Thêm quy định ngớ ngẩn về tuyển sinh đại học

Diễm Thi, RFA
2019.02.13
000_H03SH Sinh viên Việt Nam tại Hội chợ triễn lãm giáo dục Pháp tại Hà Nội hôm 9/10/2016.
AFP

Mới đây, Đại học Sư phạm TP HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2019 hệ chính qui. Trong đó, các ngành đào tạo giáo viên có điều kiện xét tuyển riêng. Theo đó, nam phải cao từ 1,55 mét trở lên và nữ cao từ 1,50 mét trở lên.

Ngay khi quy định này được công bố, báo chí trong nước và mạng xã hội xuất hiện những cuộc tranh luận trái chiều. Nhiều phản biện cho rằng quy định này chẳng những phản giáo dục mà còn vi phạm nhân quyền, nhưng cũng có những ý kiến ủng hộ.

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở Campuchia và Việt Nam cho biết:

“Việc nhắm đến khác biệt về mặt hình thể (thấp dưới 1m50) và loại bỏ quyền được học hành của họ, là hành vi vi phạm nhân quyền kép. Thứ nhất nó mang tính phân biệt đối xử và thứ hai nó tước đoạt quyền tiếp cận dịch vụ công (giáo dục đại học) của những bạn có chiều cao không đủ 1m50”.

Ông Sơn nhấn mạnh thêm rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải can thiệp và loại bỏ quy định này ngay lập tức. Và người ban hành quy định này phải chịu trách nhiệm.

Truyền thông trong nước dẫn lời PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tán thành quy định của trường Đại học Sư phạm TPHCM, tuy nhiên trong quy định tuyển sinh ngoài tiêu chuẩn chung nên có thêm dòng ‘trừ những trường hợp đặc biệt’.

Trong khi đó, một giảng viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thì lại phản đối quy định này:

“Cái quy định xét tuyển trên 1 mét rưỡi mới được thì nó không hợp lý, vì tuyển giáo viên thì phải tuyển về học thức, về nhân cách. Nếu tuyển tiếp tân hay tiếp viên thì còn hợp lý. Có lẽ trên thế giới chỉ Việt Nam có quy định này. Gần đây thấy quan chức Việt Nam càng ngày càng không có lòng tự trọng cho nên ra những quy định mà khi đọc mình chỉ biết cười ngất.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một trí thức cho biết ông chẳng quan tâm đến những quy định kiểu này, nhưng theo ông thì điều này vô lý và dù có nói gì thì cũng chỉ là ngụy biện. Ông nói:

“Người ta đề phòng rằng có những ông thầy lùn quá, chẳng hạn dưới 1 mét mà đi dạy thì nó cũng hơi lạ. Nhưng mà nó quy định như thế tôi thấy vô lý. Như nhà khoa học Anh Hawking tật nguyền, bây giờ bảo không cho đi dạy thì đâu có đúng, thành ra tôi không tán thành quy định này. Tôi đã từng gặp những ông thầy chỉ cao khoảng 1m50, tức là dưới 1m55 nhưng dạy rất giỏi. Đi dạy chứ có phải đi biểu diễn nghệ thuật đâu. Mà ngay biểu diễn nghệ thuật cũng có những anh lùn biểu diễn mà. Có một người nói rằng thấp quá thì không viết bảng trên cao được. Tôi cho đó là ngụy biện. Nếu có thầy như thế thì phải cấu tạo lại bảng hay phải có cách khác giảng dạy chứ.”

Sau khi có những ý kiến trái chiều về tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng được cho là tiêu chuẩn về sức khỏe khi tuyển sinh, ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo của trường ĐHSP TPHCM lên tiếng với báo chí trong nước là thông tin về chiều cao này cho các ngành đào tạo giáo viên đã có trong đề án tuyển sinh của trường hơn 10 năm nay.

Theo ông Quốc, quy định này của trường là nội dung có trong đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2016.

Trao đổi với RFA về quy định mới này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói rằng điều này chỉ làm ông buồn cười thôi, bởi nếu theo quy định này thì ông Mạc Đĩnh Chi - một lưỡng quốc Trạng nguyên của Việt Nam, một người học giỏi và làm rạng danh nước Việt - sẽ không bao giờ được đi thi, bởi Mạc Đĩnh Chi là một người rất nhỏ con và tướng mạo không có gì là khôi ngô tuấn tú lắm. Ông đã đậu Trạng nguyên ở Việt Nam rồi mà khi ông qua bên Tàu thời ấy được phong là Trạng nguyên luôn. Ông nhận định rằng quy định này rồi sẽ bị bỏ đi thôi.

“Tôi nghĩ đây là những người hiểu biết kém cỏi, rỗi việc và trình độ không cao, họ hành xử và đưa ra quy định cho lấy có.

Đây không phải là vấn đề sức khỏe. Đâu phải những người không cao là không có sức khỏe đâu. Đây hoàn toàn phi khoa học, phi y học, mà có chỉ xuất phát từ trình độ hạn hẹp của mấy vị này. Tôi nghĩ hiện nay cộng đồng mạng phản đối dữ dội thì họ cũng sẽ bỏ đi như tất cả những quy định vớ vẩn bấy lâu nay.”

Giáo sư Hưng nhận định có một điều lạ là gần đây các quan chức đưa ra ngày càng nhiều những câu nói, những quy định rất ngớ ngẩn nhưng vẫn giữ những vị trí lãnh đạo:

“Ngớ ngẩn về những quy định, ngớ ngẩn về tình hình chính trị chung; ngớ ngẩn về bang giao Việt Nam với Tung Quốc; ngớ ngẩn về những chuyện có tầm mức quốc gia và tổng đại. Tôi thấy rằng đây là cái tình trạng này là do cán bộ được thâu nhận bằng những hình thức cơ cấu của đảng cho nên gây ra hiện tượng có thể nói là tồi tệ như vậy.”

Ông chia sẻ thêm rằng ông rất là thất vọng khi vừa rồi Quốc hội Việt Nam cho qua một cái luật là cho phép san bằng tương đương giữa bằng cấp chính quy - là những bằng cấp học hành nghiêm túc với thời gian và nội dung nghiêm túc - với bằng tại chức - là bằng của những người có chức có quyền đi học nhưng thực tế là chả học gì, bỏ tiền ra mua bằng, nếu có thi thì bỏ tiền thuê người thi thế. Ông nghĩ đây là chính sách ngu dân của Việt Nam.

Hôm 12/2, trong một thông cáo gửi cho RFA về quy định này, đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế viết rằng “Việc loại bỏ thí sinh dựa trên hình thể chứ không phải trí tuệ, là việc làm vô cùng phản giáo dục, trớ trêu thay đây lại là quy định nhắm tới các đối tượng muốn trở thành giáo viên”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.