Thủ tướng Phúc nói về kinh tế VN và thương chiến Mỹ - Trung

Thủ tướng Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên đường dự WEF Davos 2019

Thủ tướng Việt Nam tối 22/1 đã rời Hà Nội để bay sang dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tháp tùng ông Nguyễn Xuân Phúc.

Trang web chính phủ Việt Nam nói: "Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị WEF Davos 2019 sẽ quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019."

Trước khi tới Davos dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Bloomberg về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và nhập thêm hàng từ Hoa Kỳ.

Giới bình luận cho rằng Việt Nam đang lặng lẽ trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam thì đang tìm cách quảng bá hình ảnh Việt Nam như một cường quốc sản xuất và xuất khẩu, nhưng cho biết số doanh nghiệp từ TQ chuyển sang Việt Nam chưa có nhiều.

Ông Phúc nói về nhu cầu tự lo của Việt Nam:

''Chúng tôi đang cố gắng tăng xuất khẩu cả về số lượng và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các hàng hóa như hải sản, hàng hóa, giày dép và điện tử.''

Trả lời Bloomberg (20/01/2019), trước khi đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ, ông Phúc cũng nói:

''Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế xuất khẩu phát triển nhanh chóng và cung cấp nhiều việc làm hơn, với thu nhập cao hơn cho người dân.''

Xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng hai lần tổng sản phẩm quốc nội, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á, ngoài Singapore.

Theo Bloomberg, có rất nhiều yếu tố để Việt Nam thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm nhân công giá rẻ, vị trí địa lý‎‎, tiềm lực phát triển kinh tế và các thỏa thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tin là đã và sẽ đạt được trong tương lai.

Công nhân ở Việt Nam được trả trung bình 216 đô la Mỹ một tháng, một nửa so với công nhân Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam sở hữu một trong những lực lượng nhân công lao động lớn nhất Đông Nam Á.

Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP và các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU đã được ký kết và hoàn thành.

Năm 2015, chính phủ nước này cũng đã thông qua một luật mới, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài 100% quyền sở hữu doanh nghiệp ở VN, trừ những ngành như ngân hàng hoặc viễn thông.

Tháng 10 năm ngoái, giám đốc điều hành của Goertek, nhà sản xuất tai nghe Airpods của Apple, Jiang Bin, cho biết công ty sẽ rời công ty có trụ sở ở Sơn Đông, Trung Quốc để chuyển đến Việt Nam.

Việt Nam hiện tại đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tăng trưởng được ước tính là 7% trong năm 2018, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Tiền Việt Nam cũng tương đối ổn định trong năm 2018, so với các đồng tiền châu Á như ruppe và rupiah, dù có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Khi được hỏi về khả năng phá giá VND để thu hút các nguồn đầu tư, ông Phúc trả lời:

"Một trong những mục tiêu của chúng tôi là duy trì ổn định của đồng tiền. Việc tạo nên sự tin tưởng về phát triển kinh tế của Việt Nam là điều cần thiết đối với chúng tôi khi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.''

''Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có quá nhiều doanh nghiệp từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam.''

''Các hoạt động thương mại cả chúng tôi vẫn đang diễn ra bình thường với các đối tác, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và EU. Vì vậy, bất kể diều gì tác động đến thị trường của họ thì cũng sẽ tác động đến kinh tế của Việt Nam.''

''Việt Nam cũng gặp những thách thức riêng về cơ sở vật chất và trình độ công nhân còn hạn chế,'' ông Phúc thừa nhận.

Hoàng tử Anh William (Giữa) tham dự Davos 2019 ngày 22/1

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Hoàng tử Anh William (Giữa) tham dự Davos 2019 ngày 22/1

Cơ hội và rủi ro

Vị trí địa lý tiếp giáp nhau của Trung Quốc và Việt Nam, tuy mang đến nhiều lợi thế trong quá trình di chuyển doanh nghiệp, cũng mang theo nhiều rủi ro.

Tại một hội thảo gần đây của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng Việt Nam được báo chí trích lời nhận định rằng để đối phó với trừng phạt thuế quan của Hoa Kỳ, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng Việt Nam như một nơi để quá cảnh hàng hóa trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Điều này chứa đựng nhiều rủi ro tiền ẩm, khi mà Hoa Kỳ có thể trừng phạt Việt Nam bất cứ lúc nào, đặc biệt nếu Việt Nam không thể đảm bảo nguồn gốc và kiểm soát càng sản phẩm bị quá cảnh.

Khi cơ quan Thương mại Hoa Kỳ phát hiện ra các mánh khóe này, đói tượng bị xử phạt sẽ là các doanh nghiệp và nhóm sản phẩm ở Việt Nam. Không chỉ bị áp thuế cao, mà cả uy tín của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trong năm 2018, Mỹ đã áp thuế thép của Việt Nam lên tới 45%, sau khi cáo buộc sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Giám đốc IMF Christine Lagarde tham dự Davos 2019

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Giám đốc IMF Christine Lagarde tham dự Davos 2019

Sẽ nhập hàng từ Hoa Kỳ

Trước các lo ngại về tình hình thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu từ Hoa Kỳ, dẫn chứng về viêc mua 150 chuyên cơ Boeing và các sản phẩm dầu khí khác.

''Tôi tin rằng Việt Nam có quan hệ thương mại tốt với cả Mỹ và Trung Quốc. Hai đối tác lớn này đều quan trọng như nhau đối với Việt Nam'', Thủ tướng Việt Nam nói thêm.