Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 13/6/2019, 10:45 (GMT+7)

Hai cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ làm rung chuyển Hong Kong

Hai cuộc tuần hành ở Hong Kong từ cuối tuần trước thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, châm ngòi cho đụng độ với cảnh sát và khiến cuộc thảo luận về dự luật dẫn độ bị hoãn.

Hàng trăm nghìn người Hong Kong hôm 9/6 tràn kín nhiều tuyến phố để phản đối dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự", cho phép Hong Kong dẫn độ nghi phạm tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Trong ảnh, đám đông phong tỏa một con phố hôm 9/6 để thực hiện điều mà họ gọi là "nỗ lực cuối cùng" nhằm yêu cầu chính quyền rút lại dự luật.

Người biểu tình Hong Kong giơ cao các khẩu hiệu "không dẫn độ" trong cuộc tuần hành hôm 9/6.

Cảnh sát Hong Kong cho biết khoảng 240.000 người tham gia cuộc biểu tình này, song một nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn một triệu người đã xuống đường. 

Người biểu tình gây tắc nghẽn một con phố ở Hong Kong hôm 9/6.

Nếu dự luật được thông qua, những người sống ở Hong Kong đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong phải chịu sự điều chỉnh của  một hệ thống pháp lý khác.

Sau một ngày tuần hành ôn hòa, người biểu tình vẫn bám trụ lại trước trụ sở Hội đồng Lập pháp đến đêm 9/6. Đụng độ nổ ra vào rạng sáng 10/6, khi cảnh sát tới yêu cầu họ giải tán vì đã hết thời gian biểu tình cho phép. Nhiều người biểu tình tức giận tìm cách xông vào tòa nhà của cơ quan lập pháp nhưng bị cảnh sát đẩy lùi bằng dùi cui và hơi cay, 19 người bị bắt với hành vi cố tình gây bạo loạn.

Trong ảnh, một người biểu tình cầm rào sắt định chống lại cảnh sát trước trụ sở cơ quan lập pháp, trong khi nhân viên thực thi pháp luật giơ dùi cui đe dọa.

Vụ biểu tình phản đối luật dẫn độ biến thành bạo động tại Hong Kong
 
 

Đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát rạng sáng 10/6.

Một người biểu tình bị thương và bị cảnh sát bắt rạng sáng 10/6.

Bất chấp sự phản đối của đám đông, trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam kiên quyết bảo vệ dự luật, cho rằng nó "giúp duy trì công lý và bảo đảm Hong Kong thực thi nghĩa vụ quốc tế trong vấn đề tội phạm xuyên quốc gia".

Bà Lam khẳng định dự luật sẽ được đưa ra tranh luận trước cơ quan lập pháp Hong Kong vào ngày 12/6, bác bỏ yêu cầu trì hoãn hoặc rút hoàn toàn dự luật do người biểu tình đưa ra. Đáp lại, người Hong Kong đe dọa sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình.

Sáng sớm 12/6, hàng chục nghìn người biểu tình tiếp tục tuần hành trên các tuyến phố chính ở Hong Kong, đặc biệt các tuyến đường dẫn tới trụ sở Hội đồng Lập pháp, để phản đối việc cơ quan này thảo luận dự luật lần hai.

Trong ảnh, hàng nghìn người mang khẩu trang, chủ yếu là thanh niên, sinh viên, tập trung trên đường phố sáng 12/6 để phản đối dự luật.

Người biểu tình đỗ xe chặn lối vào trụ sở Hội đồng Lập pháp sáng 12/6. Dòng người biểu tình từ sáng sớm đã phong tỏa các con đường huyết mạch quanh trụ sở Hội đồng Lập pháp, khiến các nghị sĩ không thể tới được phòng họp.

Cảnh sát Hong Kong triển khai lực lượng 5.000 người để đối phó, kêu gọi người biểu tình rời đi và cảnh báo "sử dụng vũ lực" nếu cần thiết.

Trước sức ép từ cuộc biểu tình, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong Andrew Leung Kwan-yuen quyết định hoãn buổi thảo luận về dự luật, tuy nhiên người biểu tình tuyên bố họ sẽ không rời đi cho đến khi chính quyền hủy bỏ dự luật này.

Bạo lực xảy ra khi người biểu tình đụng độ cảnh sát vào chiều 12/6. Đoàn người biểu tình sử dụng ô làm lá chắn để tìm cách tiến vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hong Kong, ném đồ vật vào cảnh sát chống bạo động, trong khi lực lượng chức năng bắn đạn hơi cay và dùng dùi cui chống lại.

Trong ảnh, cảnh sát đang sử dụng dùi cui để trấn áp người biểu tình.

Cảnh sát đối đầu với người biểu tình mang ô bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp ngày 12/6. Ảnh: CNBC.

Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay đẩy lùi người biểu tình chiều tối 12/6.

Số đạn hơi cay được cảnh sát bắn ra nhiều đến mức khiến chuông báo cháy bên trong khu mua sắm Queensway gần đó kích hoạt. Cảnh sát trưởng  Hong Kong Stephen Lo Wai-chung xác nhận lực lượng chức năng đã dùng nhiều loại vũ khí như đạn cao su, đạn hơi cay, bình xịt hơi cay để trấn áp người biểu tình.

Ông Lo tuyên bố hành động của người biểu tình là tình huống bạo động. Những người bị khép tội có hành vi bạo động có thể bị bắt và kết án 10 năm tù theo luật Hong Kong.

Người biểu tình và cảnh sát chia làm hai chiến tuyến đối đầu nhau chiều 12/6.

Với các biện pháp trấn áp của cảnh sát, người biểu tình dần bị đẩy ra xa khỏi trụ sở Hội đồng Lập pháp và tìm cách tập hợp lực lượng ở những tuyến phố gần đó.

Nhóm người biểu tình giúp đỡ một cô gái bị ngất hôm 12/6.

Nhiều người biểu tình nói rằng họ bị sốc khi thấy cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.

Cảnh sát Hong Kong dọn chướng ngại, giải tán người biểu tình trong đêm
 
 

Cảnh sát dọn dẹp chướng ngại vật trên phố sau khi đẩy lui người biểu tình.

Cảnh sát Hong Kong dừng nghỉ ngơi trên một tuyến phố tối 12/6 sau những cuộc đụng độ bạo lực với người biểu tình.

Phát ngôn viên Cơ quan Thông tin Hong Kong cho biết ít nhất 72 người đã bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện sau các cuộc biểu tình.
Chính quyền Hong Kong chưa đưa ra quyết định về việc hủy bỏ hay tiếp tục thảo luận về dự luật dẫn độ.

Đường phố Hong Kong trở nên yên tĩnh vào sáng 13/6, khi người biểu tình rút đi và cảnh sát dọn dẹp các chướng ngại vật. Tuy nhiên, cảnh sát chống bạo động Hong Kong vẫn sẵn sàng đối phó với nguy cơ nổ ra cuộc biểu tình tiếp theo.

Ảnh: AFP, New York Times