Brexit: Gần 120 dân biểu Bảo thủ bỏ phiếu 'chống chính phủ' Anh

Người dân Anh

Nguồn hình ảnh, John Keeble

Chụp lại hình ảnh, Dân Anh biểu tình trước Nghị viện ở Điện Westminster, London

Tối 15/01, tại Điện Westminster, gần 120 nghị sỹ Bảo thủ chống lại thỏa thuận Brexit do chính phủ của họ đề ra mà 'không bị kỷ luật Đảng'.

Cuộc bỏ phiếu được bình luận là "nghiền nát' uy tín của Thủ tướng Theresa May với tổng số phiếu chống thỏa thuận lên tới 432.

Đây cũng là thất bại cho EU vì thỏa thuận này được các lãnh đạo khối coi là "duy nhất và tốt nhất" cho hai bên.

Bà May sau đó đã hứng chịu tiếp một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của Đảng Bảo thủ mà bà dẫn dắt vào tối 15/01 và 'thoát hiểm'.

Tuy thế, bà sẽ phải trình ra Nghị viện Anh một thỏa thuận Brexit khác trong ba ngày làm việc, cụ thể là 21/01.

Các bạn xem graphics dưới đây để biết về các phương án sắp tới của Anh:

Brexit
Chụp lại hình ảnh, Một phương án
Brexit
Chụp lại hình ảnh, Phương án khác
Brexit
Chụp lại hình ảnh, Bỏ phiếu Brexit lại
Brexit
Chụp lại hình ảnh, Gia hạn điều 50

Chủ quyền của Nghị viện Anh

Trong cơn khủng khoảng, điểm sáng duy nhất là quyền lực của Nghị viện Anh được đề cao.

BBC giải thích quyền lực của vị trí nghị sỹ Hạ viện hay dân biểu Quốc hội Anh:

1. Nghị sỹ QH làm gì, chịu trách nhiệm trước ai?

Nghị sỹ đầu tiên là đại diện cho cử tri ở địa phận bầu cử của họ, chứ không chỉ cho đảng chính trị.

Khi ra tranh cử, một ứng viên có thể vào danh sách của đảng nào đó để nhận sự ủng hộ và họ cam kết ủng hộ chính sách của đảng đó.

Nhưng có những nghị sỹ không đảng phái, nên họ không đại diện cho đảng nào cả.

Khi vào Quốc hội, nghị sỹ Anh làm việc để phục vụ quyền lợi của cử tri (constituents) mà họ đại diện.

Ngoài ra, họ còn hoạt động trong các ủy ban của Quốc hội gồm các thành viên của nhiều đảng phái khác nhau để giám sát bên hành pháp.

2. Nghị sỹ Anh có phải trung thành với Đảng của mình?

Các đảng trong Quốc hội Anh đều có Ban kỷ luật (Cheap Whip- chiếc roi ngựa) để bắt các nghị sỹ bỏ phiếu theo chính sách của đảng, nhưng có lúc không áp dụng.

Trong một số vấn đề nghiêm trọng như tuyên chiến, tôn giáo, giới tính etc. nghị sỹ được chọn cơ chế 'free vote' - bỏ phiếu theo lương tâm.

Chưa kể, thành viên Hạ viện và Thượng viện Anh hoàn toàn có thể bỏ đảng của mình, trở thành không đảng phái, hoặc gia nhập đảng khác.

Việc đổi đảng gọi là 'crossing the floor'.

Đảng cầm quyền và đối lập ngồi đối mặt nhau trong các hàng ghế ở Hạ viện Anh (House of Commons), phân chia bằng bục diễn thuyết ở giữa.

Bỏ đảng của mình sang theo đảng kia là chuyển chỗ sang bên đối diện của phòng họp.

Vì nhận phiếu của cử tri nên dù đổi đảng hay bỏ đảng, nghị sỹ vẫn giữ nguyên nhiệm kỳ nhưng không thể trở thành thành viên chính phủ.

3. Văn hóa từ chức tại Anh ra sao?

Nghị sỹ chịu trách nhiệm trước cử tri nên sức ép từ cử tri là lớn nhất vì 'record' mọi lần bỏ phiếu trong Quốc hội đều được ghi lại và công khai cho người dân biết.

Nghị sỹ hứa với cử tri điều A mà lại bỏ phiếu điều B thì sớm muộn họ cũng sẽ bị chất vấn, hoặc mất phiếu trong lần bầu cử sau.

Từ chức còn là cách chính trị gia tỏ ra có nguyên tắc và giữ uy tín cá nhân cho lần tranh cử sau.

Vì bất đồng với thủ tướng về Brexit, các vị Boris Johnson, Esther McVey, Dominic Raab, Steve Baker đã từ chức bộ trưởng nhưng vẫn là nghị sỹ.

4. Nghị sỹ đối lập có phải là 'phản động?'

Không phải như vậy, vì nghị sỹ đối lập có ba nhiệm vụ cụ thể, theo luật định:

  • Đóng góp ý tưởng, đề xuất luật theo cơ chế 'constructive cricitism', phản biện, phê phán có tính xây dựng để sửa luật, ra luật mới.
  • Bỏ phiếu chống chính sách của chính phủ đảng cầm quyền.
  • Tự đề xuất chính sách và vận động các đảng phái ủng hộ thành luật như một phần của công tác lập pháp.

Khác với những nước không theo chế độ dân chủ đại nghị, ở Anh không còn khái niệm 'phản động' hay 'chống chính phủ' theo nghĩa tiêu cực.

Brexit

Nguồn hình ảnh, Jack Taylor

Chụp lại hình ảnh, Hình nộm của thủ tướng Theresa May trước trụ sở nghị viện Anh ở London

Lần cuối có một phong trào 'chống chính phủ' là thời vua Charles I ở thế kỷ 17, khi Nghị viện lập quân đội riêng chống lại nhà vua, dẫn tới nội chiến.

Sau đó, chế độ dân cử cho dân bầu lên người đại diện nên chẳng còn ai có thể 'chống chính phủ' một cách chung chung.

Ai cũng có thể phê phán, chỉ trích cá nhân, nhạo báng thủ tướng, các bộ trưởng, khiếu kiện họ, hoặc chống lại chính sách cụ thể của chính quyền.

Nhưng vì đã có các nghị sỹ làm đại diện, hoặc qua cơ chế yêu cầu đổi luật bằng 100 nghìn chữ ký, người dân không phải gây bạo loạn để chống nhà nước.

Quốc hội và đảng phái ở Anh vì thế cũng là cách 'dẫn dòng bức xúc' (channelling popular anger) của dân chúng vào nghị trường một cách văn minh.

Điều này không có nghĩa là nền dân chủ tìm ra được giải pháp dễ dàng cho một vấn đề gây chia rẽ như Brexit, nhưng ít ra là không gây rối loạn xã hội.