12/12/2018 19:35 GMT+7

Nếu xảy ra 'Brexit không thỏa thuận'?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nội bộ đảng Bảo thủ Anh xào xáo. Thỏa thuận Brexit khó qua cửa phê chuẩn ở Hạ viện Anh. Kịch bản "Anh rời EU mà không có thỏa thuận" ngày càng trở thành rõ nét.

Nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận? - Ảnh 1.

Thủ tướng Theresa May (trái) được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nghênh đón tại La Haye ngày 11-12 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Anh Theresa May đang đi một vòng qua một số nước châu Âu thuyết khách. Bà cần những cam kết mang tính chất ràng buộc pháp lý để Anh không bị bó buộc thực hiện giải pháp "lưới an ninh" sau Brexit, một giải pháp vốn bị các nghị sĩ Anh chỉ trích gay gắt.

Giải pháp "lưới an ninh" dự kiến sẽ tạm thời thiết lập một "địa phận hải quan chung" Anh-EU để duy trì biên giới mở cửa cho hàng hóa và con người lưu thông và tránh phải xây dựng các biện pháp kiểm soát dọc biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Không gì có thể thay đổi thỏa thuận Brexit sau một năm rưỡi đàm phán căng thẳng

Ngoại trưởng Đức HEIKO MAAS

"Gà nhà" không ủng hộ bà thủ tướng

Trước đó bà Theresa May đã quyết định hoãn bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận về các điều kiện rời khỏi EU (thỏa thuận Brexit) vì thực sự nếu bỏ phiếu, bà chắc chắn sẽ thua cuộc.

Muốn phê chuẩn thỏa thuận Brexit phải có tối thiểu 320 phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, Công đảng (đảng đối lập chính) với 257 nghị sĩ đã tuyên bố phản đối.

Đứng chung phe với Công đảng có đảng Dân chủ tự do, đảng Dân tộc Scotland, đảng Dân tộc xứ Wales và đảng Xanh gồm tổng cộng 52 nghị sĩ.

Đảng Bảo thủ của bà thủ tướng gồm 315 nghị sĩ cộng với đồng minh - đảng Dân chủ liên hiệp 10 nghị sĩ. Song 89 nghị sĩ đảng Bảo thủ và các nghị sĩ đảng Dân chủ liên hiệp lại phản đối thỏa thuận Brexit.

Trong đảng Bảo thủ "gà nhà" có hai xu hướng. Những người ủng hộ Brexit cho rằng thỏa thuận Brexit đã phản bội tinh thần Brexit vì vẫn duy trì quan hệ mật thiết với EU. Những người phản đối Brexit lại đánh giá ở lại trong EU có lợi cho Anh hơn.

Trong bối cảnh xào xáo ở Anh, Bộ trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Nathalie Loiseau nhấn mạnh Pháp cần phải chuẩn bị cho một Brexit không hề có thỏa thuận.

Tối 10-12, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật cho phép chính phủ ban hành nghị quyết để đối phó với khoảng trống pháp lý một mai xảy ra Brexit không thỏa thuận.

Nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận? - Ảnh 3.

Tối 10-12, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật chuẩn bị đối phó với Brexit không thỏa thuận của Anh - Ảnh: AFP

Giải pháp trưng cầu ý dân lần hai

Cuối tháng 11-2018, Ngân hàng trung ương Anh quốc đã từng công bố báo cáo cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ là kịch bản đen tối và đáng sợ nhất.

Trước mắt tình hình kinh tế Anh đã ngày càng suy thoái. Anh đã từng đi đầu nhóm G20 về tăng trưởng thì nay thuộc nhóm cầm đèn đỏ. Tinh thần của các gia đình và nhất là các doanh nghiệp xuống dốc, đầu tư đình đốn. Kinh tế 27 nước thành viên EU cũng sẽ bị tác động dù ít hơn Anh.

Với Brexit không thỏa thuận, không chỉ kinh tế mà tiến trình hòa bình cũng bị ảnh hưởng. Bắc Ireland sẽ có xu hướng thống nhất với Cộng hòa Ireland và Scotland sẽ độc lập khỏi Anh vì phần lớn cử tri Bắc Ireland và Scotland đều mong muốn ở lại trong EU.

Liệu sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit hay không? Trong công luận Anh, hiện thời xu thế muốn ở lại EU đang tăng nhẹ, chiếm tỉ lệ từ 51%-55%. Song từ 50%-60% người dân Anh vẫn phản đối tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai.

Muốn tổ chức trưng cầu ý dân phải có đa số nghị sĩ ủng hộ bởi Hạ viện sẽ phải thông qua đạo luật về tổ chức trưng cầu ý dân.

Điều này còn phụ thuộc vào Công đảng. Hiện thời Công đảng chỉ ưu tiên hạ bệ bà Thủ tướng Theresa May và tổ chức bầu cử Quốc hội.

Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn đã hăm he nếu quay về nước tay trắng sau chuyến thuyết khách khẩn cấp, bà May chắc chắn sẽ phải ra đi.

Nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận? - Ảnh 4.

Người biểu tình phản đối Brexit ở London ngày 10-12-2018 - Ảnh: AFP

Nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận? - Ảnh 5.

Biểu tình ủng hộ Brexit ở London ngày 9-12-2018 - Ảnh: AFP

Lộ trình rời khỏi EU của Anh

. 19-6-2017: EU và Anh bắt đầu đàm phán thỏa thuận Brexit.

. 13-11-2018: Hai bên thông báo đạt được dự thảo thỏa thuận Brexit.

. 15-11: Nội các Anh thông qua thỏa thuận Brexit.

. 22-11: Hai bên công bố tuyên bố chính trị kèm theo thỏa thuận Brexit.

. 25-11: Các nhà lãnh đạo 27 nước EU và thủ tướng Anh ký thỏa thuận Brexit.

. 11-12: Dự kiến hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận (đã bị hoãn). Sau đó đến nghị viện châu Âu phê chuẩn.

. Trước ngày 29-3-2019: EU và Anh chính thức ký kết thỏa thuận rời khỏi EU.

. Từ 30-3-2019 đến 31-12-2020: Anh bước vào thời kỳ quá độ.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên