18/04/2021 13:36 GMT+7

Trí nhớ treo trước tim mình

SONG MAY
SONG MAY

TTO - Quá khứ không dễ xếp lại như giấy tờ trong ngăn tủ, nhất là khi quá khứ bị đào xới quá dễ dàng bằng các chức năng gợi nhắc kỷ niệm của thời đại Facebook này...

Trí nhớ treo trước tim mình - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

"Kỷ niệm nào từng ngọt ngào giờ thành cay đắng, kỷ niệm nào đã cay đắng càng thêm chát lừ. Đến đỗi, cô tự trách mình sao mà đăng Facebook lắm thế.

1. 25 tuổi, chị một mình mang hết sính lễ dạm hỏi mà nhà trai đưa qua hai tháng trước, âm thầm đón xe đò chạy về xứ miệt đồng (đáng lẽ thành quê chồng) để trả lại cho hai ông bà già (cũng suýt thành ba má chồng vào cuối năm nay). Trong căn nhà gạch đơn sơ, chị nước mắt không chảy, chuyện cũng không kể, chỉ nói mấy câu mong hai bác thông cảm, cũng đừng hỏi han gì, duyên tụi con tới đây là dứt, xem như đây là chuyện riêng của tụi con. 

Để lại trà rượu lẫn hai ông bà già còn bần thần ngẩn ngơ giữa cái sạp tre ngoài hiên, chị vội vã chạy ra khỏi cửa, lòng nặng trịch nhưng ruột nhẹ bẫng bởi niềm tin thôi trả cho người ta rồi, không còn vướng nợ đứa con trai mang thói trăng hoa nhà người ta kiếp này, lẫn kiếp sau.

Về tới Sài Gòn, đâu đâu cũng gợi nhắc chị về cuộc tình bội bạc. Cái góc tường khuất sau con hẻm dẫn vào nhà, bao lần chị với người yêu nấp vào để lưu luyến nụ hôn còn nuối tiếc sau buổi hẹn hò. Cái quán cà phê dưới tàn cây trứng cá mảnh dẻ, trăm buổi chiều chị cùng người thương ngồi nhấm nháp giữa êm đềm. Ký ức ở bên ngoài còn giày vò, thúc bách hơn cả cái ký ức bên trong thân thể. 

Vậy là chị quyết định theo đuổi một đợt công tác dài, rời khỏi Sài Gòn hai năm, mong khi quay trở về những dấu vết xưa cũ sẽ phai nhạt. Cuộc sống mới ở không gian mới có khiến chị nguôi ngoai, nhưng tết về thăm ba mẹ, vừa tới góc tường khuất sau con hẻm, lòng chị vẫn nhói lên.

2. 23 tuổi, sinh đứa con đầu lòng được 5 tháng, em gái chị đơn phương ra tòa xin ly hôn gã chồng ích kỷ, thích kiểm soát vợ và vô trách nhiệm với con cái. Giấy tờ ký xong thì nằm trong ngăn kéo, nhưng tâm trí con người không xếp được vào một góc rồi khóa lại. Mỗi ngày, Facebook đều hiện ra, nhắc nhở một kỷ niệm.

Ban đầu, người phụ nữ một mình nuôi con can đảm đối mặt với từng lời gợi nhắc, hùng hồn nhìn thẳng vào quá khứ. Nhưng kỷ niệm nào từng ngọt ngào giờ thành cay đắng, kỷ niệm nào đã cay đắng càng thêm chát lừ. 

Đến đỗi, cô tự trách mình sao mà đăng Facebook lắm thế. Tắt chế độ "ngày này năm ấy", tưởng đã yên thân, ai dè kỷ niệm từ Facebook của bạn bè mà hai vợ chồng cùng "sở hữu" chung chốc chốc lại cứ như nước mưa thu, gõ từng giọt, từng giọt bất nhẫn vào nỗi buồn muốn gạt đi mà cứ giăng mắc như màng nhện trong lòng.

Rồi thời gian qua, lâu lâu có người quen hỏi, thằng đó sao rồi? Em gái chị tặc lưỡi, ôi dào, ai biết, quan tâm làm gì. Nhưng thực ra, không ngày nào, giữa lúc cho con bú, tranh thủ khi con ngủ, người đàn bà cô lẻ đó lại không leo vào "bức tường" của chồng cũ, xem thử "thằng đó sao rồi", đã lấy vợ mới chưa, sinh con trai hay con gái, ngày này vui hay buồn. 

Khuyên can mãi chẳng được, mẹ chị vừa nhai cơm vừa tặc lưỡi, thời buổi này khổ, phây bút phây biếc chi cho người ta muốn quên cũng không được. Thời mẹ vậy mà khỏe, chia tay ai đi đường nấy là xong, không hỏi han người này người kia thì chẳng còn biết tin tức gì về nhau.

3. Một hôm, mẹ chị đưa ra tấm ảnh chụp gia đình từ tận năm 1967, cũ kỹ, sờn rách, bề mặt rạn vỡ. Lúc đó mẹ chị mới chỉ là cô bé con 7 tuổi, tóc cắt bum bê, đứng lớ ngớ. Bức ảnh này chụp được một năm, ông ngoại chị bỏ nhà đi, mình bà ngoại buôn gánh bán bưng nuôi sáu đứa con. Sau mấy chục năm lang bạt khắp nơi, ông trở về rồi trút hơi thở cuối cùng trong một giấc ngủ. 

Trong hai tháng ngắn ngủi ông quay lại với gia đình, cả nhà còn đang rối tinh rối mù chưa biết xử lý ra sao với cơn giận tủi còn ngập đầy lòng bà ngoại, còn đang ngẩn ngơ nghe chưa hết chuyện mấy chục năm qua ba ở đâu, làm gì, có gia đình riêng không thì ông lại lần nữa rời bỏ con cháu. Cả nhà không kịp có tấm hình chụp để làm bàn thờ.

Mẹ chị kể, hồi ông ngoại bỏ nhà đi, bà ngoại giận quá đem đốt hết hình ảnh gia đình. May sao anh cả của mẹ còn giữ được tấm hình cuối cùng, rồi mấy anh chị em lén lút chuyền nhau giữ lại, không để cho bà ngoại thấy. Qua bao thăng trầm đời người, mẹ cũng chẳng nhớ tấm hình để đâu.

Ông ngoại nằm xuống, cả nhà rộn lên, lục tung đồ đạc để tìm bức hình cũ. Cuối cùng, bàn thờ chỉ để tên ông ngoại trước bát nhang. Hôm nay, mẹ chị rảnh rỗi ngồi lật lại thư từ thời còn đi học, phát hiện ra tấm hình kẹp giữa cuốn lưu bút lớp 12. Mừng quá, hai tay run lập cập, mẹ chị lẩm bẩm: "Cái thời xưa khổ, chụp tấm hình cũng khó. Mà giữ một tấm hình nhiều khi cũng khó".

Chị nhìn mẹ rồi tự dưng bật cười. Ờ thì ra, thời nào cũng có cái sướng cái khổ, cái được cái mất. Cái trí nhớ gửi bên ngoài ấy, có lúc người ta đi tìm, có lúc người ta lại chạy trốn. Cuối cùng, cái tâm của mình bình lặng được trước trí nhớ không nằm trong thân thể, thì mới có thể an vui với thời mình đang sống.

Nuôi con một mình Nuôi con một mình

Hiện tượng ly hôn ngày một phổ biến đã gây ra bao nhiêu bất hạnh cho trẻ em. Sự bất hạnh của những đứa trẻ này thường tạo nên những khoảng trống khó bù đắp nổi trong tâm hồn và nhân cách chúng. T

SONG MAY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên