Singapore vừa chống dịch Covid vừa phát triển kinh tế ngày một hiện đại

  • Michael Nguyễn
  • Gửi tới BBC từ Singapore
Xe bus

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Xe bus trong người lái ở Singapore - hình minh họa

Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đi đầu trong chiến lược tái mở cửa khi dịch Covid đã được kiểm soát với các bước đi mới nhất được công bố ngày đầu tháng 3.

Chúng tôi giới thiệu tới các bạn bài viết của ông Michael Nguyễn, doanh nhân Singapore gốc Việt:

Với kinh nghiệm thực tế xử lý các đợt dịch bệnh nghiêm trọng như dịch Sars năm 2003, Singapore đã kiểm soát Covid19 khá hiệu quả và chuẩn bị các bước (phases) để mở dần nền kinh tế. Đây có thể nói là một chiến lược thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tính tới tháng 3 năm 2021, các báo cáo của cơ quan chính phủ Singapore trước Quốc hội nước này cho thấy kết quả thực hiện mục tiêu kép khá thành công:

Mục tiêu quan trọng nhất là chống dịch: Hệ thống Y tế Singapore không bị quá tải, không đổ vỡ kể cả trong thời gian đỉnh dịch với cả ngàn người được ghi nhận nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong trên tống số ca nhiễm được coi là thấp nhất trong khu vực và thế giới (29 ca tử vong trên 59,936 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận). Tuy gần đây Singapore vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới song chủ yếu là từ số người nhập cảnh (công dân và người nước ngoài), số ca trong cộng đồng rất thấp.

Mục tiêu thứ hai là giữ vững và phát triển kinh tế: Lần đầu tiên trong lịch sử 56 năm lập quốc, Singapore bị thâm hụt ngân sách tới 13.9% GDP trong năm tài khóa 2020, tuy nhiên mức này thấp hơn nhiều so với dự kiến tại thời gian đầu chống dịch. Nội các Singapore đưa ra tiêu chí giảm mức thâm hụt xuống chỉ còn 2.2% GDP vào năm 2021 và đạt tăng trưởng kinh tế ở mức 4-6% năm 2021. Những chỉ tiêu này dựa trên căn cứ kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, đồ dùng y tế và công nghệ sinh học vốn là thế mạnh của Singapore.

Sống ở Singapore và có người nhà làm việc trong ngành giáo dục đại học, các con học ở trường tại đây, tôi còn thấy có những điểm đáng chú ý khác của Singapore là về giáo dục.

Thay vì các biện pháp "mạnh tay" như đóng cửa trường học, ngành giáo dục quyết định đóng cửa là biện pháp cuối cùng, học sinh vẫn đến trường, tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng dịch. Kết quả, chỉ bị gián đoạn một thời gian ngắn e-learning và học từ nhà (home based learning), tỷ lệ học sinh đạt các kỳ thi cuối cấp vẫn trên 90% (O level và A level) như trong thời gian bình thường khác. Việc học sinh được nhà trường lên kế hoạch cụ thể, phối hợp giữa đến trường học và học ở nhà tạo ra sự linh hoạt, không hề bị động và tâm lý thoải mái hơn của học sinh.

Chính phủ đang tạo ra thêm gần 30 ngàn việc làm mới trong vòng 5 năm, đáp ứng đầu ra của số sinh viên mới và sắp tốt nghiệp, cũng như lao động địa phương ảnh hưởng do dịch.

Phục hồi giao thông, hàng không và giáo dục

Một sáng kiến khác đáng chú ý về nỗ lực phục hồi ngành hàng không và giao thông vận tải của Singapore, đó là ngay từ tháng 8/2020, chính quyền đã cho thành lập một Ban chỉ đạo gồm 19 đơn vị, cải tạo và biến Singapore Airlines cùng Changi Airport thành trung tâm tiếp vận hậu cần (logistics) lượng vaccine Covid-19 của khu vực. Sáng kiến này đang được các hãng hàng không các nước tiếp thu học hỏi. Theo tôi tìm hiểu thì Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cũng đang lên phương án, lập kế hoạch xin phép cơ quan chức năng cho tham gia vận chuyển vaccine Covid-19 và đây là điều rất nên làm.

Singapore

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Cảnh bên trong bệnh viện NUH

Còn về các bài học khác từ quá trình chống dịch của đảo quốc có gần sáu triệu cư dân, có thể thấy rõ ngay từ đầu, Singapore chống dịch một cách rõ ràng, minh bạch, có sự phối hợp các bộ, ngành rất tốt và cập nhật thường xuyên các chính sách kiểm soát dịch để cư dân không hoảng loạn. Đa số cư dân Singapore vì thế mà không chạy đua vét siêu thị như từng thấy ở một số nước trong khu vực.

Tiếp đó là sáng kiến dùng công nghệ thông tin để truy vết dịch (được Châu Âu, Anh… học tập, như phần mềm ứng dụng TraceTogether do Govtech, một cơ quan được coi là "bộ não" của chính phủ Singapore tập trung nghiên cứu và sản xuất trong thời gian cực ngắn). Thành công của ứng dụng này đã góp phần đáng kể vào kết quả chống dịch Covid-19 của Singapore. So sánh một chút thì tại Việt Nam, ứng dụng tương tự BlueZone cũng đang phát huy hiệu quả rất tốt.

Thay vì đóng chặt biên giới thì Singapore đã nỗ lực đàm phán với các quốc gia để tạo ra các làn xanh "green line/travel bubble", hỗ trợ việc đi lại thiết yếu giữa Singapore và các quốc gia ngay từ đầu dịch. Cùng với việc không cứng nhắc bế quan tỏa cảng là việc đảm bảo nhu yếu phẩm, chính quyền Singapore ký ngay các hợp đồng đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu giữa các quốc gia (New Zealand, Úc, Châu Âu). Quan sát tình hình ở Việt Nam, tôi thấy cùng thời gian này, Việt Nam cấm xuất khẩu gạo do lo ngại tình hình dự trữ và hạn hán tại đồng bằng sông Cửu Long, làm lỡ đi một cơ hội xuất khẩu gạo với giá tốt của nông dân.

Singapore cũng có phản ứng rất nhanh về sử dụng dự trữ tích lũy để tung ra các gói cứu trợ, tránh làm xáo trộn, bất ổn xã hội. Các gói cứu trợ chia làm nhiều giai đoạn, vừa đánh giá hiệu quả, vừa điều chỉnh gói tiếp theo cho phù hợp mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.

Phần cứu trợ trực tiếp người dân, phần cứu trợ doanh nghiệp (ngắn hạn, ổn định trước mắt), phần chuyển đổi toàn diện nền kinh tế số (dài hạn, lâu bền)

Chính nhờ những kết quả tích cực trong kiểm soát dịch mà chính phru Singapore có lộ trình rõ ràng mở cửa lại theo giai đoạn. Giai đoạn 3 bắt đầu ngày 28/12/2020 chính thức nới lỏng hầu hết các ngành dịch vụ và sản xuất. Singapore bắt đầu cho phép công dân các nước kiểm soát tốt dịch được nhập cảnh Singapore mà không phải cách ly tập trung.

Có hay không yếu tố 'thành tích'?

Có người sẽ hỏi liệu có "yếu tố thành tích" trong việc chống dịch, và mô hình thể chế đa đảng của Singapore có giúp hay cản trở việc chống dịch mà một số ý kiến, thường ở châu Á, cho là cần "bàn tay sắt", cần kỷ luật quân đội, hay không?

Tôi thấy vẫn có bình luận từ các đảng phái đối lập (vì xảy ra đúng vào năm bầu cử đảng phái chính trị) là đảng cầm quyền lợi dụng các thành tích chống dịch để quảng bá, kiếm phiếu của cử tri, hay cho rằng chính quyền sử dụng dự trữ quốc gia một cách thiếu cẩn trọng, phung phí để đạt mục tiêu một cách "dân túy" mà không cân nhắc tới nguy cơ lâu dài.

Singapore

Nguồn hình ảnh, Michael Nguyen

Chụp lại hình ảnh, Kiểm soát chống dịch Covid được nới từng bước

Thế nhưng, việc chống dịch lại chính là một hoạt động kinh tế, tài chính lớn mà chính phủ đã tỏ ra khôn ngoan và có bài bản.

Tháng 2/2021 chính phủ Singapore vừa công bố kế hoạch phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Với độ tín nhiệm rất cao (AAA) của chính phủ Singapore, trái phiếu có coupon cố định là 1.875% chắc chắn sẽ được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Theo Hiến pháp, Chính phủ Singapore không được phép vay để sử dụng vào việc chi tiêu thường xuyên của chính phủ, mà có trách nhiệm cân bằng thu chi ngân sách hàng năm. Mục đích phát hành Trái phiếu chính phủ lần này là mở ra thêm một kênh huy động vốn dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giảm nhẹ gánh nặng thu thuế tiêu dùng.

Nhìn tới, Chính phủ đã lùi việc tăng thuế tiêu dùng (GST) từ 7% lên 9% trong vài năm tới, coi như là một biện pháp nới lỏng cho doanh nghiệp và người dân có thời gian phục hồi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Michael Nguyễn, người gốc Hà Nội, hiện đã sống tại Singapore được 20 năm.