Đại hội 13 nhóm họp: Nhân sự, đường lối và thách thức

  • Quốc Phương
  • BBC News Tiếng Việt
Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Đảng Cộng sản Việt Nam mở Đại hội 13 chuẩn bị cho nhiệm kỳ 5 năm kế tiếp

Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp từ ngày 25/01/2021 và chính thức khai mạc hôm thứ Ba 26/01 tại Hà Nội với dự kiến kéo dài một tuần đến ngày 02 tháng Hai.

Nhân sự kiện chính trị quan trọng này, một số nhà quan sát thời sự Việt Nam từ trong nước và hải ngoại chia sẻ với BBC nhận định của mình về khía cạnh nhân sự và đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội.

Trước hết từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo mạng Đàn chim Việt Online đưa ra một số bình luận, cảm quan của mình:

"Trước hết, tôi chú ý một thông tin trên trang mạng Chính phủ Việt Nam cho biết đại biểu nữ chiếm 13,99% ở Đại hội 13 này, tôi thấy rằng nếu so sánh với kỳ đại hội trước, đại hội XII thì con số này nhích lên.

"Tỉ lệ nữ của đại hội 12 là 12,85%, tuy nhiên, nếu tỉ lệ này đặt trong bối cảnh từ ngày có "chế độ mới" đảng Cộng Sản luôn giương cao khẩu hiệu nam - nữ bình quyền thì đây là một con số khiêm tốn. Nó cho thấy việc "bình quyền" vẫn chỉ đơn thuần là khẩu hiệu, chứ thực tế còn rất chênh lệch.

"Thứ hai, về chế độ và chính trị của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, tôi muốn nói thêm một điều rằng từ 2 đến 15 năm trước đây, khi mới tham gia vào hoạt động tranh đấu cho tự do dân chủ, tôi có cái nhìn lạc quan hơn nhiều.

"Nhưng cùng với thời gian và thực tế quan sát tình hình chính trị ở Việt Nam thì tôi không còn lạc quan nữa. Theo tôi chế độ cộng sản tại Việt Nam có thể còn tồn tại lâu, ít ra là vài kỳ đại hội nữa. Tôi cho rằng có hai con đường để dân chủ hóa Việt Nam, từ trên xuống và từ dưới lên.

"Nhưng hiện chưa thấy có dấu hiệu khả quan nào. Chuyển động từ dưới rất yếu, không có phong trào nào đủ mạnh, vì cứ 'nho nhoe' ra ai, ra tổ chứ nào là bị đàn áp liền. Đảng cộng sản phải nói là họ rất có kinh nghiệm, rất 'cao tay' trong việc trấn áp đối lập.

"Có lẽ họ đã rút được kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Đông Âu, cũng như của những phong trào sau này như "Cách mạng hoa Nhài". Họ ngăn chặn mọi sự liên kết, mọi sự hình thành và lơn mạnh của các tổ chức. Từ ngả thứ hai "từ trên xuống" ta cũng chưa thấy một Gorbachev nào. Thành phần thủ cựu theo tôi hiện vẫn đang áp đảo, chưa có hy vọng gì.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Other

Chụp lại hình ảnh, Các nữ nhân viên trong một nhóm phục vụ Đại hội 13 tại Trung tâm hội nghị quốc gia

"Ngoài ra, một điều nữa tôi muốn chia sẻ ở đây là tôi thấy người dân việt Nam thực sự chưa bao giờ được hỏi ý kiến là họ muốn gì, muốn đảng cộng sản lãnh đạo hay không. Từ xưa tới nay họ luôn bị áp đặt.

"Nhưng quan sát bầu cử Mỹ chẳng hạn, có thể thấy, dân Việt Nam rất quan tâm tới chính trị, tới việc bầu bán; trong khi đó ở Việt Nam lại ngược lại, bầu bán, ai lên, ai xuống là chuyện của đảng. Khó có thể nói dân Việt Nam có muốn đảng cộng sản lãnh đạo nữa hay không.

"Tôi nghĩ có những người muốn, đó là 5 triệu đảng viên, là những quan chức hay những người mà quyền lợi của họ gắn liền với sự tồn vong của đảng cộng sản. Dân thường, mà ngồi hàng nước nghe chẳng hạn, thì họ "chửi đảng như hát hay".

"Tôi cho rằng trừ khi có một cuộc thăm dò dư luận độc lập, bảo mật danh tính, thì ta mới biết được tỉ lệ thực sự như thế nào. Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, từ chỗ đói nghèo đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, nên cũng có luồng ý kiến "bỏ phiếu bằng dạ dày" và họ cho rằng không cần thay đổi gì nữa.

"Đây cũng là một rào cản cho việc dân chủ hóa. Mặc dù, về lý thuyết mà nói, khi kinh tế phát triển đủ để hình thành tầng lớp trung lưu, thì tầng lớp này sẽ là tác nhân thay đổi xã hội. Việt Nam có thể nói, đã có tầng lớp trung lưu, nhưng chưa nhìn thấy sự chuyển động từ hướng này."

Trường hợp đặc biệt và phản ứng dây chuyền?

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các lãnh đạo đảng, nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam bước vào phiên trù bị hôm 25/01/2021 tại Đại hội 13 của đảng CSVN nhóm họp tại Hà Nội hôm thứ Hai

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), đưa ra bình luận với BBC:

"Điều đặc biệt trong danh sách Tứ trụ mà theo một số đồn đoán thì nó không còn người miền Nam nữa, cũng không còn nữ nữa.

"Thế thì nếu xem lại quá trình từ trước đến nay thì lúc nào cũng có người Bắc và người Nam, cũng có thời kỳ không có người miền Trung, như Đại hội 10 và Đại hội 11 là không có người miền Trung.

"Thế nhưng chưa bao giờ là không có người miền Nam cả, lần này xảy ra đồn đoán mà nếu mà đúng, thì lần này không có người miền Nam và cũng không có nữ.

"Còn bình thường, Thủ tướng Chính phủ làm hai nhiệm kỳ, nhưng với danh sách này thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ làm một nhiệm kỳ thôi, sau rồi chuyển.

"Lý do chuyển có thể là do quá tuổi và trường hợp đặc biệt ở lại thì không làm Thủ tướng nữa, thế còn chức vụ khác là Chủ tịch Quốc hội, tôi thấy là mọi người nói rằng lẽ ra để ông Vương Đình Huệ làm Thủ tướng thì tốt hơn.

"Thế nhưng nói đi thì cũng nên nói lại một chút, tức là quy chế 214 rất là rõ và rõ ở chỗ tiêu chuẩn để trở thành Thủ tướng phải đảm bảo được những nhân tố như thế này: thứ nhất, bỏ qua điều kiện về chính trị vì ai cũng phải có điều kiện ấy, thì điều kiện về lãnh đạo kinh tế là phải có rất là sâu sắc, cũng như phải có hiểu biết và có kinh nghiệm rất sâu sắc về mặt an ninh, quốc phòng.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người dân ngồi chơi ở một địa điểm có pa-nô trang hoàng tuyên truyền cho kỳ Đại hội

"Nếu đúng với những điều kiệt như thế, thì ông Vương Đình Huệ không đủ điều kiện tốt về mặt an ninh, quốc phòng, cho nên đấy có thể là một lý do mà người ta đã đề cử chọn ông Phạm Minh Chính, bởi vì ông Chính đã có kinh nghiệm về kinh tế, khi ông lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông đã làm rất tốt, tỉnh ấy đã thay đổi rất nhiều.

"Còn các vấn đề về an ninh, quốc phòng, đương nhiên ông ấy nắm tốt vì ông đã từng làm Thứ trưởng Công An; và trước đó ông cũng đã làm các cấp bậc khác nhau từ dưới lên trên ở trong ngành đó, nên ông hiểu các vấn đề về quốc phòng và an ninh. Cho nên đó là một nhận xét mà người ta cho rằng nên dựa vào quyết định 214.

"Còn với các danh sách khác ở trong Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thì quy định của họ rất rõ ràng là những độ tuổi từ dưới 50, 50 - 55, rồi từ 55 - 60 và trên 60, mấy khóa vừa rồi cứ như thế, thành một dây xích, tức là cứ thế mà tiến đến quá tuổi, thì trường hợp đặc biệt người ta xét, còn không thì nghỉ.

"Như vậy, nó sẽ tạo ra một điều là đối với ai nằm trong trường hợp đặc biệt, mà cho đến Đại hội 12 chỉ có một trường hợp đặc biệt, bây giờ theo đồn đoán này, Đại hội 13 có thể có hai trường hợp đặc biệt, thì nó sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền ngược lại là nó sẽ bớt đi một vài khả năng cho những người trẻ hơn.

"Cách chuẩn bị nhân sự của đảng Cộng sản Việt Nam là như thế và nếu nhìn ra thấy rằng sẽ không có gì đặc biệt hơn hay gì cả ở trong số lượng cũng như là độ tuổi và cách chọn người nằm trong Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư hay Bộ Chính trị."

"Đoàn kết"hay 'đổi mới' nên đứng đầu khẩu hiệu Đại hội?

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Các đại biểu biểu quyết tại phiên Trù bị của Đại hội 13 hôm 25/01/2021 tại Hà Nội

Một nhà báo tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng 25/01 để theo dõi, đưa tin về Đại hội 13 nói với BBC News Tiếng Việt rằng điều dễ ghi nhận khi bước vào Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội tại Hà Nội là dòng khẩu hiệu: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển."

Khi được đề nghị bình luận về khẩu hiệu được lựa chọn này của Đại hội, từ Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công an Việt Nam, nói với BBC:

"BBC có nhắc tới khẩu hiệu đó, thì bây giờ tôi mới biết, mặc dù tôi suốt ngày theo dõi ở trên mạng và báo chí của nhà nước, tôi đọc rất nhiều, nhưng không bao giờ tôi nhìn đến khẩu hiệu đó.

"Song bây giờ quả tình khi tôi nhìn vào khẩu hiệu đó, tôi hơi ngạc nhiên. Chữ 'đoàn kết' lại đặt lên đầu tiên làm tôi thấy hơi lạ, mà cái đó tôi cho là không nên.

"Nó có thể gây ra một suy nghĩ, một suy diễn mà báo chí nhà nước hay phê phán là 'thế lực thù địch', hoặc là lực lượng không có thiện chí với nhà nước, thì người ta có thể 'móc máy', tôi xin lỗi dùng từ này, người ta nói rằng tại sao bây giờ lại đặt 'đoàn kết' lên đầu, nghe ghế thế? Hay là đằng sau là có chuyện gì?

"Đấy là tôi nói ví dụ thế, người ta có thể tận dụng chuyện ấy để người ta nói, thì theo tôi đề phòng là như thế, còn về nguyên tắc, phong cách của một đảng, đang rất cần cái gì thì không nên đặt 'đoàn kết' lên đầu tiên.

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, Một phương án được cho là các dự kiến đề cử nhân sự trong Tứ trụ tại Đại hội 13

"Phải đặt cái gì đó, ví dụ như 'pháp quyền' hay 'kỷ cương - pháp quyền' gì đó chẳng hạn, hoặc là đặt 'đổi mới' lên đầu.

"Nhân thể tôi cũng nhắc đến một bài báo trên tờ Người Lao Động của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, trong đó có nhắc đến từ 'Đổi mới', thậm chí là 'Đổi mới lần hai', tức là ông Doanh nói rằng 'khởi động Đổi mới lần thứ hai'.

"Rõ ràng là nghe tới 'Đổi mới lần hai' thì mừng vô cùng, nhưng có lẽ TS Doanh dùng từ 'khởi động' có ý là nhắc nhở như thế thôi, còn nội dung... tôi thấy không có gì hy vọng cho có gì đổi mới, còn theo tôi quan niệm là phải đặt chữ 'đổi mới' đầu tiên, nhưng không đổi mới được thì đành phải chịu thôi.

"Bởi vì Việt Nam đã đổi mới hơn 30 năm rồi và người ta cứ kêu gọi cần có đổi mới lần hai, lần một chỉ là kinh tế thôi, còn hơi 'cởi trói' một chút thôi rồi khép lại, thành ra người ta rất hy vọng là có 'đổi mới lần hai', mà chính là đổi mới về dân chủ và pháp quyền, điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng, nhưng bây giờ đặt 'Đoàn kết' lên trên thì có nghĩa 'Đổi mới' sẽ bị lu mờ hẳn đi và tôi nhìn khẩu hiệu có ý nghĩa như thế."

Nghe 'rất kêu' nhưng thực hiện sẽ thế nào?

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Kỳ đại hội 13 được nhóm họp tại Hà Nội vào thời điểm không xa Tết nguyên đán của người dân Việt Nam

Khẩu hiệu được cho là một yếu tố phản ánh tư duy về đường lối và hành động, từ Warsaw, Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng cũng bình luận thêm về khẩu hiệu "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển" mà đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra ở Đại hội 13:

"Khẩu hiệu này của Đại hội 13 theo tôi cũng không có gì mới. Đặc điểm chung là các khẩu hiệu trong chế độ cộng sản nghe đều rất kêu, nhưng thực hiện thế nào là chuyện khác.

"So từ những khẩu hiệu "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" hay "Cán bộ là đầy tớ của dân" ra, thì ta biết nó như thế nào. Trong 5 cụm từ trên (Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển), có lẽ chỉ có chữ "sáng tạo" là tôi thấy mới, nhưng cũng chưa rõ đảng định sáng tạo cái gì.

"Nhân đây, tôi muốn bình luận thêm về khía cạnh nữa liên quan nhân sự của Đại hội và tình hình nhân quyền ở Việt Nam, thứ nhất, trước hết tôi cho rằng tỉ lệ quan chức gốc công an nhiều được đề cử trong Bộ Chính trị khóa tới không khiến tôi ngạc nhiên.

"Lý do là bởi trấn áp luôn là công cụ được đặt lên hàng đầu của chuyên chính vô sản. Thời bình thì họ lại phải tranh đấu với "diễn biến hòa bình", với "thế lực thù địch", với "phản động", nên vẫn phải trấn áp để giữ chế độ mà thôi.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người gánh hàng rong trên một đường phố ở Hà Nội trong tuần lễ gần cận ngày Đại hội 13 nhóm họp

"Và trước đại hội 13, một loạt vụ bắt bớ đã xảy ra, trong đó có nhà báo tự do Phạm Đoan Trang; rồi vụ xử 3 nhà báo thuộc nhóm 'Hội nhà báo Độc lập Việt Nam' với tổng cộng với 37 năm tù.

"Nhiều nhà hoạt động khác cũng nhận được áp lực từ nhà cầm quyền, hoặc dừng hoạt động, hoặc bị bắt. Tôi nghĩ họ muốn dẹp yên 'đám' bất đồng trước kỳ đại hội.

"Tôi thấy rằng sau khi cam kết với EU để gia nhập hiệp định EVFTA, tự do ở Việt Nam cũng không hề khá hơn, thậm chí còn tệ đi. Từ trước tới nay, ban lãnh đạo cộng sản không tôn trọng các hiệp định, hiệp ước hay cam kết, bản chất này không hề thay đổi.

"Nhưng những người cộng sản cũng giỏi trong vấn đề ngoại giao đó. Với thành tích nhân quyền lem nhem như vậy, nhưng chế độ đã kết giao và thậm chí trở thành đối tác chiến lược của nhiều quốc gia phương Tây.

"Theo tôi việc cam kết để vào EVFTA, về tự do, nhân quyền, theo tôi, chắc cũng chỉ là những lời hứa lèo thôi, mặc dù về kinh tế có thể Việt Nam sẽ đáp ứng những đòi hỏi của EU."

Thách thức chính nào đang đối diện ĐCSVN?

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam tại hội trường trong phiên trù bị Đại hội 13 ngày 25/01 ở Hà Nội

Cũng trong dịp này, một số nhà quan sát thời sự cũng đã chia sẻ với BBC về điều gì được cho là những thách đố chính đang chờ đón đảng Cộng sản Việt Nam trong trước mắt cũng như hướng về lâu dài hơn.

Từ Leeds, Anh quốc, nhà báo tự do Song Chi, cựu đạo diễn truyền hình, nói với BBC:

"Theo tôi, thách thức của đảng CSVN trong giai đoạn sắp tới rất to lớn và nó đến chính từ mặt đối nội, nội trị, đó chính là mô hình độc đảng lâu nay không có sự cạnh tranh từ các đảng phái chính trị khác và nó khiến cho đảng Cộng sản bế tắc, không có khả năng tự lột xác, đổi mới triệt để mà cứ sửa chữa, vá víu, vá đầu này hở đầu kia.

"Cơ chế đảng trị, mà không hề phải là pháp trị hay pháp quyền, với đảng cộng sản đứng cao hơn tất cả, kiểm soát tất cả từ hành pháp, luật pháp, tư pháp, cả truyền thông cho tới việc người dân không có quyền tự do ngôn luận để chỉ trích, góp ý những cái sai của nhà nước, không có một cơ chế phân chia và kiểm soát quyền lực dẫn đến những tệ nạn không thể chấm dứt như độc tài, tham nhũng, sự tha hóa quyền lực…

"Cần nói rõ hiện tại và trong nhiều năm tới, theo tôi, sẽ không có một lực lượng chính trị nào hay một phong trào đối kháng nào có thể đe dọa đến sự tồn vong của đảng CSVN, nhưng chính mô hình độc đảng cơ chế đảng trị này sẽ khiến đảng CSVN không thể phát triển lành mạnh.

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một nữ nhân viên phục vụ Hội nghị 13 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội

"Về kinh tế, xã hội…bên cạnh những vấn đề đã tồn tại từ lâu không giải quyết được như nạn tham nhũng, hiện tượng làm ăn thua lỗ thất thoát của các tập đoàn kinh tế nhà nước, khoảng cách giàu ngheèo, sự bất công trong xã hội, môi trường thiên nhiên bị tàn phá, tài nguyên khoáng sản bị vơ vét, khai thác đến cạn kiệt…thì có những vấn đề khác.

"Đó là Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương… nếu Việt Nam muốn tham gia sâu vào các sân chơi quốc tế thì cần phải thay đổi từ tư duy, con người cho tới luật lệ, môi trường làm ăn để có thể đáp ứng yêu cầu...

Tôi cho rằng, một lần nữa, đảng Cộng sản Việt Nam thực sự cần đổi mới tư duy, đổi mới chính sách lẫn nhân sự, đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết, có những chính sách hòa giải với nhân dân, khoan sức dân, bớt coi dân là kẻ thù, đẩy mạnh cải cách kinh tế, tư nhân hóa nhiều hơn đồng thời phải có cơ chế kiểm soát, hạn chế quyền lực. Trước mắt, đó là những tổ chức dân sự, cho tới quyền lực thứ tư từ báo chí, nhà xuất bản tư nhân, mạng xã hội, và công nhận quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình của nhân dân."

Từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà nghiên cứu sử học Lê Văn Sinh nêu quan điểm với BBC:

"Thách thức lớn nhất đối với đảng Cộng sản Việt Nam theo tôi là duy trì mô hình chính trị hiện thời hay đổi mới nó.

"Tôi cho rằng, từ lâu, các nhà lý luận của đảng đã nhận ra sự bất cập của hệ thống chính trị kiểu Xô Viết là không tương thích với hệ thống kinh tế thị trường tại Việt Nam.

"Do đó, vấn đề và thách đố của đảng là đổi mới thể chế chính trị, dân chủ hóa nền chính trị đất nước. Đó là cách tốt nhất để đảng sống mãi trong lòng dân tộc.

"Và tôi nhớ câu chỉ dẫn của Friedrich Engels, đại ý có nói rằng "Kinh tế tự mở đường mà đi", và rõ ràng quá trình biến chuyển xã hội Việt Nam thời cận đại đã chứng tỏ tính đúng đắn của nhận định trên."

Làm gì để vượt qua những thách thức?

Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người dân trên đường phố trong dịp diễn ra Đại hội 13 của ĐCSVN

Về phần mình, từ Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Mai Thanh Sơn bình luận với BBC:

"Tôi thì thấy rằng thách thức lớn nhất, đáng kể nhất của đảng CSVN trong giai đoạn tới nằm trong chính nội bộ của tổ chức này: đổi mới công tác lý luận, đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội, khắc phục tình trạng bè phái hay lợi ích nhóm, tìm kiếm hay sử dụng nhân tài vừa có tầm vừa có tinh thần thượng tôn dân tộc hay quốc gia…

"Cung cách tổ chức và quy hoạch nhân sự của Đảng trong những năm qua rõ ràng là đã có những lỗ hổng khiến cho việc kiểm soát quyền lực và xử lý cán bộ vi phạm pháp luật gặp nhiều khó khăn.

"Hiến pháp và Pháp luật nhiều lúc không vượt qua được ý chí và quyết tâm chính trị của Đảng.

"Đó là những nguyên nhân chính khiến cho các thách thức mà ĐCSVN phải đối mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng.

"Để vượt qua các thách thức này, theo tôi không có giải pháp nào khả thi hơn là phải thượng tôn Hiến pháp, Pháp luật.

"Phải thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, thay đổi quy trình quy hoạch cán bộ, đổi mới cung cách tổ chức, kiểm tra, theo dõi hay giám sát, và đặc biệt minh bạch trách nhiệm giải trình trước công luận," Tiến sỹ Mai Thanh Sơn nói với BBC.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận chuyên đề nhân đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp Đại hội 13 với các khách mời Hà Hoàng Hợp, Nguyễn Hữu Vinh và Mạc Việt Hồng.