Trung Quốc bác bỏ chỉ trích, nói ‘bắt 13.000 khủng bố’ ở Tân Cương

Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Các tin tức cho hay khoảng một triệu người Uighur bị giam cầm ở Tân Cương, nhiều người trong đó được cho là bị 'tra tấn', 'tẩy não chính trị'

Trung Quốc tuyên bố đã bắt giữ gần 13 ngàn đối tượng khủng bố kể từ 2014 tới nay, là một phần trong chiến dịch an ninh gây tranh cãi tại khu vực Tân Cương ở miền tây đất nước.

Bắc Kinh đã bị áp lực quốc tế trong việc bắt hàng trăm ngàn người Hồi giáo Uighur phải vào các trại cải tạo.

Trong một bản phúc trình dài về các hoạt động của mình tại Tân Cương, Bắc Kinh nói họ đã đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai.

Nhóm nhân quyền lưu vong World Uighur Congress nói rằng Bắc Kinh đã lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để biện hộ cho việc đàn áp người Uighur ở Tân Cương.

Trung Quốc lúc đầu bác bỏ việc có các trại cải tạo, nhưng sau đó đã ra chiến dịch công khai nhằm giải thích lý do tồn tại của các trại này.

Hội đồng Nhà nước, tức nội các Trung Quốc, đã ra cáo bạch thư, theo đó nói chính phủ "đấu tranh không mệt mỏi, theo đúng quy định pháp luật, nhằm chống lại bất kỳ hoạt động khủng bố hay cực đoan nào", hãng tin AFP tường thuật.

Trung Quốc, Ngô Duy Nhĩ, nhà tù
Chụp lại hình ảnh, Mạng lưới trại tập trung khổng lồ Trung Quốc đang xây dựng trên sa mạc để giam giữ người Hồi giáo Uighur

Cáo bạch thư cũng nói rằng Tân Cương từ lâu nay đã là một phần lãnh thổ Trung Quốc, nhưng "các lực lượng khủng bố và cực đoan" đã xúi giục các hoạt động ly khai bằng cách "tuyên truyền sai" về lịch sử khu vực.

"Hoạt động chống khủng bố và đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan tại Tân Cương luôn được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật," cáo bạch thư viết, và nói thêm rằng việc thành lập "các trung tâm giáo dục" là nhằm "loại trừ các hoạt động khủng bố trước khi chúng được thực hiện".

Trung Quốc, Ngô Duy Nhĩ, nhà tù
Chụp lại hình ảnh, Trại tập trung trên sa mạc được Trung Quốc xây dựng với tốc độ đáng kinh ngạc (ảnh chụp vệ tinh)

Tuy nhiên, nội dung cáo bạch thư đã nhanh chóng bị nhóm nhân quyền Uighur bác bỏ.

Tổ chức này gọi những nội dung trên là "kiếm cớ về mặt chính trị để đàn áp người Uighur".

"Mục đích của việc ra cái gọi là cáo bạch thư này là nhằm tranh thủ sự ủng hộ địa phương đối với các chính sách cực đoan của họ, và nhằm che giấu các vụ lạm dụng nhân quyền," Dilzat Raxit, phát ngôn viên của World Uighur Congress nói trong một tuyên bố.

Uighur men on a vehicle in Xinjiang (file image

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người Uighur chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương

Đối với các trại cải tạo, giới chức thì nói đó là các trung tâm giáo dục cải tạo. Thế nhưng những người từng bị vào trại thì nói họ phải sống trong các điều kiện ngược đãi, bị buộc phải tuyên bố từ bỏ đạo Hồi và phải thề trung thành với Đảng Cộng sản cầm quyền.

Truy tố cựu tỉnh trưởng Tân Cương

Trong một diễn biến riêng rẽ, cơ quan phòng chống tham nhũng Trung Quốc hôm thứ Bảy nói sẽ truy tố Nur Bekri, một trong những quan chức người Uighur cao cấp nhất, về tội tham nhũng trong thời gian ông làm tỉnh trưởng Tân Cương.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nói rằng ông Bekri đã cản trở một cuộc điều tra hồi tháng Chín, và đã không khai báo trung thực, Reuters đưa tin.

Ông Bekri là tỉnh trưởng Tân Cương trong thời gian từ 2008 đến 2014, giữ vị trí quyền lực thứ nhì ở miền tây Trung Quốc, chỉ đứng sau bí thư đảng.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Bekri từng là quan chức cao cấp thứ nhì ở Tân Cương, chỉ sau Bí thư Đảng

Cho đến tận tháng 12 vừa qua, ông Bekri vẫn là giám đốc của Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc.

Cơ quan phòng chống tham nhũng nói kết quả điều tra cho thấy ông Bekri đã lợi dụng chức vụ để "làm giàu khủng khiếp", hoặc là trực tiếp, hoặc thông qua thân nhân, họ hàng.

Ông cũng bị cáo buộc nhận các khoản hối lộ và đòi hỏi dịch vụ xe sang đưa đón phục vụ người thân.

Ông Bekri "có lối sống phô trương, sa đọa về đạo đức, và dùng quyền lực để gạ tình," tuyên bố của cơ quan này viết.

Thời giữ chức tỉnh trưởng Tân Cương, ông Bekri ủng hộ các chính sách hạn chế các hoạt động tôn giáo của người Uighur theo Hồi giáo, vốn chiếm đa số trong sắc dân Uighur tại đây.

Ông Bekri cũng là một trong những người đề xuất việc dạy trẻ em tại các trường nói tiếng Turk bằng tiếng Quan thoại (tiếng Trung chính thức).