Thêm đập thủy điện, thêm mối lo cho sông Mekong và VN

  • Trần Uy
  • Gửi cho BBC từ Manchester Anh Quốc
Một người dân Campuchia đến chỗ từng nhà của ông trước nó bị phá hủy để xây dựng Đập thủy điện Sedan 2 ở Campuchia

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một người dân Campuchia đến chỗ từng nhà của ông trước nó bị phá hủy để xây dựng Đập thủy điện Sedan 2 ở Campuchia

Ngày 4/4/2019, các quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mekong gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã ra tuyên bố kết thúc khâu tham vấn trước đối với Dự án thủy điện Pak Lay.

Pak Lay là dự án thủy điện thứ tư của Lào trên dòng chính Sông Mekong, sau Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng. Các dự án này lần lượt được triển khai, bất chấp những phản ứng mạnh mẽ từ phía cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ.

Chúng được cho là sẽ gây ra nhiều tác động nặng nề cho hạ lưu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Bản Tuyên bố của Ủy hội Sông Mekong kêu gọi Lào có nỗ lực cần thiết nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực xuyên biên giới của dự án Pak Lay.

Lời kêu gọi này dựa trên những đánh giá tác động của dự án và những kiến nghị giải pháp, được thu thập trong quá trình tham vấn trước.

Mới đây, tôi đã phỏng vấn qua điện thoại hai chuyên gia về sinh thái ĐBSCL,

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện về dự án này. Khi so sánh dự án Pak Lay với các dự án trước đó Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng, cả hai chuyên gia đều cho rằng, những kiến nghị về cơ bản là giống nhau giữa các dự án.

Nhưng điều đáng nói hơn, là ở ba dự án trước, những kiến nghị đã không được tôn trọng. Và ở dự án Pak Lay này, nhiều khả năng, cũng sẽ như vậy.

Phản ứng từ cộng đồng và các NGOs

Ngay sau khi Lào thông báo chính thức về Dự án Pak Lay, tháng 6/2018, những phản ứng là rất mạnh mẽ.

Tháng 7/2018, Liên minh Cứu Sông Mekong ra Tuyên bố, trong đó có đoạn:

"Thông tin được cung cấp trong cho quy trình PNPCA bị hạn chế do thiếu dữ liệu nền, trong khi đánh giá tác động môi trường (EIA) và các đánh giá liên quan tới dự án khác đều kém chất lượng."

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện
Chụp lại hình ảnh, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện

Đập Pak Lay tiềm ẩn rủi ro khi tích lũy tác động cùng các con đập khác hiện có trên dòng chính sông Mê Công và làm tiêu tan mọi hi vọng về trách nhiệm giải trình đối với cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các con đập hiện có ở hạ lưu sông Mê Công. Trong khi đó, ở các quy trình tham vấn trước đó, các quan ngại sâu sắc và nổi bật về các đập chính Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng - vẫn chưa được giải quyết.

Tháng 8/2018, khi dự án bước vào giai đoạn tham vấn trước, Website của Ủy ban Sông Mekong Việt Nam công bố một bài phỏng vấn ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng của cơ quan này. Trong đó, có đoạn:

Về đánh giá tác động, tài liệu Lào nộp ... chưa đề cập đầy đủ các yêu cầu liên quan đến đánh giá tác động xuyên biên giới.

Về các biện pháp giảm nhẹ tác động, chủ đầu tư chưa chứng minh được tính hiệu quả của các biện pháp, trong bối cảnh Lưu vực Sông Mekong.

Tháng 9/2018, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), ra Thông cáo báo chí, cho rằng "việc tham vấn chỉ là hình thức" và tẩy chay các cuộc họp tham vấn về dự án Pak Lay. Những lý do được đưa ra là :

Thứ nhất, những kiến nghị từ phía các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực hạ lưu đối với các dự án thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng đã không được tôn trọng.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Chụp lại hình ảnh, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Thứ hai, chủ đầu tư "không nghiêm túc" trong nghiên cứu đánh giá tác động môi trường. "Báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội của đập thủy điện Pak Lay đã sử dụng lại khoảng 90% nội dung của bản báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội thủy điện của đập Pak Beng. Báo cáo sử dụng phần lớn nội dung đánh giá tác động của đập Pak Beng, chỉ thay đổi tên địa danh và các địa điểm của dự án từ Pak Beng sang Pak Lay"

Và cuối cùng là chính phủ Lào vẫn giữ quan điểm tiếp tục xây dựng các đập thủy điện tại Lào bằng mọi giá bất chấp các hệ lụy xấu gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông Mê Công và tác động xấu tới sinh kế của người dân sống ở hạ lưu sông Mê Công.

Tôi đã hỏi Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện về việc, liệu có còn cơ hội can thiệp vào vào dự án Pak Lay và các dự án thủy điện khác trên Sông Mekong nữa không.

Câu trả lời là, cơ hội đã qua cách đây 10 năm, cùng với dự án Xayaburi.

"Cách đây 10 năm, nếu các bên liên quan, nhất là Việt Nam phản ứng quyết liệt hơn, dự án Xayaburi có thể dừng lại được."

Dự án Xayaburi được triển khai, đã tạo nên tiền lệ cho các dự án sau này.

TS Lê Anh Tuấn thì nhận định: "Việc xây dựng các đập trên Sông Mekong giống như những quân domino. Một đập được xây, kéo theo các đập khác, giống như một quân domino đổ, sẽ làm cho các quân khác đổ theo."

Bất cập trong cơ chế xử lý khác biệt

Việc chủ đầu tư không tôn trọng các kiến nghị trong quá trình tham vấn cho thấy, cơ chế xử lý những khác biệt của Ủy hội Sông Mekong (MRC) là không đủ mạnh.

MRC đã đề ra quy trình chuẩn bị cho một dự án, trước khi nó được triển khai trên thực địa. Quy trình đó gồm ba khâu: Thông báo trước - Tham vấn trước - Đồng thuận.

Nhưng cho đến nay, với hơn 50 dự án được thông báo trước, chưa có dự án nào đi được đến khâu đồng thuận. Hai dự án, đã được xây dựng xong trên thực địa, bên trong lãnh thổ Lào.

MRC cũng thống nhất rằng, trong trường hợp các quốc gia thành viên không xử lý được được khác biệt, vụ việc sẽ được chuyển lên cấp cao hơn giải quyết. Nhưng việc này chưa từng xảy ra.

Người phụ nữ đi thuyền đến chợ nổi Cái Bè, Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người phụ nữ đi thuyền đến chợ nổi Cái Bè, Việt Nam

Hiệp định Mekong đầu tiên được ký năm 1957 cho phép một quốc gia thành viên phủ quyết một dự án, có thể gây phương hại cho quốc gia đó.

Nhưng trong bản Hiệp định mới, được ký năm 1995, không còn quy định này.

Ông Lê Anh Tuấn nói rằng, "đây là một bước lùi".

Nguy cơ đe dọa ĐBSCL

Hạ lưu sông Mekong là nơi sinh sống của hơn 60 triệu người. Con sông tạo ra cơ hội thương mại, giao thông, an ninh lương thực, thu nhập và đồng thời là nguồn thủy sản nội địa lớn nhất thế giới, hàng năm đem lại hơn 4 triệu tấn cá và các loài thủy sản khác.

Một nghiên cứu của Ủy hội Sông Mekong quốc tế, được thực hiện trong 7 năm trị giá 4,7 triệu USD khẳng định rằng, các đập trên sông Mekong đe dọa nghiêm trọng sức khỏe sinh thái, sức sống kinh tế và an ninh lương thực của khu vực. Hai tác động lớn nhất là sụt giảm lượng cá và sạt lở.

Những con đập được dựng lên, sẽ làm xáo trộn chế độ thủy văn, và gián đoạn đường di cư của cá. Hiện nay, có 11 dự án thủy điện được quy hoạch trên dòng chính Sông Mekong.

Theo Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), nếu cả 11 đập này được xây dựng, đến năm 2030, tài nguyên cá bị tổn thất vào khoảng 550.000-880.000 tấn, giảm 26%-42% so với năm 2000.

Các hồ chứa thủy điện, là nơi giữ lại một lượng lớn phù sa mịn. Ủy hội Sông Mekong ước tính, các đập thủy điện ở vùng Tây Tạng - Trung Quốc đã làm giảm hơn một nửa so lượng phù sa với năm 1992.

Thiếu phù sa, đồng bằng sẽ không được bồi đắp nữa. Phù sa trong nước giảm đi, khiến cho sức tàn phá của dòng chảy tăng lên, sạt lở sẽ dữ dội hơn. Hiện nay, ĐBSCL có 526 điểm sạt lở với chiều dài gần 800km. Nếu tất cả các dự án thủy điện được xây dựng, lượng phù sa mịn sẽ giảm tiếp một nửa.

TS Lê Anh Tuấn nhận định, khi đó, "sự tan rã của ĐBSCL, chỉ còn là vấn đề thời gian ".

Cơ hội nào cho ĐBSCL?

Cả chuyên gia Lê Anh Tuấn và Nguyễn Hữu Thiện đều khẳng định rằng, đối với ĐBSCL, không có giải pháp nào cho vấn đề sụt giảm lượng cá và thiếu hụt phù sa. Chỉ có hy vọng, sẽ không có thêm đập thủy điện nào được xây trên Sông Mekong.

Bản đồ các đập thủy điện dọc sông Mekong

Nguồn hình ảnh, Google Maps

Chụp lại hình ảnh, Bản đồ các đập thủy điện dọc sông Mekong

Hy vọng này chỉ có thể thành hiện thực nếu như năng lượng tái tạo rẻ hơn thủy điện. Nhưng điều này khó xảy ra vì ở khu vực hạ lưu Sông Mekong, chưa có chính sách phát triển mạnh năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Lào tỏ ra quyết tâm thực hiện kế hoạch trở thành một "bình ắc quy " ở Đông Nam Á, bán điện cho các nước láng giềng. Hiện Lào có hàng trăm dự án thủy điện trong quy hoạch, đặc biệt là 9 trong số 11 dự án lớn trên dòng chính của Sông Mekong.

Trong Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN hồi tháng 9-2018, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu các phương án năng lượng tái tạo, nhưng thủy điện vẫn sẽ là "nguồn thu nhập chính" của quốc gia này.

ĐBSCL đang trải qua nhiều biến động, do nước biển dâng, sụt lún bề mặt, hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn …

Sự xuất hiện của những con đập trên thượng nguồn Sông Mekong sẽ càng làm cho những biến động đó dữ dội hơn. Cuộc sống của gần 18 triệu dân có nguy cơ bị xáo trộn. Hình hài của đồng bằng non trẻ, có thể sẽ biến dạng mãi mãi hoặc tệ hơn, là tan rã.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.