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ niềm tự hào của Việt Nam".