Tổ chức Nhân quyền kêu gọi EU gây sức ép lên Việt Nam trước Đối thoại Nhân quyền


2020.02.17
   Hình minh họa. Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh (giữa) đứng trước tòa ở Bến Tre hôm 6/6/2019. Ông Ánh bị tuyên án 6 năm tù vì những bài viết trên Facebook
AFP

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên là Uỷ ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) hôm 17/2 ra thông cáo kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) gây sức ép lên Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền trong nước nhân Đối thoại Nhân quyền giữa hai phía dự định diễn ra vào ngày 19/2 tới tại Hà Nội.

Hai tổ chức này thúc giục EU phải yêu cầu Hà Nội chấm dứt việc đàn áp xã hội dân sự, sửa đổi Bộ Luật Hình sự, và trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân lương tâm. Các điểm quan ngại về nhân quyền được nêu ra trong thông cáo bao gồm:

  • Việc gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến
  • Các điều luật về “an ninh quốc gia” mang tính đàn áp
  • Các quyền của người lao động
  • Tranh chấp đất đai
  • Điều kiện giam giữ mất nhân tính trong tù và tình trạng người chết khi bị tạm giam
  • Án tử hình

Theo FIDH và VCHR: “Kể từ lần Đối thoại Nhân quyền EU - Việt Nam được tổ chức vào ngày 4 tháng 3 năm 2019, giới chức Việt Nam đã tiếp tục xách nhiễu, hành hung, và bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền của người lao động, quyền môi trường và đất đai, các bloggers, nhà báo, những người chỉ trích chính phủ và những người theo đạo. Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm 3 phụ nữ) và kết án 42 người (bao gồm 5 phụ nữ) những án tù lên đến 12 năm”.

FIDH và VCHR cũng bày tỏ quan ngại về việc Nghị viện Châu Âu vừa thông qua Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) bất chấp tình hình nhân quyền đang bị chỉ trích ở Việt Nam. Theo dự kiến Hiệp định này sẽ đi vào hiệu lực vào khoảng giữa năm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.