Các nước đồng thuận về thực thi Thỏa thuận Paris

  • Matt McGrath
  • Environment correspondent
môi trường

Nguồn hình ảnh, Reuters

Các nhà đàm phán ở Hội nghị Khí hậu COP24 tại Ba Lan cuối cùng nhất trí về các biện pháp để thực thi Hiệp định khí hậu Paris vào năm 2020.

Cuộc tranh cãi vào phút cuối về thị trường carbon có nguy cơ làm hỏng cuộc họp - và trì hoãn nó một ngày.

Các đại biểu tin rằng các quy tắc mới sẽ đảm bảo rằng các quốc gia giữ lời hứa cắt giảm carbon.

Thỏa thuận Katowice nhằm cung cấp các mục tiêu của Hiệp định Paris về việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C.

Michal Kurtyka, chủ tịch hội nghị COP24, nói: "Đó là một chặng đường dài. Chúng tôi cố gắng hết sức để không có ai bị bỏ lại phía sau."

Quy tắc chung dự kiến xem xét tính linh hoạt cho các quốc gia nghèo hơn.

Các nước đang phát triển mong muốn có sự công nhận và bồi thường do ảnh hưởng của nhiệt độ tăng.

Ý tưởng chịu trách nhiệm pháp lý về việc gây ra biến đổi khí hậu từ lâu đã bị các quốc gia giàu có bác bỏ vì các nước này lo ngại các khoản bồi hoàn lớn trong tương lai.

Cuối tuần trước, các nhà khoa học và đại biểu đã bị sốc khi Mỹ, Ả rập Saudi, Nga và Kuwait phản đối cuộc họp "chào mừng" một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc về việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng trong mức giới hạn 1,5 độ C.

Báo cáo cho biết thế giới hiện đang hướng tới mức tăng 3 độ C trong thế kỷ này.

Và để giữ mục tiêu trước đó thì sẽ cần "những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội".

Đại diện từ 196 quốc gia tham gia cuộc hội đàm. Họ cố gắng giải quyết một loạt câu hỏi khó về quy tắc của Hiệp định Paris.

Bloomberg

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Michael Bloomberg nói ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ trở lại hiệp định khí hậu

Hồi tháng 4/2018, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg nói ông sẽ tài trợ 4,5 triệu đôla thay cho cam kết tài chính của Mỹ đã hết hiệu lực đối với hiệp ước khí hậu Paris.

Ông nói mình có trách nhiệm giúp cải thiện môi trường sau quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.

Việc Mỹ rút lui được công bố vào tháng 6/2017 và bị quốc tế lên án.

Thỏa thuận Paris đưa ra cam kết chính phủ Mỹ và 187 nước khác đồng ý giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với mức nhiệt độ của thời tiền công nghiệp, và sẽ tốt hơn nếu mức tăng chỉ 1,5 độ C.

"Mỹ đã cam kết và, là một công dân Mỹ, nếu chính phủ sẽ không làm điều đó thì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm", ông Bloomberg nói trên kênh CBS.

"Tôi có khả năng làm điều đó. Vì vậy, tôi sẽ gửi cho họ một tấm séc cho các khoản mà Mỹ đã cam kết với tổ chức này như thể họ nhận được từ chính phủ liên bang."

Quỹ từ thiện của ông, Bloomberg Philanthropies, từng cung cấp 15 triệu đôla để bù đắp cho một khoản thâm hụt về biến đổi khí hậu năm ngoái.

Họ cho biết khoản tiền sẽ được chuyển đến Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).