Sau ánh chớp… là nỗi niềm nuối tiếc

Chiến Thành
2020.05.31
   Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đeo khẩu trang dự họp trực tuyến Thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 14/4/2020
AFP

Thủ tướng đã nói thật, rất ít tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phúc lại không dám tiết lộ nguyên nhân vì sao. Vâng, với vị thế chung chiêng hiện nay lại cộng thêm một hệ thống chính trị mà chính Thủ tướng đã từng gào lên: Phải đổi mới thể chế, thể chế và thể chế, Việt Nam chưa thể là một bến đỗ lý tưởng!

-------------------------

Một hiện tượng hy hữu: Tuần qua, hầu như tất cả các báo giấy, báo mạng, kể cả lề phải và trái đều copy lại nguyên văn bài viết “Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc” từ một cây bút có tên là Lê Châu, đăng lần đầu tiên hôm 26/5/2020 trên baochinhphu.vn. Quả là một bài báo lạ. Đọc qua, không thấy gì khác biệt so với thể loại “cúng cụ” xưa nay. Bài viết ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dũng cảm gióng lên hồi chuông cảnh báo: Rất ít tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam sau đại dịch!

Như cách diễn ngôn đầy bóng gió trong văn hóa Anglo-Saxons: I told you so! Cái độc đáo của bài báo chính là ở chỗ đó. Thủ tướng như muốn nói: Tôi đã bảo trước rồi mà! Tuy nhiên, nội dung bên trong thì chống lại cách “giật tít” của nó. Với những lời lẽ gan ruột như nhà báo Lê Châu đã mở lòng, tít của bài báo chỉ có thể là: “Sau ánh chớp chỉ còn lại mỗi niềm nuối tiếc”. Nhưng nếu để đầu đề ấy, bài báo sẽ không bao giờ được đăng. Hoạ sỹ – Nhà báo đã ẩn dưới cái tông tích cực để phác hoạ lên những gam tối trong bức tranh: “Thủ tướng buồn rầu, chúng ta muốn thu hút họ đến đầu tư, nhưng thực sự lại không làm gì cả, chỉ ngồi chờ sung rụng”.

Nhưng thưa Thủ tướng, vấn đề không phải là ở cái phát hiện công khai ấy. Đáng tiếc là cả nhà báo tinh khôn lẫn Thủ tướng Phúc chẳng nói được điều gì mới, khi đưa ra thông điệp: Sau mùa chống dịch được cho là thành công, Việt Nam đang trên đường “về morte”. Vấn đề ở đây là Thủ tướng không dám “bật mí” xem các nguyên nhân nào đang làm cho những “niềm hồ hởi sảng” của Việt Nam trong mùa chống COVID-19 đã không trở thành hiện thực.

Phải chăng nguyên nhân hàng đầu mà Thủ tướng cũng như các lãnh đạo Hà Nội không bao giờ dám nói ra, đó chính là tình trạng bất an và bất định trong các mối bang giao Hoa – Việt. Xã hội Việt Nam đang lo lắng khá ồn ào về xu hướng đất nước có thể bị “xoá sổ trong thầm lặng” khi Tàu cộng ngày càng công khai dã tâm quyết thống trị kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Như các chuyên gia đã chỉ rõ, hiểm hoạ cho sự diệt vong này trước hết là do tinh thần nô lệ tự nguyện của ĐCSVN, mà mật ước Thành Đô năm 1990 là một cái bẫy tự tạo. Trung cộng chưa bao giờ công nhận Việt Nam là đối tác bình đẳng, mà chỉ tung ra các khẩu hiệu viển vông khoa trương về tình huynh đệ, trong khi hải quân Trung Quốc “múa gậy vườn hoang” trên Biển Đông mấy năm nay.

Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt – Trung từ khi bình thường hoá đến nay, Bộ Quốc phòng đã buộc ban bố công khai trong một báo cáo gửi Quốc hội mới đây cho biết, Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000 héc-ta đất biên giới, ven biển thông qua các hình thức doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Theo báo cáo này, thời hạn thuê của người Trung Quốc thường từ 5 – 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.

Những tỉnh thành có tình trạng người Trung Quốc tập trung sở hữu đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp. Như chuyên gia quốc tế đã chỉ rõ, COVID-19 thực sự cho thấy một sự quyết tâm mới của Trung Quốc trong việc dùng tin giả và chính sách ngoại giao “chiến binh sói” để buộc tội các quốc gia khác. Trung Quốc đã rất nỗ lực truyền bá các thông tin giả như ai tạo ra viruscorona, ai là người khởi xướng, thậm chí tới mức họ còn tung tin rằng, chính phủ Pháp bỏ mặc người dân chết trong nhà thương.

Qua đó, chúng ta thấy các thủ đoạn vừa tinh vi vừa công khai của Trung Quốc trong những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ chính trị Việt Nam, có thể qua truyền thông, qua Facebook, Twitter… Nếu Việt Nam mất cảnh giác, không dự đoán trước được những gì Trung Quốc có thể làm, để đối phó và xây dựng ngay các rào chắn ở bất cứ lĩnh vực nào có thể để duy trì hệ thống chính trị đủ sức bền, chịu được sự va đập và không bị tổn thương từ các hoạt động nội gián của Trung Quốc.

Trong khi nỗi lo về Trung Quốc như thanh gươm Damocles treo trên đầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư ĐCSVN thì đến lượt chính sách “một bước tiến hai bươc lùi” trong nền ngoại giao đu dây cũng đang gây đau đầu cho giới hoạch định chính sách ở cả Whashington lẫn Hà Nội. Hà Nội như “gà mắc tóc” thì đã đành. Vì trước sau, Việt Nam chỉ là con tốt trên bàn cờ mọi thời đại và khi bị khủng hoảng, bất kể do đường lối hay đại dịch gây ra, Việt Nam rơi ngay vào trạng thái mà thủ tướng Phúc mô tả là bị “con virus trì trệ” làm cho tê liệt.

Mà không chỉ có Việt Nam. Lần này, Mỹ dường như cũng bị rơi vào trạng huống khó xử. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam từng nói với người viết bài này: “Đã đến lúc Việt Nam phải tiến thêm một bước nữa. Mỹ đã nâng cấp, sẽ mạnh mẽ và quyết đoán hơn trên Biển Đông, hiển nhiên trước hết là vì các lợi ích của Mỹ, nhưng để bảo vệ tốt các lợi ích ấy, Mỹ cũng hỗ trợ các quyền lợi của các đồng minh và các đối tác mới nổi hàng đầu trong ASEAN như Việt Nam và Indonesia”. Mặc dầu cá nhân Tổng thống Trump cũng như chính quyền Mỹ vừa qua đã chủ động gửi nhiều tín hiệu tích cực để động viên Việt Nam “phải tiến thêm một bước nữa”, đặc biệt lời mời Việt Nam tham gia vào “Bộ Tứ mở rộng” (Quad Plus). Nhưng những kẻ “chọc gậy bánh xe” đã hành động mau lẹ hơn bằng đợt đàn áp mới đối với tự do báo chí và các quyền cơ bản của con người ở Việt Nam.

Hôm 27/5/2020, Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ (USAGM) đã ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giữ blogger Nguyễn Tường Thuỵ vào hôm 23/5 vừa qua và gọi đây là hành động nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính phủ. Blogger Nguyễn Tường Thuỵ bị công an bắt giữ tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 23/5 vừa qua với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước" theo điều 117 Bộ luật hình sự.” Thông cáo báo chí của Tổng Giám đốc USAGM xác định Nguyễn Tường Thuỵ là người cộng tác thứ 4 với USAGM hiện đang bị Việt Nam giam giữ.

Trong số 4 cộng tác viên nói trên, có 3 cộng tác viên của ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) là Nguyễn Văn Hoá, blogger Nguyễn Tường Thuỵ và blogger Trương Duy Nhất. Người còn lại là blogger Lê Anh Hùng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Theo thông cáo báo chí của USAGM, “việc đàn áp rộng khắp tự do phát biểu ở Việt Nam là một tấn công trắng trợn vào quyền con người của công dân Việt Nam và tự do báo chí. Vào lúc này, vào giữa đại dịch COVID-19, các luồng thông tin tự do lại càng quan trọng hơn bao giờ hết”. Tổng Giám đốc USAGM kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho các blogger và nhà báo cộng tác với USAGM.

Trên đây chỉ điểm qua hai hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của ĐCSVN ngay trước thềm Đại hội 13 để thấy thế lưỡng nan của Việt Nam trong quan hệ với hai quốc gia có vị thế không nhỏ đối với tương lai của Hà Nội. Còn về nội trị, hẳn nhiên “nghẽn thể chế” là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt hậu về mọi mặt hiện nay của đất nước. Căn nguyên của “nghẽn thể chế” chính là do xuất phát từ ý thức hệ giáo điều đã không thích nghi với thay đổi kinh tế – xã hội theo các định hướng thị trường.

Những cản trở nói trên đã được đề cập và bàn luận suốt cả năm chuẩn bị cho đại hội đảng này và những thách thức do tình trạng “đầu Ngô mình Sở” (kinh tế thị trường nhưng chính trị lại độc tài) chỉ có thể được giải toả bởi tư duy và chính sách đột phá. Không giải quyết dứt điểm vấn đề thể chế thì một loạt các nhân tố gây nhiễu khác như các sới vật hiện nay giữa quân đội và công an, giữa toà án và viện kiểm sát… sẽ không có cách nào giải quyết. Với các cuộc hỗn chiến khi tay phải “choảng” tay trái, chân phải “đạp” chân trái, Thủ tướng Phúc không nên đặt câu hỏi: Tại sao lại rất ít tập đoàn công nghệ cao đến Việt Nam sau đại dịch?

Đã bao lần, tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Phúc từng kỳ vọng, Việt Nam là điểm đến an toàn. Việt Nam sẽ có cơ hội, có nhiều lợi thế đón làn sóng đầu tư hậu COVID-19. Thủ tướng ý thức rất rõ, để đón đầu làn sóng này và thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có các giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, Thủ tưởng quên mất một chân lý thời đại. Người ta không thể cất bước khi một chân thì thị trường còn chân kia là toàn trị. Sau tuyên bố rất nổ ấy, quả thực có 27 doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc, nhưng than ôi, chẳng có đại bàng nào đến Việt Nam. Đám đại bàng kia đã kéo nhau bay sang Indonesia, bỏ lại những chiếc tổ mà Thủ tướng khẳng định đã lót sẵn… trong vô vọng./.

Mời quý vị tham khảo thêm tại:

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Sau-anh-chop-khong-phai-niem-nuoi-tiec/396476.vgp

Sau ánh chớp không phải niềm nuối tiếc - Baochinhphu.vn

https://baotiengdan.com/2020/05/26/nhung-kieu-tuyen-bo-troi-oi-dat-hoi-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc/ Những kiểu tuyên bố “trời ơi đất hỡi” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

https://news.vietluan.com.au/diem-sach-trat-tu-the-gioi-cua-henry-kissinger/

Điểm sách: Trật tự Thế giới của Henry Kissinger

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52816333

Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời COVID-19

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52844776

Việt Nam và lo ngại người Trung Quốc “thâu tóm đất nơi trọng yếu”

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.