VN muốn lập mạng xã hội riêng, còn thế giới thì sao?

baochinhphu.vn

Nguồn hình ảnh, baochinhphu.vn

Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có tiếng là người năng động trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Ṃạnh Hùng muốn lập mạng xã hội riêng cho người Việt Nam hiện đang thu hút nhiều bình luận.

Đây không phải là lần đầu tiên quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam nêu ra vấn đề này.

Hồi tháng 4/2017, người tiền nhiệm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Trương Minh Tuấn đã từng nói tại Quốc hội Việt Nam rằng về dài hạn, nước này cần có các mạng xã hội tương đương với mạng của Facebook, Google để cạnh tranh.

Cuộc chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi đó tập trung vào các "mặt trái" của mạng xã hội nói chung.

Lần này, phát biểu tại TPHCM hôm 15/07, Bộ trưởng Hùng, người có hàm thiếu tướng quân đội khi phụ trách tập đoàn Viettel nói:

"Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó..."

Ông Hùng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tạo ra mạng xã hội đối trọng, khác biệt Facebook.

Câu chuyện này đã ngay lập tức thu hút nhiều bình luận trên mạng xã hội Việt Nam, chủ yếu là Facebook.

1-Mạng xã hội tự do hay gò bó?

Một số ý kiến cho rằng việc lập ra mạng xã hội 'Made in Vietnam' không khó về kỹ thuật nhưng để đây là sân chơi tự do, không bị kiểm duyệt là vấn đề lớn ở Việt Nam.

Facebooker Lê Nguyễn Duy Hậu viết hôm 16/07 trên trang cá nhân:

"Trung Quốc thành công vì người dân nước này chưa bao giờ một lần biết đến Facebook, YouTube, hay Google. Việt Nam thì khác hẳn, và đó cũng là rào cản lớn nhất phải vượt qua. Quan điểm, kí ức, và trải nghiệm là thứ dữ liệu không thể xoá bỏ được.

Người dùng Việt Nam chọn Facebook, Google, và YouTube (so với các nền tảng khác) không chỉ bởi nó tiện hơn, đẹp hơn, sang hơn, kết nối hơn (bản thân các lý do trên là quá đủ), mà còn vì đó là công cụ để vượt qua vòng kiểm duyệt của Nhà nước..."

Nhà văn Đoàn Bảo Châu thì 'nhắn gửi' Bộ trưởng Hùng trên Facebook (Châu Đoàn), tỏ ý nghi ngờ về khả năng của Việt Nam:

"Những người tìm kiếm thông tin bằng Google thường dùng tiếng Anh để được thoả sức bơi lội trong bể thông tin, kiến thức vô tận của nhân loại. Mạng xã hội FB là một phát kiến vĩ đại, anh biết để có được điều ấy thì trí tuệ, công sức và tiền bạc khủng đến đâu không?

Ta còn không tự làm được một con đường cao tốc bởi quá nghèo, anh ngừng mơ màng đi có được không?"

Facebook có thu nhập 55,8 tỷ USD trong năm 2018, tăng lên từ con số 40,6 tỷ hồi 2017.

Chưa kể sức mạnh của các trang mạng xã hội Hoa Kỳ còn đến từ tính toàn cầu, cho phép kết nối xuyên biên giới, không bị bó buộc vào một quốc gia.

Theo hãng nghiên cứu thị trường và cung cấp thông tin số toàn cầu Nielsen (2018), hơn một phần ba dân số Việt Nam dùng mạng xã hội.

Đến năm 2020, số người dùng mạng xã hội sẽ lên tới 46,7 triệu người, theo đánh giá của eMarketer về Việt Nam.

Nhưng giới vận động cho tự do mạng nói chính quyền Việt Nam vẫn tìm cách 'kiểm duyệt' nội dung chính trị, thời sự họ không kiểm soát được.

2-Đã có hàng trăm 'mạng xã hội Việt Nam'

Trên thực tế, tính đến giữa 2018, ở Việt Nam đã có tới 360 loại mạng xã hội khác nhau được phép hoạt động, theo trang của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhưng cũng trang này trong một bài tháng 2/2019 trích nguồn Vietnam+ nêu ra 11 mạng xã hội được người Việt Nam yêu thích nhất, thì đa số đều là của các công ty nước ngoài: Facebook, YouTube, Instagram, Tik Tok, LINE, Google+, Pinterest...

Ngoài ra, trang này nói có mạng Zalo của VNG, Mocha của Viettel là của Việt Nam.

Người VN

Nguồn hình ảnh, Richard Baker

Chụp lại hình ảnh, Việc tìm ra thị trường mạng xã hội riêng cho một quốc gia không phải là dễ giữa 'đám đông' các nhà khổng lồ đầy sức mạnh

Hai ví dụ này được một số báo Việt Nam cho là "niềm hứng khởi" để các công ty công nghệ Việt Nam phát triển một mạng xã hội lớn đủ thay thế Facebook.

Ngoài ra, một số nguồn khác cũng nêu Zingme.vn và Go.vn như những trang mạng xã hội nhiều thanh thiếu niên sử dụng ở Việt Nam.

Theo hãng tin Anh Reuters (08/11/2018), ở Việt Nam còn có mạng VCCorp, nhưng cũng như Zalo và Mocha, các doanh nghiệp này "cố gắng đạt sự thông dụng như Facebook và YouTube mà chưa được".

Giới chuyên gia cho rằng các cách xếp hạng tùy thuộc vào định nghĩa 'mạng xã hội' và tùy vào tính năng mà người ta đi đến kết luận khác nhau về độ tuổi người dùng, sở thích và dịch vụ chính của mạng đó.

3-Việt Nam định thay Facebook bằng cái gì?

Có vẻ như phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, dù lấy Facebook làm ví dụ nhưng đề cập đến cả công cụ tìm kiếm (search engine) và mạng xã hội để chia sẻ (sharing platforms, apps), đồng thời để người dùng có tiếng nói, dạng như các cộng đồng (online community) đã hình thành.

Ông nói:

"Đã đến lúc chúng ta phải viết một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới, nhân văn hơn, coi trọng khách hàng hơn và đưa người dùng làm chủ thể."

Trên thế giới hiện cũng có không ít các công ty startup mở ra các mạng xã hội với tính năng khác nhau, hoặc cạnh tranh trực diện với các nhà khổng lồ như Facebook, Twitter, hoặc tìm thị trường riêng, với tính năng riêng.

Facebook hiện là mạng xã hội ở vị trí lớn nhất thế giới nhưng bị phê phán là không kiểm soát được 'tin giả' (fake news) và 'ngôn ngữ thù hằn ' (hate speech).

Một số chuyên trang về mạng xã hội tin rằng để "chống lại được Facebook", một mạng mới cần phải:

  • Không tập quyền (decentralization)
  • Đem lại dịch vụ mới hơn những gì người dùng đã có
  • Quản lý tốt vấn đề quyền riêng tư
  • Người dùng tự quản, tự tạo nội dung

Các vấn đề này đều có thể khó giải quyết được trong cơ chế quản lý độc quyền, tập trung về thông tin báo chí tại Việt Nam hiện nay.

Chưa kể, có ý kiến trên báo Việt Nam đăng sau khi ông Nguyễn Mạnh Hùng mới là quyền Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông, nêu ý tưởng 'mạng xã hội cho Việt Nam', viết rằng:

"Tôi nghĩ trong cơ chế thị trường thì người dùng có quyền lựa chọn sản phẩm nào tốt nhất cho mình. Mạng nước ngoài hay Việt Nam cũng vậy, cái nào tốt chúng tôi sẽ chọn."

4-Làm sao chống lại thế thượng phong của Mỹ?

COO

Nguồn hình ảnh, Jerod Harris

Chụp lại hình ảnh, Mạng xã hội là quyền lực: từ trái sang, COO của Instagram, bà Marne Levine, COO của ETSY Linda Kozlowski và COO của AirBnb, Belinda Johnson dự sự kiện Thượng đỉnh của Những Phụ nữ quyền lực nhất 'Fortune Most Powerful Women Summit 2018' ở California

Ở châu Âu từ nhiều năm qua đã có các ý tưởng lập mạng xã hội riêng, chống lại các đại gia trong công nghệ thông tin và tin tức, công cụ tìm kiếm, dịch vụ mạng xã hội và giải trí mà tất cả đều của Hoa Kỳ: Google, Amazon, Facebook, Apple, Netflix và Microsoft.

Tuy nhiên, các công ty châu Âu bị coi là không đủ tiềm lực, và đã chịu thua hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Mặt khác, các mạng xã hội ở Pháp, Đức không thể nào tạo được sức mạnh toàn cầu trong khi người dùng hoàn toàn đi theo Facebook, Twitter, YouTube.

Có ý kiến nói người châu Âu vẫn bị hạn chế về ngôn ngữ, lại muốn cổ vũ việc dùng tiếng nước họ trên mạng xã hội, nên khó vươn ra thế giới.

Chẳng hạn Twitter không phát triển ở Đức vì tiếng Đức có các từ dài, khó dùng cho format hạn chế 140 từ.

Các mạng được ưa chuộng nhất ở Đức hiện là YouTube, Whatsapp, Facebook, Facebook Messenger , Instagram, Pinterest.

Cùng lúc, mạng Xing chỉ phát triển ở các nước nói tiếng Đức: Đức, Áo, Thụy Sĩ mà không lan tỏa ra châu Âu.

Gần đây nhất trong lĩnh vực chia sẻ phim và video có sáng kiến lập mạng BritBox do BBC và ITV ở Anh đưa ra nhằm cạnh tranh với Netflix.

Theo trang the Guardian (07/2019) BritBox có cơ hội thành hiện thực vì BBC hiện đã làm chủ kho tư liệu phim ảnh thuộc hàng lớn nhất thế giới, và cả BBC và ITV đều phát hình bằng tiếng Anh, ngôn ngữ có sức lan tỏa toàn cầu.

Xem thêm: