Hội nghị TƯ11 có đáp ứng được kỳ vọng và hiện tình đất nước?

  • Quốc Phương
  • BBC News Tiếng Việt
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguồn hình ảnh, Báo Điện tử ĐCSVN

Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư ĐCS, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại nói kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia tại Hội nghị TƯ11, khóa XII của ĐCSVN tại Hà Nội

Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII) vừa bế mạc tại Hà Nội hôm 12/10/2019 sau gần một tuần nhóm họp.

Báo chí chính thống Việt Nam đưa tin hôm thứ Bảy cho hay hội nghị đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình làm việc đặt ra.

Tại phiên bế mạc, vẫn theo báo chí Việt Nam, Tổng bí thư đảng Cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định 'kiên quyết' bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng dù 'đau xót' về việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý.

Từ Việt Nam, hôm 13/10, một số ý kiến từ giới quan sát và phân tích thời sự, chính trị trong nước nhân dịp này chia sẻ trên quan điểm riêng với BBC News Tiếng Việt cảm quan, cảm nhận về Hội nghị và kết quả.

"Hội nghị TƯ 11 không đáp ứng được kỳ vọng và hiện tình, thực trạng đất nước," nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam nói với BBC và đưa ra ba lý do giải thích.

"Bởi vì, thứ nhất, liệu có đột phá về tư duy trong các văn kiện không? Tôi nghĩ là không. Khi khai mạc ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh báo cáo chính trị phải 'xứng tầm' và các báo cáo khác phải xoay quanh.

"Ông là trưởng ban soạn thảo Báo cáo. Ông vẫn đặt vấn đề quan hệ giữa định hướng XHCN và Kinh tế Thị trường. Theo tôi, như thế là chưa thoát nổi 'vòng kim cô' của ý thức hệ XHCN.

"Tới đây, việc soạn thảo các Báo cáo khác, đặc biệt về Kinh tế - Xã hội theo tôi vì thế sẽ 'loanh quanh'. Hơn thế, chiến lược thể hiện tầm nhìn với ý thức hệ giáo điều thì đất nước phát triển thế nào?

Hội ngh TƯ11

Nguồn hình ảnh, Báo điện tử ĐCSVN

Chụp lại hình ảnh, Hội nghị TƯ11 đã thành công tốt đẹp và hoàn thành các nội dung, chương trình đặt ra, theo báo chí nhà nước Việt Nam

"Thứ hai, kiểm soát quyền lực theo tôi vẫn là 'tự lấy đá ghè chân mình', 'của riêng đảng, mang tính chất tập trung cao vào cấp trên và răn đe cấp dưới. E rằng rất khó để 'pháp luật hoá', điều chỉnh các hành vi trong thực tế bằng các điều luật và chế tài.

"Và thứ ba, vấn đề biển đông đang đặt ra nguy cơ đối với an ninh và vẹn toàn lãnh hải, tại sao lại nói là "thảo luận"? Theo tôi, cần phải có chính kiến của người đứng đầu, của nhà lãnh đạo! Nhưng bế mạc hội nghị, vẫn không thấy điều đó.

"Tôi nghĩ rằng nhân dân cần sự thể hiện khác, rõ ràng. Không nên 'đẩy quả bóng' trách nhiệm cho người khác!", ông Phạm Quý Thọ nêu quan điểm.

'Coi như không xảy ra'

"Tôi không có thì giờ và cũng không hứng thú, hy vọng chút nào về Hội nghị này, nên không theo dõi kỹ, chỉ liếc sơ vài nội dung, rõ là chẳng có gì làm tôi tin tưởng. Người ta có thể nghĩ tại Hội nghị, có bàn bạc gì đó, nhưng không công bố," nhà điểm tin, điểm báo, Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm.

"Còn tôi, nhìn vào bài phát biểu kết thúc của ông Trọng, thấy rõ là họ coi như trên Biển Đông không có gì xảy ra. Bất luận với cách giải thích gì, thì cũng cho thấy rằng người dân và đảng viên tiếp tục phải đứng ngoài "cuộc chơi bí hiểm-nguy hiểm" này. Mối quan hệ hai đảng CSVN-CSTQ đã được định vị - lập trình sẵn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

"Chỉ có chút ít thay đổi khi mà ban lãnh đạo CSVN có những nhân vật ít nhiều bản lĩnh. Còn hiện tại, là thời điểm nó yếu kém hơn nhiều so với khi tái lập ngoại giao thân thiện cuối thế kỷ trước. Từ đó có thể luận ra có hay không một "sách lược" hay hớm gì. Như tôi từng bình luận, chỉ trong một chữ "đu dây, cơ hội".

"Trước tình hình quốc tế hiện tại, nội tình Trung Quốc, họ khó có thể đưa ra sách lược khôn ngoan. Canh bạc này, theo tôi dễ có kẻ trắng tay. Nhìn lại chuyện Liên Xô, Đông Âu, rồi Mùa xuân Ả-Rập, sẽ cho ta gợi mở, rằng sự sụp đổ của một hệ thống toàn trị nào đó trước biến động quá lớn, là khó có thể lường trước.

"Song, chỉ có một hy vọng, đó là nguy cơ bùng nổ "lòng căm hận" hay "tức giận" trong dân bị kìm nén bao năm. Chính vì mối lo đó, mà cả hai Đảng Cộng sản ở hai nước đều phải toan tính thận trọng.

"Đáng lo là trong cuộc gọi là "chống tham nhũng", nhân dân vẫn bị cho đứng ngoài một cách nghiệt ngã. Một khi như vậy, đừng mơ kết quả gì tử tế, và cũng dễ lý giải đó là cuộc gì."

"Để thỏa mãn, làm cho dân tin tưởng, e là… không còn người làm việc trong hệ thống. Nói vậy không quá chút nào, vì vẫn đang có hàng ngàn vạn con sâu mọt khắp hang cùng ngõ hẻm đục khoét công khố, ức hiếp dân nghèo mà không hề bị mó tới. Hàng chục tướng tá, bộ thứ trưởng bị xử lý dễ có tác dụng gây ấn tượng bề nổi thôi, nhưng ngược lại, lại gây ngờ vực khi chỉ xử lý rất có chừng mực.

"Thách thức cực kỳ lớn là: hiện đang có một hệ thống vô cùng yếu kém, tha hóa và chia rẽ; lại phải đối mặt với khó khăn bên trong, bên ngoài quá sức chịu đựng của nó. Nó chỉ còn một cách là chấp nhận mất dần chủ quyền trên nhiều phương diện để đánh đổi sự an toàn tạm thời bên trong; tồn tại lay lắt chờ ngày "vận đổi sao dời" mà thôi," ông Nguyễn Hữu Vinh bình luận.

'Một hội nghị mờ nhạt'

Tham nhũng

Nguồn hình ảnh, Bộ Công an VN

Chụp lại hình ảnh, Hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (trái) và Trương Minh Tuấn, những người khai nhận tổng cộng là 3,2 triệu đôla hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, bị đề nghị khai trừ đảng

"Đó là một hội nghị mờ nhạt trước tình hình nóng bỏng ở Biển Đông," Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nhận xét từ Sài Gòn.

"Thoạt đầu, ông TBT Nguyễn Phú Trọng gây chú ý bằng đề nghị các uỷ viên trung ương nghiên cứu tình hình Biển Đông, nhưng rồi đó lại là tất cả những gì ông có thể phản ứng sau 3 tháng xảy ra sự gây hấn của Trung Cộng ở bãi Tư Chính,"

"Còn những vấn đề nội bộ của đảng cầm quyền cũng không có gì mới nên chưa đủ để giới quan sát chính trị và người dân quan tâm.

"Có thể nói các uỷ viên trung ương nói riêng và đảng cầm quyền nói chung rất vô trách nhiệm trong cách ứng phó khủng hoảng Tư Chính. Chủ quyền quốc gia dường như không là ưu tiên hàng đầu của họ.

"Thái độ e dè của nhà cầm quyền và đảng cầm quyền ở Việt Nam cho thấy họ rất thần phục Trung Cộng, khiến mọi phản ứng từ lời phát biểu đến hành động đều tránh động chạm đến hoặc có thể làm Trung Cộng nổi giận.

"Chống tham nhũng là cần thiết, nhưng chưa đủ, vì dường như chính sách ấy được sử dụng cho cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực, hơn là mang thực chất chống tham nhũng. Đó là điều ai cũng nhận ra.

"Mặt khác, chống tham nhũng đang được dùng như ngọn cờ củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền, nhưng điều trớ trêu là kẻ tham nhũng chỉ toàn là đảng viên cầm quyền, nên hình ảnh của đảng càng tệ hại hơn trong mắt người dân. Hiện giờ, có thể nói với tình trạng tham nhũng tràn lan bất trị, đảng cộng sản đã mất hẳn tính chính danh của nó.

"Thách thức lớn nhất của đảng cầm quyền về đối nội chính là sự đoàn kết nội bộ trong đảng. Chính ông TBT Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc phải nhấn mạnh nhiều lần sự cần thiết phải có đoàn kết trong đảng lúc này. Nó phản ánh tính nghiêm trọng của sự phân rã đảng cầm quyền trong tương lai do đấu đá nội bộ giữa các phe phái.

"Về đối ngoại, thách thức lớn nhất chính là sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Cộng trên Biển Đông. Chắc chắn sự kiện Tư Chính không dừng lại ở đó mà ngày càng nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng xung đột quân sự trong giới hạn giữa Trung Cộng và Việt Nam.

"Theo tôi, nhà cầm quyền đang đứng trước sự phá sản của chính sách đu dây và nguyên tắc "ba không" của mình," Luật sư Lê Công Định nhận định.

'Để nắm vững quyền bính'

Giàn khoan Hakuryu số 5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tin cho hay giàn khoan Hakuryu số 5 của Công ty khoan Nhật Bản (JDC), được hãng Rosneft của Nga thuê trong hợp tác với Việt Nam để thăm dò dầu khí tại lô 06.1 trên Biển Đông, bị tàu Trung Quốc 'quấy nhiễu'

Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận:

"Hội nghị này bàn thảo cách thức tổ chức xây dựng Đảng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực, xây dựng báo cáo chính trị cho Đại hội ĐCSVN XIII, kiên trì thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bằng cách giữ cho kinh tế tăng trưởng cao.

"Tóm lại, người ta bàn về cách làm sao để Đảng vẫn nắm vững quyền bính quốc gia.

"Có thể vấn đề bãi Tư Chính được bàn thảo và đề ra các giải pháp đấu tranh với TQ để giữ vững chủ quyền quốc gia mà không thông báo rộng rãi chăng? Tôi hy vọng là có chuyện đó.

"Nhưng vấn đề này mà không được thảo luận tại Hội nghị 11 này, coi đó là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh gần bốn tháng qua, TQ đang đẩy nền độc lập dân tộc và chủ quyền Việt Nam đến chỗ sống còn thì đó là một sai lầm lớn của đảng cầm quyền.

"Trung Quốc đưa hàng trăm tàu vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải để dạo chơi, sẽ đến lúc họ hạ đặt các giàn khoan khai thác dầu khí ngay trên biển Việt Nam. Nếu để điều đó thành hiện thực, trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo tối cao, các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN.

"Có sự né tránh nào đó hay không? Né tránh vì có 'mắc míu' trong quan hệ 'hữu hảo' lưỡng đảng giữa hai đảng cộng sản cầm quyền hay không từ phía Việt Nam? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Vì rằng chỉ những người trong cuộc mới biết họ e ngại, sách lược hay né tránh. Tuy nhiên, quan sát từ bên ngoài, tôi nghĩ rằng vừa có sự e ngại của người yếu trước kẻ mạnh, của sự ràng buộc kinh tế, của cả ý thức hệ nữa.

"Cũng phải công bằng nhận thấy, rằng Việt Nam đang là nước kiên quyết nhất trong số các nước chịu áp lực của Trung Quốc trên biển Đông.

"Về tham nhũng, nó có ở tất cả các xã hội từ độc tài toàn trị đến tự do dân chủ. Tuy nhiên, các xã hội dân chủ chống tham nhũng hữu hiệu, các xã hội phi dân chủ thì không thể chống được tham nhũng. Điều này, những ai có kiến thức về tổ chức xã hội đều biết.

"Chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ đơn giản là một cách cứu đảng cầm quyền, níu giữ tính chính danh và duy trì lâu hơn sự lãnh đạo xã hội của Đảng. Nếu duy trì thể chế chính trị hiện thời thì dù có bao nhiêu 'lò' cũng không đốt hết 'củi'.

"Khi không có tự do báo chí, tư pháp độc lập và một xã hội dân sự lành mạnh thì không thể chống nổi nạn tham nhũng và do đó không thỏa mãn được mong muốn của dân chúng. Các chiến dịch đốt lò sẽ chẳng đi đến đâu, không thể chống được nạn tham nhũng gia tăng ngày càng trầm trọng hơn.

"Về thách thức lớn nhất của ĐCSVN từ nay đến Đại hội 13, nếu diễn ra, theo tôi, thứ nhất là liệu ĐCSVN có giữ vững chủ quyền biển Việt Nam trước sự xâm lăng của ĐCSTQ hay không? Tính chính đáng của đảng cầm quyền trước con mắt của người dân là ở đó.

"Thứ hai, sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, đã đến lúc phải đổi mới chính trị. Nếu ban lãnh đạo đảng không nhận thức ra điều này, họ tất gánh hậu quả bị đào thải," nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh nêu quan điểm.

'Hoàn thành thắng lợi mục tiêu'

Hôi nghị Trung ương 11

Nguồn hình ảnh, Báo Nhân dân điện tử

Chụp lại hình ảnh, Hội nghị Trung ương 11 diễn ra tại Hà Nội trong sáu ngày, từ 7-12/10/2019

Hôm 12/10, báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong một thông báo về kết quả Hội nghị Trung ương 11, cho hay:

"Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 7/10/2019 đến ngày 12/10/2019, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; và một số vấn đề quan trọng khác.

"Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị...

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được của 9 tháng đầu năm 2019; nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng."

Báo Nhân dân điện tử hôm thứ Bảy, đưa tin về phiên bế mạc, cho biết thêm chi tiết:

"Kể từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật bảy tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc)."

'Hãy chung sức, đồng lòng'

Tờ báo của Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam tường trình thêm:

"Cho rằng đó là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.

Hội thảo bãi Tư Chính

Nguồn hình ảnh, FB Nguyễn Xuân Diện

Chụp lại hình ảnh, Một Tọa đàm Khoa học về vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế mới diễn ra ở Hà Nội hôm 06/10/2019 kiến nghị nhà nước và ĐCSVN có những thay đổi về đối sách bảo vệ chủ quyền quốc gia

"Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất!

"Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.

Báo Quân đội Nhân dân điện tử, số ra Chủ nhật 13/10 trong bài báo tựa đề "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước" cho hay:

"Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 13-10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra."

Tờ báo đăng toàn văn bài phát biểu trong phiên bế mạc hôm thứ Bảy của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoạn nói:

"Đề nghị các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị và đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2019 và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc ta, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng," vẫn theo tờ báo là tiếng nói của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một tọa đàm của Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC News Tiếng Việt trong dịp diễn ra Hội nghị TƯ11 của ĐCSVN.