Nước nhỏ Nepal bị giằng xé giữa TQ và Ấn Độ

  • Navin Singh Khadka
  • BBC World Service, tường thuật từ Kathmandu
Ông Khadga Prasad Sharma Oli bắt tay ông Tập Cận Bình

Nguồn hình ảnh, ETIENNE OLIVEAU/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ông Khadga Prasad Sharma Oli bắt tay ông Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Trung Quốc

Nepal bám vào Vành đai & Con đường của TQ nhưng Ấn Độ vẫn muốn tác động đến quốc gia láng giềng nhỏ bé ở vùng Himalaya.

Thủ tướng Nepal, ông KP Oli, là người lên tiếng ủng hộ dự án gây tranh cãi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Trong một chương trình gần đây, ông Oli nói:

"BRI sẽ là chất xúc tác quan trọng giúp Nepal vạch ra chiến lược phát triển và mục tiêu thịnh vượng."

"Chúng tôi tin tưởng rằng, BRI có thể hỗ trợ các nước như Nepal phát triển và thành công với tốc độ nhanh hơn, bằng cách đảm bảo lợi ích công bằng cho chúng tôi," ông Oli nói thêm.

Nepal giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và có đường biên giới dài nhất với khu tự trị Tây Tạng của quốc gia này.

Nepal đang nhận được sự hẫu thuận lớn từ phía Trung Quốc

Nguồn hình ảnh, Navin Singh Khadka

Chụp lại hình ảnh,

Nepal đang nhận được sự hẫu thuận lớn từ phía Trung Quốc

Tiếp cận các cảng của Trung Quốc

Vài ngày trước, chương trình có sự tham gia của ông Oli, Nepal và Trung Quốc đã hoàn thiện văn bản thoả thuận cho phép Nepal tiếp cận tất cả các cảng biển của Trung Quốc.

"Đây là cột mốc quan trọng đối với sự chuyển đổi của Nepal, từ một vùng đất liền bị cô lập sang một vùng đất liền được kết nối," ông Oli phát biểu.

Thủ tướng Nepal chia sẻ thêm rằng:

"Kết nối là vấn đề cốt lõi trong các cuộc thảo luận của tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo Nhà nước khác của Trung Quốc trong hai chuyến thăm gần đây."

"Tuyến đường sắt xuyên Himalaya sẽ là bước đột phá trong chặng đường phát triển của chúng tôi. Cả hai nước đã ký biên bản hợp tác cho dự án này."

"Nghiên cứu về tính khả thi của dự án cũng đã được hoàn thành."

Đường đến Tây Tạng

Ba con đường riêng biệt đang được nâng cấp để kết nối Nepal với một đường cao tốc lớn, nối liền Nepal với Tây Tạng. Tuyến đường sắt của Trung Quốc cũng đã đặt chân đến đây.

Hai trong số ba con đường này sẽ kết nối trực tiếp thủ đô Katmandu với Tây Tạng.

Một số máy xúc, máy ủi và các phương tiện xây dựng

Nguồn hình ảnh, Navin Singh Khadka

Chụp lại hình ảnh,

Một số máy xúc, máy ủi và các phương tiện xây dựng hạng nặng ở khu vực Đông Bắc của thủ đô Katmandu

Ông Janak Bohara, một nhà thầu địa phương thuộc quận Rasuwa, giáp biên giới Tây Tạng cho hay:

"Chúng tôi làm việc cả vào mùa mưa để hoàn thành việc nâng cấp đường cao tốc nối liền Nepal với Tây Tạng."

"Chúng tôi phải hoàn thành dự án này sớm nhất có thể."

"Trong tương lai gần, tuyến cao tốc này sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn về giao thông giữa Nepal và Tây Tạng"

BBC đã thấy một số máy xúc, máy ủi và các phương tiện xây dựng hạng nặng ở khu vực Đông Bắc của thủ đô Katmandu.

Chụp lại video,

Nepal thúc đẩy xây dựng đường nối với Tây Tạng

Ấn Độ lo lắng

Ấn Độ, một gã khổng lồ khác trong khu vực, là nước có sức ảnh hưởng đối với Nepal nhiều thập kỷ nay. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ tỏ ra bồn chồn trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Trong chuyến thắm Ấn Độ của ông Oli vào tháng 3 năm ngoái, nhiều tờ báo lớn của Ấn Độ đã đăng một câu chuyện khá nổi bật.

Tiêu đề của nó là "Nếu Trung Quốc xây đập cho Nepal, Ấn Độ sẽ dừng mua năng lượng: Thủ tướng Narenda Modi nói với KP Oli."

Thủ tướng Nepal KP Oli bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi

Nguồn hình ảnh, Hindustan Times

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Nepal KP Oli bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi trong chuyến viếng thăm năm 2018 tại New Delhi, Ấn Độ.

"Nhiều người nghĩ rằng, điều ông Modi muốn nói với ông Oli đó là, ông ta có thể giao bao nhiêu dự án xây đập cho Trung Quốc cũng được, nhưng Ấn Độ sẽ không mua năng lượng được sản xuất từ các đập đó," tờ Indian Express nói.

Được bao quanh bởi Ấn Độ ở cả ba phía (Nam, Đông, Tây), Nepal vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ trong nhiều thập kỷ nay.

Các dự án của Trung Quốc

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc, gã láng giềng ở phía Bắc đã nỗ lực không ngừng để chứng minh sự hiện diện của mình.

Trung Quốc đã ký thoả thuận với Nepal để đưa tuyến đường sắt từ Tây Tạng đến thủ đô Khatmandu và sau đó là đến vùng đất Phật giáo Lumbini ở phía nam Nepal.

Dự án sân bay quốc tế ở Pokhara, một trung tâm du lịch thuộc phía Đông Nepal do Trung Quốc tài trợ cũng đang được triển khai.

Theo các thoả thuận của hai chính phủ, tuyến cao tốc mới nối liền Nepal với Trung Quốc đang được xây dựng, trong khi đó các tuyến cũ đang được nâng cấp.

Một công ty của Trung Quốc cũng đã tham gia vào một dự án thuỷ điện lớn (Tây Seti) ở phía Tây Nepal. Đây chính là công ty đã xây đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới ở Trung Quốc.

Các dự án của Ấn Độ bị trì hoãn

Trong khi danh sách các dự án của Trung Quốc đang kéo dài ra, thì một số dự án ký với Ấn Độ vẫn chưa được thực hiện nhiều năm nay.

Chẳng hạn như, dự án nước đa năng Pacheswor đã được ký từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa được tiến hành.

Hai dự án thuỷ điện lớn là Arun III và Upper Karnali đã được ký lần lượt vào năm 2014 và 2015 cũng vẫn chưa được thực thi.

Chỉ đến khi làn sóng chỉ trích các dự án này gia tăng thì một số chính sách chính trị quan trọng mới được ban hành, nhằm bắt đầu thay đổi cân bằng địa chính trị ở nước này.

Sau khi Cộng hoà dân chủ liên bang Nepal (trước kia là Vương quốc Hồi giáo Nepal) thông qua hiến pháp mới vào năm 2015, một số đảng chính trị ở miền Nam Nepal giáp với Ấn Độ đã phản đối. Họ cho rằng, những yêu cầu của họ đã không được đáp ứng.

Ấn Độ đề xuất rằng "hiến pháp phải toàn diện", trong khi chính phủ lúc đó lập luận rằng Quốc hội ban hành hiến pháp hoàn toàn thống nhất và những vấn đề còn tồn tại sẽ được giải quyết đúng hạn.

Ngay sau đó, nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm bao gồm nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men từ Ấn Độ vào Nepal đã bị ngừng lại.

Hầu hết các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm của Nepal là từ Ấn Độ.

Ảnh minh họa

Nguồn hình ảnh, Navin Singh Khadka

Chụp lại hình ảnh,

Trong khi danh sách các dự án của Trung Quốc đang kéo dài ra, thì một số dự án ký với Ấn Độ vẫn chưa được thực hiện nhiều năm nay.

Phong toả và sự phản ứng dữ dội

Nhiều người Nepal đổ lỗi cho chính phủ Ấn Độ trong việc gây ra sự phong toả, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vài tháng sau trận động đất kinh hoàng năm 2015.

Tuy nhiên, New Delhi đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng chính các đảng biểu tình ở miền Nam Nepal đã ngăn chặn các xe tải chở hàng tiếp tế từ Ấn Độ.

Trong bổi cảnh người dân không có nhiên liệu để nấu ăn, ông Oli, thủ tướng lúc đó đã ký thoả thuận nhập nhiên liệu từ Trung Quốc và sử dụng lãnh thổ Trung Quốc để vận chuyển hàng hoá từ các nước thứ ba.

Lợi thế của Trung Quốc

Điều đó đã phá vỡ sự độc quyền của Ấn Độ trong việc cung cấp nhiên liệu cho Nepal cũng như vị trí quá cảnh thương mại.

"Ấn Độ đã dâng Nepal cho Trung Quốc thông qua sự phong toả này," Hari Sharma, một nhà phân tích chính sách đối ngoại có tiếng nói với BBC.

"Trung Quốc có được Nepal (từ Ấn Độ) mà không cần phải làm gì. Chúng ta có thể thấy rằng, bây giờ Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư mạnh vào Nepal để làm cầu nối với Nam Á, và tất nhiên mọi thứ sẽ chưa dừng lại ở đây," ông Sharma nói thêm.

Động thái của Trung Quốc được đưa ra ngay khi Bắc Kinh thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình tung ra, nhằm làm hồi sinh Con đường Tơ lụa cổ đại bằng các tuyến xây cất, đại dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Trung Quốc nói rằng BRI chỉ giúp các quốc gia kết nối thương mại và phát triển kinh tế, nhưng nó còn là chiến lược xây dựng sức mạnh toàn cầu cho Trung Quốc.

Nepal đã ký tham gia BRI và một số dự án của Trung Quốc đã được tiến hành theo mục đích này.

Thủ tướng Nepal, ông Oli, hăng hái ủng hộ BRI như một dự án toàn cầu. Ông nói:

"Trong bối cảnh quỹ đạo phát triển đang chuyển sang Châu Á, BRI sẽ là nguồn năng lượng cho một làn sóng toàn cầu hoá mới."

"Toàn cầu hoá toàn diện, toàn cầu hoà công bằng và toàn cầu hoá mang tính nhân văn."

Phong cảnh Nepal

Nguồn hình ảnh, Navin Singh Khadka

Chụp lại hình ảnh,

Nước nhỏ Nepal đang bị giằng xé giữa TQ và Ấn Độ

Ấn Độ tẩy chay

Ấn Độ đã tẩy chay một dự án lớn của Trung Quốc và sẵn sàng chống lại nó bằng mạng lưới cơ sở hạ tầng của mình trong khu vực, bao gồm Nepal.

Ngoài việc xây dựng một đường ống dẫn dầu để cung cấp nhiên liệu cho quốc gia Nam Á bị cô lập này, Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh xây dựng một tuyến đường sắt riêng ở Nam Nepal.

Ấn Độ cũng cung cấp điện cho Nepal nhằm giúp chính quyền Nepal chấm dứt tình trạng cắt điện mà quốc gia này đã phải chịu đựng trong nhiều năm do thiếu nguồn cung nghiêm trọng.

"Trung Quốc và Ấn Độ nên đồng hành hỗ trợ sự phát triển của Nepal", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp phía Nepal, ông Pradip Gyawali trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 3 năm ngoái.

"Là hai nền kinh tế lớn nổi bật, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho các nước láng giềng, bao gồm Nepal, thông qua sự phát triển của mình", ông Vương Nghị nói thêm.

Nhưng liệu hai đối thủ khổng lồ ở châu Á này sẽ thực sự làm điều đó?

Hay sự cạnh tranh sẽ khiến họ ra tay cản trở lẫn nhau?

Nepal sớm muộn cũng sẽ biết câu trả lời là gì.

Nepal
Chụp lại hình ảnh,

Công nhân TQ ở Nepal

Xem thêm tin về Nepal: