Có khả năng rửa tiền qua đầu tư bất động sản tại Việt Nam?

TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo thực trạng dùng tiền mặt để giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn
Chụp lại hình ảnh,

TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo thực trạng dùng tiền mặt để giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn

Một chuyên gia kinh tế nói không bất ngờ với cảnh báo chính thức về khả năng rửa tiền qua mua bán bất động sản (BĐS) ở Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn với trang vietnambiz.vn, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt nhằm hạn chế sự lưu thông của các dòng tiền "không rõ nguồn gốc".

Bình luận của Tiến sỹ Hiếu được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Bất động sản Tp HCM (HoREA) trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ một số quan ngại về thị trường BĐS tại thành phố này năm 2018 và cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở "phân khúc cao cấp và hạng sang".

Đây được cho là báo cáo chính thức đầu tiên về nguy cơ đầu tư kinh doanh và cất giữ tài sản nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản.

Ông Hiếu được dẫn lời nói "Đây đúng là lần đầu tiên chúng ta thấy nghi vấn rửa tiền vào BĐS được đề cập thẳng thắn bởi một tổ chức chính thống về lĩnh vực BĐS" và qua đây cho thấy hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực này "đã được nhận diện và sẽ được giám sát chặt chẽ".

"Cần làm sáng tỏ tất cả những vấn đề liên quan tới các hoạt động mua bán BĐS tại phân khúc cao cấp bởi đây là phân khúc đa số người dân Việt Nam "không thể với tới được" nhưng lại hoạt động khá sôi nổi.

"Đây là phân khúc dành cho các đại gia, những tỷ phú đô la của Việt Nam. Chỉ những người rất nhiều tiền ở Việt Nam mới có thể tham gia đầu tư, mua bán.

Bất động sản cao cấp được cho là có nhiều hoạt động mua bán.

Nguồn hình ảnh, AFP/Hoang Dinh Nam

Chụp lại hình ảnh,

Bất động sản cao cấp được cho là có nhiều hoạt động mua bán.

"Dòng tiền đi vào phân khúc này cũng có nhiều nguồn khác nhau, có nguồn tiền trong sáng, lành mạnh, tiền từ làm ăn chân chính, nhưng cũng có cả những dòng tiền có được từ những hành vi bất hợp pháp, từ tham nhũng, tiêu cực, từ buôn gian bán lậu," ông Hiếu nói,

Ông Hiếu cũng nói về thực trạng dùng tiền mặt để giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn và đây là điều kiện thuận lợi giúp biến "tiền bẩn" trở thành "tiền sạch".

Chuyên gia kinh tế này cũng nói về phân khúc "BĐS nghỉ dưỡng cao cấp" như một loại hình đầu tư rất hấp dẫn và chia sẻ quan ngại của HoREA về thực trạng "kích cầu ảo" đối với sản phẩm thuộc phân khúc này có thể dẫn tới việc dư cung.

"Nếu muốn đầu tư vào phân khúc BĐS này thì phải là những người có rất nhiều tiền, hoặc phải là những nhà đầu tư có khả năng vay được tiền từ ngân hàng, đại bộ phận dân chúng có thu nhập bình dân không thể với tới được. Nói cách khác, số người giàu thật sự có thể tham gia vào phân khúc này không phải là nhiều trong xã hội.

Tiến sỹ Hiếu nói việc mua bán BĐS chính là một cách nhằm che giấu nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp, tài sản "do phạm luật" mà có nên nếu kiểm soát được các hoạt động rửa tiền trong BĐS cũng đồng nghĩa với việc giúp tăng thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam.

Cuộc phỏng vấn dành cho Vietnambiz.vn cũng bàn về hiện tượng tiền đổ tiền ra nước ngoài để mua bất động sản.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói ông cho rằng con số 3 tỷ USD được công bố mới đây chỉ là số tiền chuyển sang Hoa Kỳ để mua BĐS mà "sẽ còn nhiều số tiền như vậy được chuyển ra các thị trường khác như Úc, Singapore…"

Ông nói thêm: "Theo luật đầu tư của Việt Nam, việc chuyển tiền ra nước ngoài mua BĐS là trái pháp luật, do đó những người muốn mua nhà ở nước ngoài phải thực hiện chuyển tiền thông qua các giao dịch ngầm.

"Đối với những khối tài sản có được từ tham nhũng, từ kinh doanh bất chính, thông qua thế giới ngầm, họ có thể dễ dàng chuyển khối tài sản đó ra nước ngoài để tránh bị điều tra, thu hồi của các cơ quan chức năng.

Có quan ngại khối tài sản có được từ tham nhũng được rửa qua bất động sản tại Việt Nam để rồi tiếp tục kinh doanh hoặc chuyển ngầm tiền bẩn ra mua nhà tại nước ngoài.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Có quan ngại khối tài sản có được từ tham nhũng được rửa qua bất động sản tại Việt Nam để rồi tiếp tục kinh doanh hoặc chuyển ngầm tiền bẩn ra mua nhà tại nước ngoài.

"Chính vì vậy, theo suy đoán của tôi, số tiền trên chỉ là phần rất nhỏ trong tổng số ngoại tệ đang bị ngầm tẩu tán khỏi thị trường trong nước".

"Vì thế, cần phải đẩy mạnh thanh tra, giám sát mạnh, quyết liệt truy tìm nguồn gốc dòng tiền để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật, bảo đảm cho nền kinh tế có môi trường hoạt động lành mạnh, bền vững".

Ông Hiếu cho rằng ngay cả khi khống chế được các giao dịch BĐS thực hiện qua chuyển khoản thay vì tiền mặt thì sự ra vào của dòng tiền này cũng có thể tạo ra dòng vốn ảo, có thể gây biến động trong lĩnh vực ngân hàng, và có nguy cơ gây đổ vỡ cho nền tài chính quốc gia.