18/06/2019 18:56 GMT+7

Hai ngón tay kỳ diệu của Trần Trí Thức, 17 tuổi

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Suốt những năm phổ thông, Trí Thức luôn duy trì tổng điểm trên 9 bên cạnh nhiều bằng khen học tập, hoạt động ngoại khóa... Trí Thức thậm chí lấy đai đỏ môn võ taekwondo từ lớp 8.

Hai ngón tay kỳ diệu của Trần Trí Thức, 17 tuổi - Ảnh 1.

Trí Thức (giữa) trò chuyện cùng thầy cô, bạn bè những ngày học cuối năm ở trường - Ảnh: HOÀNG THANH

Lẫn trong âm thanh sôi động đó là tiếng cười, bước chạy nhảy của bạn Trần Trí Thức (lớp 12A2), tấm gương nỗ lực của nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Chia sẻ về thử thách lớn nhất trong cuộc sống tính đến thời điểm hiện tại, Trí Thức cho rằng đó là việc nắn nót tập viết chữ. “Nhưng chuyện đó lâu rồi nên em cũng không nghĩ nhiều nữa.

TRẦN TRÍ THỨC

Tháng 6, chiều Sóc Trăng mưa rào nhưng sân Trường THPT Kế Sách (thị trấn Kế Sách) giờ ra chơi vẫn ngập tràn tiếng hò reo rộn ràng của các học sinh đang ôn thi cuối cấp.

Chưa từng ta thán cuộc đời

17 tuổi, Trần Trí Thức khẳng khiu, bé xíu như cậu học sinh lớp 9 với cân nặng chưa đến 45kg. Với những người lần đầu gặp, thường dễ hình dung Trí Thức thuộc type rụt rè, hạn chế tiếp xúc với người khác bởi những khiếm khuyết trên đôi tay chỉ có hai ngón đúng nghĩa.

Vậy mà trái ngược với vẻ bề ngoài nhỏ bé đó, Trí Thức luôn nằm trong top học sinh đứng trên bục cao nhất các kỳ tổng kết, là một người trẻ rất nhiệt tình, hòa đồng trong mắt bạn bè và say mê các môn thể thao như đá banh, bơi lội...

Chẳng hạn ở năm học cuối cấp vừa qua, Trí Thức đạt tổng điểm 9,3 và đứng thứ ba toàn khối. Suốt những năm phổ thông, Trí Thức luôn duy trì tổng điểm trên 9 bên cạnh nhiều bằng khen học tập, hoạt động ngoại khóa... Trí Thức thậm chí lấy đai đỏ môn võ taekwondo từ lớp 8.

Lần giở những trang học bạ từ lớp 6 đến 12, chúng tôi phát hiện Trí Thức chưa từng vắng học buổi nào.

"Chúng tôi đặt tên con là Trí Thức với mong ước đơn giản con lớn lên có kiến thức đủ để giúp mình, giúp người khốn khó. Chắc cháu hiểu nên từ nhỏ đã rất ham học, vợ chồng tôi chẳng phải nhắc bao giờ dù vợ tôi là giáo viên tiểu học" - anh Ngọc Trí (cha của Trí Thức, chạy xe ôm) kể.

12 năm đi học, Trí Thức hầu như chưa từng mặc cảm, chạnh lòng về những khiếm khuyết trên cơ thể hay hoàn cảnh gia đình.

"Mình nghĩ bản thân rất may mắn khi luôn được gặp những người bạn tốt, luôn giúp đỡ nhiệt tình chứ không trêu chọc mình. Dẫu vậy, dĩ nhiên vẫn có những lúc hơi buồn vì mình lực bất tòng tâm trong một số điều mà người khác có thể làm được. Chẳng hạn phụ được một số việc nhà nhưng cắt trái cây này nọ thì mình chưa làm được" - bạn bộc bạch.

Một ngày bình thường của Trí Thức xoay quanh việc đi học ở trường, học bổ sung các môn chuyên, tự học hai tiếng ở nhà và phụ việc nhà. Sở thích của bạn là tháo lắp các đồ chơi điện tử...

Có lẽ vì yêu thích môn vật lý nên Trí Thức ngưỡng mộ nhất là nhà khoa học Albert Einstein, người mà theo bạn là "có thể nghĩ và làm ra được những điều mà nhiều người bình thường không tưởng tượng nổi hoặc không tin có thể làm được".

Mơ ước thành lập trình viên

Nói về cậu học trò nhỏ bé mà bản thân có dịp dạy nhiều năm đồng thời là chủ nhiệm lớp 12, thầy Nguyễn Quốc Văn (tổ phó tổ vật lý) cho biết Trí Thức có nghị lực sống và vươn lên mạnh mẽ.

"Em luôn yêu đời và có niềm tin mãnh liệt vào những điều bản thân làm. Tư duy tốt, học giỏi đều, đặc biệt hai môn toán và lý, luôn giúp đỡ bạn bè trong học tập và đặc biệt yêu thể thao.

Trí Thức thậm chí chơi bóng chuyền rất tốt. Vì rất quý Thức nên tôi đã dạy thêm miễn phí cho Thức nhiều năm. Tôi tin em sẽ thành công sau này" - thầy Quốc Văn không tiếc lời khen dành cho cậu học sinh khi trò chuyện với Tuổi Trẻ.

Còn với bạn Lê Thị Ngọc Huyền (học chung lớp cấp III) thì Thức là một người bạn siêng năng, giỏi giang và rất hòa đồng.

"Chuyện Thức học giỏi không cần phải bàn, nhưng điều chúng mình quý nhất ở Thức là bạn rất lạc quan, tự lập và galăng với các bạn nữ. Là bạn học chung với Thức từ lớp 8 đến giờ, mình chưa từng thấy bạn buồn hay suy tư về sự thiệt thòi của bạn" - Ngọc Huyền chia sẻ.

Hiện Trí Thức đang ôn tập để thi vào hai trường ĐH Công nghệ thông tin và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với mong muốn trở thành kỹ sư phần mềm.

Năng lượng lạc quan tỏa ra mạnh mẽ từ Thức, đôi mắt sáng và các câu nói cũng rất dứt khoát và rành mạch, dẫu vậy giọng bạn hơi chùng xuống khi được hỏi vì sao yêu thích vật lý nhưng lại quyết định đi theo ngành công nghệ thông tin.

"Mình nghĩ theo đuổi các lĩnh vực liên quan đến vật lý hơi bất tiện và ngành công nghệ thông tin là một lựa chọn phù hợp mình đã tham khảo từ nhiều người" - Trí Thức nói với nụ cười nhẹ, nhưng đôi mắt đâu đó thoáng xa xăm...

Tự nói về "điểm trừ", Trí Thức cho biết bạn chưa nghĩ đến việc tìm học bổng du học do tiếng Anh còn khá giới hạn. "Tiếng Anh là môn mình sợ nhất và mình coi đó là điểm cần chinh phục trong tương lai gần" - Trí Thức nói về một trong những lý do chính bạn muốn lên TP.HCM trọ học.

"Bảng vàng" nghị lực

Ngoài tấm huy chương vàng môn vật lý 11 trong kỳ thi Olympic tháng 4-2018, Trí Thức còn đoạt nhiều giải thưởng khác như hạng 3 cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh 2018, huy chương đồng vật lý lớp 10 kỳ thi Olympic tháng 4-2017, giải nhì vật lý 11 cấp tỉnh cuộc thi Giải toán bằng tiếng Anh...

Nói về con trai của mình, anh Ngọc Trí cho biết Trí Thức rất ngoan và vẫn phụ việc nhà bình thường.

"Nếu con mình đỗ đại học và lên thành phố trọ học thì chắc trước mắt tôi sẽ đi theo con giai đoạn đầu cho yên tâm. Thành phố đông đúc nên chắc cháu sẽ đi lại rất khó khăn. Lo thì lo nhiều, khó khăn chắc chắn không ít, nhưng con mình không ngừng vươn lên thì cha mẹ không được kéo lại" - anh Ngọc Trí khẳng định trên đường chở người viết ra lại bến xe.

Cô học trò vượt qua nghịch cảnh Cô học trò vượt qua nghịch cảnh

TT - Lưu Thị Hà Giang (học sinh lớp 12 chuyên địa Trường Quốc học Huế) sinh ra trong một hoàn cảnh bi thương.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên