Covid-19: Cá nhân, tổ chức vi phạm việc cách ly có thể bị xử lý hình sự?

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt
Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đeo khẩu trang (ảnh minh họa)

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đeo khẩu trang (ảnh minh họa)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Vậy việc này được xử thế nào?

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 2/12, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP HCM) nói:

"Về cơ bản, nam tiếp viên (bệnh nhân 1342) này biết mình phải tự cách ly tại nhà, nhưng trong thời gian tự cách ly vẫn tiếp xúc với người khác, dẫn đến tạo ra việc lây nhiễm, nên anh ta phải chịu trách nhiệm cho việc lây truyền bệnh. Còn về Vietnam Airlines, không thể khởi tố họ, hoặc quản lý trung tâm cũng không thể bị khởi tố, bởi trường hợp này đã 2 lần âm tính, nên trung tâm vẫn có thể cho về nhà tự cách ly theo Công văn 4995."

Sáng 2/12, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, 737 mẫu xét nghiệm Covid-19 từ chiều 1/12 đều cho kết quả âm tính. Tính đến sáng 2/12, TP HCM không có thêm ca nhiễm mới.

Xử lý thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM Nguyễn Trí Dũng nói rằng cách ly tại nhà về khoa học là hợp lý với những trường hợp có nguy cơ thấp. Người cách ly tập trung sau 2 lần kết quả âm tính được về cách ly tại nhà. Ông Dũng cho rằng nếu nam tiếp viên không vi phạm trong khu cách ly tập trung khi về nhà không thể lây cho người khác. Vì toàn bộ phi hành đoàn cùng chuyến bay từ Nhật Bản với bệnh nhân này đều âm tính.

Ông Dũng nói với báo chí, bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng quy định, cam kết mình đã ký và làm lây lan ra 3 trường hợp.

Luật sư Lê Trung Phát nói với BBC, nam tiếp viên Vietnam Airlines, người được xác định là nguồn lây cho 3 ca nhiễm trong cộng đồng tại TP HCM vừa qua đã hai lần vi phạm trong quá trình thực hiện cách ly.

"Một lần là vi phạm quy định khi còn ở khu cách ly của Vietnam Airlines, người này đã tiếp xúc một tiếp viên của chuyến bay khác là bệnh nhân 1325. Lần thứ hai là khi về nhà, nam tiếp viên này lại tiếp xúc tiếp với người khác trong thời gian đang thực hiện cách ly".

Theo ông Phát, đây là cơ sở để khởi tố bệnh nhân 1342 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được quy định tại điều 240 BLHS, được hướng dẫn bởi Công văn số 45 của TAND tối cao vào ngày 30/3/2020 do diễn biến của dịch Covid-19.

Ngoài ra, bệnh nhân này có thể bị phạt hành chính theo nghị định 117.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Dẫn công văn 3588 ngày 2/7-/020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, luật sư Phát phân tích, thành viên thuộc tổ bay thực hiện cách ly tại khu tập trung trong 72 giờ nếu có đủ 2 lần xét nghiệm âm tính sẽ được về nhà tiếp tục cách ly, theo dõi. Vì vậy, bệnh nhân 1342 được cho về nhà sau khi cách ly tập trung 4 ngày và 2 lần xét nghiệm âm tính là đúng quy định.

Do đó, ông Phát cho rằng không thể khởi tố Vietnam Airlines về điểm này.

Hiện, tất cả tổ bay đang được cách ly tại cơ sở cách ly của Vietnam Airlines đã được đến khu cách ly tập trung ở Củ Chi và ngừng hoạt động cơ sở cách ly để tiến hành tiêu độc khử trùng.

Trong cuộc họp với Chính phủ chiều 1/12, Hà Nội và TP HCM đã kiến nghị bỏ quy định chế độ cách ly riêng cho các thành viên tổ bay. Các thành viên tổ bay khi từ nước ngoài về sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày, chứ không áp dụng chế độ cách ly hỗn hợp vừa tập trung vừa tại nhà.

Thực hiện hàng loạt biện pháp 'mạnh'

Hôm 1/12, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lệnh dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó khăn, thực sự cần thiết. Theo đó, kế hoạch tổ chức 33 chuyến bay mỗi tuần từ 1/12 đến 15/1/2021 được các doanh nghiệp hàng không đề xuất ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan muốn đưa công dân về nước về nước phải tạm dừng.

33 chuyến bay này mới được Cục Hàng không VN gửi Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao lấy ý kiến, chưa được cấp phép bay. Khi được cấp phép bay thì các hãng mới bán vé cho hành khách muốn về nước dưới dạng combo (vé máy bay và chi phí cách ly tại khách sạn).

Bên cạnh việc dừng các chuyến bay, một số trường học cũng cho học sinh nghỉ, đóng cửa ký túc xá vì có liên quan đến bệnh nhân 1342 và bệnh nhân 1347 (giáo viên tiếng Anh).

Cụ thể:

  • Sáng 2/12, trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) đã thông báo cho hơn 30.000 sinh viên toàn trường nghỉ học từ 2 đến 6/12. Thời gian đi học trở lại tùy thuộc vào hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM. Theo lịch trình của bệnh nhân 1342, hôm 22/11 người này có đến trường. Hiện hai giảng viên và 25 sinh viên đã được đưa đi cách ly
  • Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP HCM (HUFLIT) cũng ra thông báo cho toàn bộ hơn 10.000 sinh viên nghỉ học từ ngày 3 đến hết 6/12 vì trường nằm gần các địa điểm mà BN 1347 ghé qua
  • Trường ĐH Văn Lang cho biết trường có 1 sinh viên diện F1 đã được đưa đi cách ly và đang cân nhắc việc cho học sinh nghỉ học
  • Trường ĐH Tôn Đức Thắng có sinh viên tham gia lớp học Anh văn do bệnh nhân 1347 giảng dạy tại quận 10 nên đã đưa sinh viên này đi cách ly. Hiện, trường tiến hành giãn cách, tạm ngưng học tập trung tại cơ sở chính ở Tân Phong (Q.7, TP HCM) từ ngày 2 đến 6/12, chuyển sang học online
  • Trường Đại học Sư phạm TP HCM vừa quyết định cho tất 14.000 sinh viên, học viên của trường học trực tuyến từ 12h ngày 2/12 đến hết ngày 13/12
  • ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), tạm thời đóng cửa cửa ký túc xá 135B trong hai ngày 2 và 3/12 với khoảng 300 sinh viên nội trú để hờ kết quả của y tế và truy vết của các F1.

Thêm vào đó, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các bệnh viện kiểm soát chặt chẽ những người có thể trở thành nguồn lây nhiễm virus Covid để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Các bệnh viện phải triển khai sàng lọc, phân luồng người đến khám, chữa bệnh tại khoa Khám bệnh hoặc khoa Cấp cứu. Đặc biệt người có yếu tố dịch tễ hoặc xuất hiện triệu chứng sốt, hô hấp.

Mỗi khoa lâm sàng nội trú phải có một buồng cách ly tạm cho người bệnh khi phát hiện có yếu tố dịch tễ, triệu chứng nghi ngờ Covid-19 hoặc bệnh lây nhiễm khác. Đồng thời, hạn chế việc đi lại giữa các khoa để ngăn dịch xâm nhập vào bệnh viện.

Trước đó, từ ngày 28/11 đến nay TP HCM ghi nhận thêm 4 trường hợp xác định mắc Covid-19 trong cộng đồng. Theo đó, BN 1342 là nguồn lây nCoV cho 3 người khác ngoài cộng đồng là BN 1347 (32 tuổi, giáo viên tiếng Anh), 1348 (một tuổi, cháu BN 1347), 1349 (nữ, 28 tuổi, tiếp xúc gần với BN 1347. Trước đó, TP HCM ghi nhận 120 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Thành phố vẫn tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc, thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc.

Người dân được khuyến cáo tăng cường cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.