Tố cáo học sinh 'bị đánh vào mông': Hải Phòng xin lỗi, hứa điều tra

Trường Tiểu học Ngũ Đoan (Kiến Thụy, TP. Hải Phòng)

Nguồn hình ảnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng

Chụp lại hình ảnh, Trường Tiểu học Ngũ Đoan (Kiến Thụy, TP. Hải Phòng)

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hải Phòng, Bùi Văn Kiệm, nói Sở "nghiêm túc nhận trách nhiệm" và cam kết điều tra sau tố cáo ba học sinh lớp 3 bị "ban cán sự lớp" đánh vào mông.

Hôm 24/1, học sinh lớp 3E trường Tiểu học Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy đi học trực tiếp tại trường.

Theo tố cáo, trong 15 phút đầu giờ, Ban cán sự lớp kiểm tra bài cũ và đã dùng thước kẻ đánh vào vùng mông 03 học sinh: Mạc Như Vinh, Vũ Sinh Hùng, Phạm Văn Phong với lý do phạt lỗi khi chưa hoàn thành bài tập về nhà theo qui định của cô chủ nhiệm đã đề ra với lớp.

Sau đó, Trường Tiểu học Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy đã cử đại diện Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn và Giáo viên chủ nhiệm Vũ Thị Hoài (Giáo viên hợp đồng theo Nghị định 102) đã đến gia đình ba học sinh để trao đổi, nắm bắt thông tin và xin lỗi gia đình.

Trong văn bản chính thức ngày 27/1, ông Bùi Văn Kiệm cho hay Phòng GD&ĐT huyện Kiến Thụy đã làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Ngũ Đoan vào chiều ngày 26/01/2022 và đề nghị tạm thời cho cô giáo Chủ nhiệm lớp 3E nghỉ dạy để tiếp tục làm rõ sự việc.

UBND xã Ngũ Đoan chỉ đạo Công an xã lấy thông tin từ phía các gia đình và giáo viên chủ nhiệm để xác minh.

Vụ việc 'nghiêm trọng'

Sở GD&ĐT Hải Phòng nói đây là vụ việc "nghiêm trọng liên quan đến bạo lực học đường, an toàn trường học".

Văn bản nói: "Mặc dù giáo viên chủ nhiệm (cô Vũ Thị Hoài) không trực tiếp đánh học sinh, song việc tự ý đề ra các hình thức phạt như trên đối học sinh khi vi phạm nội qui là hoàn toàn sai, phản giáo dục, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục; thể hiện kiến thức, trình độ, kĩ năng, phương pháp giáo dục non kém, thậm chí có dấu hiệu vi phạm đạo đức nhà giáo."

Văn bản cũng nói Ban giám hiệu "chưa chủ động, kịp thời thông tin báo chí, dẫn đến một số cơ quan báo chí chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, gây bức xúc trong dư luận; chậm trễ trong việc báo cáo cấp trên khi phát hiện vụ việc; chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm về vụ việc".

Sở này cho hay họ kiến nghị UBND huyện Kiến Thụy: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ bản chất vụ việc (do đây mới chỉ chỉ là những thông tin, báo cáo bước đầu); xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan để khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm. Trong đó, lưu ý xem xét cho thôi hợp đồng đối với với giáo viên Vũ Thị Hoài, trách nhiệm của Hiệu trưởng - với vai trò người đứng đầu.

Sở GD&ĐT "nghiêm túc nhận trách nhiệm vì để xảy ra vụ việc, chưa kịp thời nắm bắt tình hình, xử lý vụ việc".

Văn bản nói: "Đặc biệt, qua vụ việc này, ngành GD&ĐT Hải Phòng nhận thấy cần tăng cường hơn nữa, có ngay các biện pháp thiết thực nhằm thay đổi mạnh mẽ nhận thức, tư duy, nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt trong công tác chủ nhiệm lớp, công tác an ninh, an toàn trường học."

Chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Trong tháng Giêng 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em, tăng cường tư vấn, hỗ trợ gia đình học sinh về các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Văn bản này gửi đi sau khi báo chí đưa tin thời gian vừa qua đã có một số sự việc bạo hành trẻ em gây bức xúc trong xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến cán bộ, giáo viên trong nhà trường và gia đình học sinh về các quyền của trẻ em.

Bộ này lưu ý cần đẩy mạnh phát hiện các biểu hiện bất thường của học sinh, cung cấp thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và các cơ quan liên quan nhằm phối hợp trong công tác nắm bắt thông tin, phòng ngừa.

Theo thống kê chính thức, năm 2021, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 507.800 cuộc gọi đến; tư vấn 35.385 ca.

Năm 2021, tỷ lệ các ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực cao nhất trong các năm qua với 625 ca, chiếm 49,72% tổng số ca can thiệp, hỗ trợ.