Chủ tịch Hà Nội bị đình chỉ: Cách đưa tin báo chí nhà nước thế nào?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dường như chưa có bình luận gì về các diễn biến liên quan tới việc điều tra và khởi tố cán bộ làm việc trực tiếp với ông.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, bị đình chỉ công tác tạm thời trong thời gian 90 ngày là một sự kiện được báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam trong tuần này đưa khá rầm rộ.

Vậy có gì đáng lưu ý và có thể lý giải ra sao về sự 'thay đổi' trong cách thức mà truyền thông nhà nước đưa tin hay không trong trườn hợp này?

"Tôi cho rằng những người làm báo ở Việt Nam rất rành rẽ về phương pháp đưa tin, đưa bài," nhà báo tự do, blogger Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh thuộc ngành Công an Việt Nam nói với một cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm.

"Khi mà họ đã có được le lói những thông tin một nhân vật nào đó thất sủng, thì đương nhiên họ không thể nào mà họ đem kể công, kể trạng của những người đó, nhất là họ lại hơn mọi người, họ biết khá là nhiều thông tin hậu trường.

"Nhiều khi chúng ta cũng phán đoán tình hình qua cách đưa tin, đúng như các ý kiến nói, xem cách đưa tin mà người ta đưa có vẻ như là bóng gió về cái không hay của một nhân vật nào đó thì chúng ta biết đó là tình trạng rất không thuận lợi cho nhân vật đó.

"Thì họ không thể nào đưa tin một cách tích cực cho một người đang sắp thất sủng, vì như thế thì chắc chắn họ sẽ được Ban Tuyên giáo hay Bộ Thông tin & Truyền thông nhắc nhở ngay.

"Chắc chắn các vị lãnh đạo, rồi tổng biên tập cho đến cơ quan chủ quản sẽ được nhắc nhở ngay, không thể có chuyện đó."

Góc phố Hà Nội

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Góc phố Hà Nội

'Đưa tin như thế là bình thường'?

Từ góc nhìn của mình, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, nói với BBC:

"Báo chí chính thống của Việt Nam là cái loa của đảng Cộng sản Việt Nam, thì như vậy đưa tin như thế rất là bình thường.

"Bởi vì lúc mà ông còn tại chức, họ thi nhau ca ngợi, nhưng đến lúc bị vấn đề thì người ta hùa nhau vào, thậm chí còn lên án như thể họ là tòa án nữa.

"Cái đấy là cái không có gì lạ so với nền báo chí do đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát cả."

Còn từ Warsaw, Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, bình luận:

"Tôi nghĩ là báo chí Việt Nam đưa tin mà chúng ta có thể thấy là na ná như nhau ở các báo, bởi vì là theo tôi là họ đều có sự chỉ đạo về cách đưa tin, nhất là trong những vụ việc mà có tính nhạy cảm.

"Nhạy cảm ở đây là nó dính đến một nhân vật cấp cao, thì người ta đều quán triệt cách đưa tin như thế nào rồi.

"Cho nên mặc dù điểm qua rất nhiều trang báo ở trong nước, nhưng không có gì mới cả, có thể nói là trang nọ na ná như trang kia."

Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2020

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hà Nội, 2020

Nhân dịp này, nhà báo Mạc Việt Hồng cũng chia sẻ với BBC một góc nhìn so sánh từ đất nước mà bà đang sinh sống và làm việc tại châu Âu.

"Ở Ba Lan vừa rồi, người ta cũng có bắt một vị cựu Bộ trưởng giao thông, vận tải. Tôi thấy rằng cách đưa tin của họ rất là khác.

"Bởi vì họ có nền báo chí độc lập và các báo họ khai thác những khía cạnh rất khác nhau và họ cũng cố gắng đánh giá công tâm tất cả những đóng góp, cũng như phân tích những sai lầm của vị đó.

"Và điều này chúng ta chưa thể thấy được ở một nền báo chí mà đặt dưới một ông Tổng Biên tập là Ban Tuyên giáo Trung ương như là ở Việt Nam được.

"Điều đó tôi nghĩ cũng là một sự thiệt thòi cho những người bị bắt, hoặc là những người bị đình chỉ, trong trường hợp này ở đây, cụ thể trong vụ của ông Nguyễn Đức Chung.

"Đáng nhẽ ra người ta phải có những phân tích, những đánh giá từ nhiều khía cạnh, góc cạnh khác nhau và nó công tâm hơn.

"Thì đó là điều tôi nghĩ là báo chí của Việt Nam chưa đạt được," bà Mạc Việt Hồng nói với BBC News Tiếng Việt.