Diễn tiến mới của vụ phân bón Thuận Phong

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo điều tra vụ Thuận Phong khi còn là Phó Thủ tướng năm 2015

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo điều tra vụ Thuận Phong khi còn là Phó Thủ tướng năm 2015

Tin cho hay Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam có thể sắp đưa ra kết luận có hay không việc công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả.

Đây là một vụ việc đã kéo dài bốn năm chưa xong, dù đã có hai lần giám định, cùng văn bản liên quan của 6 bộ, ngành ở Việt Nam.

Hôm 31/10, trong dấu hiệu vụ việc đang được quan tâm trở lại, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu về vụ này tại Quốc hội.

Diễn tiến mới

Khi đó, ông Lê Minh Trí nói vấn đề là xác định Công ty này có sản xuất, mua bán, nhập khẩu phân bón giả hay không, theo tường thuật của Vov.vn.

Ông Trí cho biết đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu thụ lý theo tố tụng.

Công an Đồng Nai tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và đề nghị Bộ NN-PTNT, Công Thương, KH-CN giám định trả lời phân bón có giả hay không, có giả mạo nhãn mác hay không.

Bộ NN-PTNT có văn bản trả lời nhưng két quả chưa đạt yêu cầu giám định điều tra, còn Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ chưa trả lời.

Đến ngày 14/12, tin chưa chính thức nói rằng Bộ Khoa học và Công nghệ sắp hoàn tất báo cáo trả lời về vụ Thuận Phong.

Vụ việc liên quan công ty phân bón Thuận Phong bắt đầu từ ngày 24/4/2015, khi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tiến hành kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai.

Một bản tin năm 2015 của trang web Chính phủ Việt Nam cho hay tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện "hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ "MADE IN USA" của Công ty Thuận Phong".

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đang là Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đang là Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Kéo dài

Vào tháng 10/2015, ông Nguyễn Xuân Phúc, thời điểm đó là Phó Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương - Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia - tiến hành điều tra.

Vài tháng sau, ngày 24/3/2016, tại một cuộc họp của Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương kết luận những sai phạm của Công ty Thuận Phong "không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả", theo tường thuật trên báo Hải Quan

Tiếp đó, công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án.

Nhưng sau ý kiến phản đối của một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lúc này đã thay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ trì cuộc họp ngày 12/11/2016.

Tại đây, ông Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 4 bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng rằng công ty Thuận Phong "có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón", theo báo Quân đội Nhân dân.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau đó yêu cầu các bộ "truy cho ra tận gốc" vụ việc.

Vụ việc vẫn tiếp tục kéo dài, mặc dù sang tháng 5/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.

Tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: "Chúng tôi tin vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng các quy định pháp luật, mang lại đúng sự thật để trả lời dư luận nhân dân, nhất là Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp làm ăn chân chính."

Tại một sự kiện gặp gỡ nông dân tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay ông đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý dứt điểm.

Ngày 17/10, họp với Ban Nội chính Trung ương, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai nói giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án và đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương xem xét để kết thúc vụ việc vì "không có căn cứ nào để xử lý hình sự".

Trang báo Đồng Nai hôm 13/12 có bài: "Vụ Công ty Thuận Phong bị nghi làm giả phân bón: Cần sớm có câu trả lời".

Theo bài này, thiệt hại của doanh nghiệp sau gần 4 năm xảy ra vụ việc đã lên đến hàng chục tỷ đồng, với số phận của gần vài trăm con người gắn liền với đó.