Nhà sáng lập Huawei phủ nhận rò rỉ tin cho Trung Quốc

Nhiều năm không xuất hiện trước công chúng, ông Nhậm Chính Phi đã lộ diện và lên tiếng về những cáo buộc của Mỹ.

Ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Trả lời một cơ quan báo chí nước ngoài, ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của Mỹ nói tập đoàn này làm việc cho chính phủ Trung Quốc.

Ông Nhậm cho rằng công ty của mình không hề có những mối liên hệ ràng buộc với chính phủ, và đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 30 năm thành lập.

Người đàn ông 74 tuổi cũng nói rằng mình nhớ cô con gái là bà Mạnh Vãn Chu "rất nhiều".

Bà Mạnh (theo họ mẹ), là Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei hiện đang được tại ngoại nhưng bị giám sát 24/7 từ chính quyền Canada.

Trước đó, bà Mạnh bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ và đang đối mặt với khả năng bị dẫn độ.

Mỹ cáo cuộc giám đốc tài chính Huawei tìm cách lách lệnh cấm vận thương mại mà Hoa Kỳ áp đặt lên Iran.

Vụ bắt giữ diễn ra trong bối cảnh Mỹ liên tục cáo buộc các thiết bị viễn thông của Huawei là đe dọa an ninh quốc gia, và thuyết phục nhiều đồng minh cùng cho thiết bị của Huawei vào "danh sách đen".

Tuần trước, một nhân vật cấp cao khác của Huawei ở Ba Lan là Giám đốc kinh doanh Vương Vệ Tinh cũng đã bị bắt giữ do các cáo buộc hoạt động gián điệp.

Huawei sau đó đã sa thải vị giám đốc này.

Phủ nhận ''cửa sau"

Ông Nhậm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện năm 2015.

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Ông Nhậm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện năm 2015.

Lần cuối ông Nhậm trả lời truyền thông là ba năm trước (2015). Việc ông xuất hiện lần này được cho là một bước đi khôn ngoan, và cũng cho thấy ảnh hưởngnhững cáo buộc của Mỹ lên tập đoàn này lớn đến mức nào.

Ông Nhậm Chính Phi nói với báo chí: "Tôi yêu đất nước của tôi, tôi ủng hộ Đảng Cộng sản. Tuy nhiên tôi sẽ không làm gì ảnh hưởng tới thế giới."

Nhà sáng lập Huawei nói thêm rằng Bắc Kinh chưa bao giờ đề nghị tập đoàn chia sẻ "thông tin không thích hợp"

"Cá nhân tôi sẽ không bao giờ làm điều tổn hại đến quyền lợi khách hàng, bản thân và tập đoàn (Huawei) sẽ không bao giờ đáp ứng những yêu cầu như vậy."

"Không có luật lệ nào ở Trung Quốc yêu cầu công ty phải lắp đặt "cửa sau" trong thiết bị", ông Nhậm nói thêm.

Khen ngợi Trump

Con gái lớn của ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Chu, đã bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ nói bà vi phạm lệnh cấm vận.

Bà Mạnh Vãn Chu hiện được tại ngoại, nhưng đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bà Mạnh Vãn Chu hiện được tại ngoại, nhưng đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.

Trung Quốc tuyên bố sự việc này vi phạm các quy trình tố tụng và có nguy cơ sẽ làm tăng mức căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trước những diễn biến này, cuối tháng 12, Tổng thống Trump đã từng lên tiếng nói sẽ can thiệp vào vụ bắt giữ bà Mạnh, nếu nó giúp ích cho an ninh quốc gia và dẫn tới việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Trong buổi họp báo, ông Nhậm đã dành mỹ từ "tổng thống vĩ đại" để mô tả ông Trump, thậm chí còn úp mở khả năng rút khỏi một số thị trường nước ngoài, chỉ đặt trọng tâm phát triển ở những thị trường chào đón sự hiện diện của Huawei.

Thị trường của Huawei đang bị thu hẹp lại đáng kể sau cáo buộc từ Mỹ.

Mới đây, Úc đã ra lệnh cấm Huawei bán các sản phẩm công nghệ 5G cho các nhà cung cấp internet địa phương. New Zealand đã chặn một thỏa thuận của Huawei với một công ty ở đất nước này.

Nhiều ý kiến cũng đã được nêu ra ở Anh và các nơi khác về việc sử dụng thiết bị, cơ sở hạ tầng của Huawei trong liên lạc và internet 5G, với lo ngại nó có thể cung cấp cho Bắc Kinh cách để theo dõi hoặc can thiệp vào dữ liệu.