Tranh cãi về chỉ tiêu trên 1m5 cho sinh viên sư phạm

image

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Đại học Sư phạm TP HCM đã đưa ra lời lý giải sau khi gây nhiều tranh cãi về điều kiện xét tuyển sinh viên sư phạm dựa trên chiều cao.

Trước đó, truyền thông trong nước đưa tin, Đại học Sư phạm TP HCM ra chỉ tiêu sinh viên nam phải cao từ 1m55 trở lên, nữ phải từ 1m50 trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao trên 1m65, nặng 50kg, nữ phải cao 1m55 và nặng 45kg.

Được biết đây là tiêu chuẩn của riêng trường, nhưng đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

"Không biết có nước nào quy định chiều cao đối với sinh viên sư phạm như ta nữa không? Thầy tôi ngày xưa là một người khuyết tật, nhưng là người thầy thực sự tài giỏi thì sao. Làm thầy thì cốt ở sự tài giỏi và đạo đức, chiều cao thì để làm gì?" một người tên Trần Văn Sỹ, đăng trên bài viết của báo Thanh Niên.

"Có nên không? con người ta sinh ra không ai mong muốn mình tự thấp bé cả. Người ta đến với nghề Sư phạm có khi là lòng yêu nghề là nhiệt huyết... có khi người thấp bé lại thành công đấy. Điểm sàn cho ngành sư phạm rồi giờ lại còn thêm chiều cao sàn nữa," một người khác tên Nguyễn Hải bình luận.

Ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM với báo Vietnamnet, như sau: ''chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ.''

Và, "Trường Đại học Sư phạm TP HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành mũi nhọn cung cấp cho TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết, trong đó có vấn đề về chiều cao."

Nhưng một số chuyên gia giáo dục không đồng ý với quan điểm này.

image

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Tiêu chuẩn 'thiếu nhân văn, phân biệt'

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 14/2, bà Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục của Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng nói:

"Nghề giáo là một nghề khá đặc thù vì thường xuyên phải tiếp xúc với con người (thường là người trẻ). Không những thế, nhà giáo còn phải đóng vai là một "hình mẫu" (role model) của các chuẩn mực xã hội để học sinh noi theo."

"Vì vậy, khi cần phải lựa chọn hoặc đánh giá nhà giáo, ngoài yêu cầu đủ sức khỏe, lòng yêu nghề, đạo đức và năng lực nghề nghiệp như tất cả các nghề nghiệp khác, thì ở ở khắp nơi trên thế giới các nhà tuyển dụng đều có thêm tiêu chí về "hình ảnh" (image) - được hiểu là trang phục, tác phong, cách ứng xử, ngôn ngữ giao tiếp, và không loại trừ yếu tố hình thể (cao thấp, béo gầy, bình thường hoặc có dị tật, v.v...)"

Bà giải thích:

"Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy vẻ bề ngoài (appearance) của giáo viên có tác động đến hiệu quả học tập của học sinh. Do đó, có thể tin rằng yêu cầu về chiều cao tối thiểu của sinh viên ngành sư phạm do trường ĐH Sư phạm TP HCM xuất phát từ một mong muốn tích cực là tạo ra một thế hệ giáo viên tương lai có năng lực và thể chất phù hợp và hình ảnh đẹp trong mắt người học. Đây là một điều có thể hiểu và thông cảm được."

Tuy nghiên, bà Phương Anh cho rằng, điều kiện về chiều cao trên là "một điều gây phản cảm và hoàn toàn không nên, vì nó đưa một thông điệp có tính kỳ thị đối với những người có chiều cao khiêm tốn."

"Cần lưu ý rằng ở các quốc gia văn minh trên thế giới, ngay cả trong những thông báo tuyển dụng người ta cũng không thể đưa ra những yêu cầu có tính kỳ thị như trên (dù trên thực tế những người cao lớn đẹp đẽ vẫn có ít nhiều lợi thế hơn những người thấp bé trong quá trình tuyển dụng)."

"Nói là chiều cao cũng phản ánh sức khỏe thì không sai, nhưng khá phiến diện, mà cần có nhiều yếu tố khác nữa, trước hết và rõ nhất là cân nặng."

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình minh họa

"Một người cao trên 1.5m hoặc 1.55m nhưng bị béo phì nặng thì không khỏe mạnh bằng một người dưới chuẩn nhưng cân đối. Việc nói là chiều cao có ảnh hưởng đến công việc (treo bảng) cũng có vẻ chưa hoàn toàn chính xác vì giáo viên có thể đi giày cao, hoặc kê thêm bục.

"Vả lại, sinh viên khi vào trường chỉ mới 18 tuổi, nếu có kế hoạch rèn luyện thể lực (tập bơi lội, bóng rổ) tốt thì vẫn còn có thể cao thêm 1 vài phân, cho nên đề án có dự kiến đưa chiều cao vào thành một chuẩn mực để lựa chọn sinh viên vào học thì cần xem xét lại."

"Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng cởi mở và nhân bản hơn, nơi những khác biệt so với chuẩn mực chung giờ đây không còn bị xem là hạn chế mà ngược lại đã trở thành một ưu điểm (như trường hợp Hoa hậu H'hen Niê mới đây), và những tiềm năng to lớn của con người - kể cả những người không may mắn được sinh ra trong những điều kiện sống khó khăn, với ít nhiều khiếm khuyết về hình thể - đang ngày càng có điều kiện để khơi gợi và phát triển hơn, nhờ vào sự phát triển của công nghệ."

"Vì thế, chúng ta không có lý do gì để cho rằng một người với chiều cao khiêm tốn dưới mức trung bình không thể trở thành một giáo viên giỏi, miễn là người ấy có lòng yêu nghề, có nhiệt huyết, và sự quyết tâm phấn đấu vượt qua những đòi hỏi khắt khe của nghề giáo để đạt đến sự thành công trong nghề nghiệp."

"Theo tôi, nếu trường ĐHSP TP HCM muốn tạo hình ảnh đẹp cho các giáo sinh của trường để cải thiện cái nhìn của xã hội đối với nhà giáo, thì thay vì đưa ra quy định loại trừ các sinh viên sư phạm tiềm năng chỉ vì yếu tố chiều cao, nhà trường nên suy nghĩ đến việc tăng cường rèn luyện thể lực, đào tạo hành vi, tác phong và ứng xử sư phạm, kể cả cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, ứng xử công cộng cho các giáo viên tương lai, tương tự như trong việc đào tạo nhân viên ngoại giao chẳng hạn, để mọi giáo viên đều có tác phong chuyên nghiệp."

Sinh viên nữ đào tạo tại Đại học sư phạm TPHCM phải cao trên 1m50?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Sinh viên nữ đào tạo tại Đại học sư phạm TPHCM phải cao trên 1m50? (Hình minh họa)

Trả lời BBC hôm 13/2, thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng có những giáo viên là những người tàn phế rất nổi tiếng như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

"Trường sư phạm TP HCM lấy tiêu chuẩn hình thức con người như thế là không nên, thiếu tính nhân văn, và có tính phân biệt".

Thay vì tiêu chuẩn chiều cao trên, thì theo thầy Khoa các trường đào tạo sư phạm nên ưu tiên ba tiêu chuẩn sau:

"Tiêu chuẩn một, là kỹ năng truyền đạt kiến thức. Phải biết cách cho học sinh hiểu, có cách nói chuyện thuyết phục, biết đơn giản hóa một vấn đề cho học sinh dễ hiểu."

"Tiêu chuẩn thứ hai, là kỹ năng ứng xử các tình huống sư phạm. Học sinh mắc lỗi phải xử lý như thế nào để có tính thuyết phục mà học sinh cảm nhận được và nó coi đó là một bài học quý giá, chứ không phải đánh đập, làm cho các em mất niềm tin, hào hứng đến trường lớp."

"Và cuối cùng là kỹ năng biết tiếp thu kỹ năng mới, nghiên cứu cách giảng dạy mới, làm sao để học sinh có khả năng tự học, chứ không phải bắt chước, học thuộc lòng như trước kia nữa."

"Tôi không biết trường ĐH Sư phạm TP HCM không biết đã học ở đâu ra điều lạ lùng như thế. Sư phạm không nên chú ý đến hình thức, cao thấp, mà nên tập trung vào chuyên môn sư phạm thì hơn," thầy giáo Đỗ Việt Khoa nói.

Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Bộ Giáo dục nói gì?

Theo báo Vietnamnet, ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TP HCM đã đưa ra lý giải cho chỉ tiêu tuyển sinh từ 1m50.

Ông Quốc cho rằng chiều cao là vấn đề chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 -2020 của Thủ tướng Chính phủ.

image

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Một lớp học ở Sóc Trăng

"Bên cạnh đó, việc tham gia thể thao, hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu sức khỏe là rất cần thiết."

Ông Quốc trích dẫn bản Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đến năm 2011- 2010, chiều cao người Việt tăng 1 đến 1,5 cm so với 2010, nên "vấn đề chiều cao cần được xem xét như một tiêu chuẩn sức khỏe."

Ông Quốc còn cho rằng "Theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục quy định bảng treo ở lớp học cách nền phòng học từ 0,65-0,80m với trường tiểu học và ở Trung học Cơ sở (THCS) là 0,8-1,0m, từ đó nhận thấy chiều cao của thầy cô giáo có ảnh hưởng nhất định từ phương diện yêu cầu nghề".

Và cuối cùng là "Trường Đại học Sư phạm TP HCM là nơi đào tạo giáo viên THPT ở nhiều ngành mũi nhọn cung cấp cho TP HCM và các tỉnh thành phía Nam, việc đảm bảo sức khỏe của người giáo viên khi đảm trách công tác dạy học cho học sinh THPT là rất cần thiết, trong đó có vấn đề về chiều cao."

Ông Quốc trích dẫn thêm những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam điều tra từ năm 2009 - 2010 là cận 20 tuổi ở nam đến 164,44cm và ở nữ lên đến 153,43cm. "Vì thế, chiều cao ở mức 150cm với nữ là chấp nhận được. Điều này cho thấy vấn đề chiều cao đặt trong nội dung sức khỏe là khả thi."

Ông Quốc khẳng định, đây là Đề án dự kiến nên nhà trường sẽ lắng nghe tất cả thông tin và sẽ cầu thị xem xét, nghiên cứu, tuy nhiên vẫn đảm bảo chuẩn chung khác với từng trường hợp.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho báo Vietnamnet biết rằng "trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển và thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường."

Về điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP HCM, bà Phụng nói: "Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo.

"Các quy định khác do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình, để xây dựng chính sách chất lượng, nâng cao khả năng có việc làm của sinh viên và xây dựng "thương hiệu" của trường nhưng phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện chính sách phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội".

Hình minh hoa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hình minh họa

Giống tiêu chuẩn đã bị loại bỏ ở Trung Quốc?

Vào tháng Bảy năm ngoái, một sinh viên sư phạm ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã bị từ chối cấp chứng chỉ giảng dạy chỉ vì cô cao 1m4.

Khi đó, trường Đại học sư phạm Thiểm Tây cũng có tiêu chuẩn chiều cao tương tự trường Đại học sư phạm TP HCM với chiều cao tối thiểu cho sinh viên nữ là 1m50.

Vụ việc cũng bị dư luận Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ, khiến sở giáo dục tỉnh Thiểm Tây phải đưa ra tuyên bố một ngày sau đó, loại bỏ tiêu chuẩn "kiểm gia viêm gan B và giới hạn dựa trên chiều cao và cân nặng," theo trang GuideinChina.

Tỉnh Thiểm Tây cũng là tỉnh gần đây nhất loại bỏ tiêu chuẩn chiều cao đối với giáo viên, theo sau tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây và Giang Tây. Trung Quốc không có tiêu chuẩn chiều cao cho giáo viên tuy nhiên một số tỉnh tự đưa ra tiêu chuẩn riêng.