67% xem biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp trong thăm dò toàn cầu

  • Matt McGrath
  • Phóng viên Môi trường
protest

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Giới trẻ tuổi xuống đường trên khắp thế giới để thể hiện mối quan tâm của họ về biến đổi khí hậu

Bất chấp đại dịch, gần 2/3 số người được thăm dò trên thế giới hiện coi biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Đó là phát hiện quan trọng từ cuộc thăm dò dư luận lớn nhất được thực hiện về việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hơn một triệu người ở 50 quốc gia đã tham gia cuộc thăm dò ý kiến, với gần một nửa số người tham gia ở độ tuổi từ 14 đến 18.

Bảo tồn rừng và đất được xem như giải pháp phổ biến nhất để giải quyết vấn đề này.

Những ai tham gia cuộc thăm dò?

Cuộc thăm dò có tên "Thăm dò về Khí hậu của Người dân" do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) kết hợp với Đại học Oxford tổ chức.

Ban tổ chức đã phân phát các câu hỏi của cuộc thăm dò qua quảng cáo trong các ứng dụng trò chơi di động trên 50 quốc gia, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái.

strike

Nguồn hình ảnh, NurPhoto

Chụp lại hình ảnh, Rất nhiều thanh thiếu niên 14-18 tuổi tham gia cuộc thăm dò

Khoảng 1,22 triệu người ở mọi giới tính, lứa tuổi và trình độ học vấn tham gia cuộc thăm dò, nhưng người trẻ tuổi tham gia với số lượng đáng kể.

Khoảng 550.000 người từ 14-18 tuổi đã tham gia.

Những khám phá chính là gì?

Trên tất cả các quốc gia, 64% người tham gia coi biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp, đòi hỏi các quốc gia phải ứng phó cấp thời. Biên độ sai số là +/- 2%.

Kết quả này thay đổi phần nào theo độ tuổi và địa điểm.

Ở Anh và Ý, 81% đồng ý với câu hỏi, trong khi tỷ lệ này giảm xuống còn 50% trong số những người trả lời từ Moldova.

Tổng thống mới nhập chức của Hoa Kỳ Joe Biden có thể an ủi rằng 65% người tham gia ở Hoa Kỳ hiện coi biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp.

fires

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hỏa hoạn ở California và Úc đã ảnh hưởng đến quan điểm của mọi người về biến đổi khí hậu

Nhìn chung, người trẻ tuổi có nhiều khả năng đồng ý với quan điểm rằng nhiệt độ gia tăng là một tình trạng khẩn cấp, với gần 70% ủng hộ.

Với những người trên 60 tuổi, con số này giảm xuống còn 58%.

"Mọi người đang lo sợ, họ đang nhìn thấy những đám cháy rừng ở Úc và California, họ đang nhìn thấy những cơn bão cấp năm và ở Caribe, họ đang chứng kiến lũ lụt ở Đông Nam Á," Cassie Flynn, cố vấn chiến lược của UNDP nói.

"Và họ đang nhìn quanh và nói rằng, đây thực sự là một vấn đề. Chúng ta phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này."

Các chính sách phổ biến nhất

Hành động mà mọi người có xu hướng ủng hộ khi đối phó với biến đổi khí hậu, ở một mức độ nào đó, phụ thuộc vào nơi họ sinh sống.

Ở 8 trong số 10 quốc gia có lượng khí thải từ sản xuất điện cao nhất, đa số các quốc gia ủng hộ việc sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn.

Kerry

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Cựu Ngoại trưởng John Kerry là tân lãnh đạo về biến đổi khí hậu trong chính quyền Biden

Nhưng ở những quốc gia có lượng phát thải lớn hơn do phá rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất, đa số ủng hộ việc bảo tồn rừng và đất.

Điều này được thấy từ cuộc khảo sát tổng thể như chính sách phổ biến nhất để đối phó với biến đổi khí hậu, với một biên độ hẹp.

2px presentational grey line

Bốn chính sách đối phó biến đổi khí hậu hàng đầu:

1. Bảo tồn rừng và đất (54%)

2. Sử dụng năng lượng mặt trời, gió và năng lượng tái tạo (53%)

3. Kỹ thuật canh tác thân thiện với khí hậu (52%)

4. Đầu tư nhiều tiền hơn vào các doanh nghiệp và việc làm xanh (50%).

2px presentational grey line

Các lựa chọn ít được ưa chuộng nhất để đối phó với biến đổi khí hậu trong cuộc khảo sát này là chế độ ăn dựa trên thực vật, với chỉ 30% số người được hỏi tin rằng đó là biện pháp tốt nhất.

Đức với 44% và Anh với 43% là những quốc gia mà chế độ ăn dựa trên thực vật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất.

Các tác giả nói rằng trên tất cả các quốc gia, rất ít người từ chối ủng hộ bất kỳ chính sách nào.

Pakistan nổi lên là quốc gia có số người không ủng hộ bất kỳ chính sách nào nhiều nhất, ở mức 5%.

Theo sau là Hoa Kỳ, với 4%.

Những khác biệt cơ bản

Một trong những điểm khác biệt chính nổi lên trong dữ liệu là trình độ học vấn.

floods

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lũ lụt ở Anh có khả năng gia tăng theo các kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai

"Khi nói đến nhân khẩu học, điều mà chúng tôi thấy rất rõ ràng là có mối tương quan cao giữa trình độ học vấn và niềm tin vào tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Càng có trình độ giáo dục cao, con người càng tin rằng có sự khẩn cấp về khí hậu, Cassie Flynn nói.

"Và điều này thực sự, thực sự mạnh mẽ, bởi vì không cần biết bạn đến từ đâu, hay tuổi tác bao nhiêu, giáo dục thực sự, thực sự rất quan trọng."

Còn khác biệt giới tính?

Mặc dù các phát hiện tổng thể cho thấy phản ứng của nam giới và phụ nữ gần như giống nhau, nhưng có sự khác biệt khá rõ rệt ở cấp quốc gia.

Ở Canada, phụ nữ và trẻ em gái cho rằng biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp cao hơn 12% so với nam giới và trẻ em trai.

Mỹ, Anh và Úc có sự khác biệt nhỏ hơn theo cùng một hướng.

Ngược lại, Ấn Độ, Georgia, Việt Nam và Nigeria lại đi theo hướng ngược lại, với tỷ lệ nam giới và trẻ em trai cao hơn 9-12% cho rằng khí hậu ấm lên là tình trạng khẩn cấp.

Điều này có ý nghĩa gì với chính trị?

glasgow

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bị hoãn lại từ năm ngoái, Cop26 sẽ được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11

Với một tổng thống mới trong Nhà Trắng, người đang dành ưu tiên cho biến đổi khí hậu, và với một hội nghị toàn cầu quan trọng diễn ra ở Glasgow vào cuối năm nay, những người tổ chức cuộc thăm dò tin rằng đây là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới có thể nghe thấy nhiều điều, của tiếng nói về biến đổi khí hậu.

"Cách họ ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, cách họ ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid, thực sự sẽ vạch ra một lộ trình hoàn toàn mới. Và theo nhiều cách, đó là thời điểm lựa chọn", Cassie Flynn từ UNDP nói.

"Và những gì chúng tôi muốn làm với cuộc thăm dò về khí hậu của người dân là mang lại tiếng nói của mọi người trong việc đưa ra quyết định đó, mang tiếng nói của mọi người vào cuộc tranh luận về khí hậu."