VN 2019: Cải cách được xác định là dư địa lớn cho tăng trưởng'

  • TS. Phạm Quý Thọ
  • Gửi cho BBC từ Hà Nội
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Trả lời tờ Dân trí đầu xuân Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói "cải cách được xác định chính là dư địa lớn cho tăng trưởng".

Đó là quan điểm và phương châm hành động của chính phủ kiến tạo trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2016-2021 và là cách tiếp cận cho các hành động 'bứt phá' trong năm 2019 khi tốc độ tăng trưởng GDP đang có những dấu hiệu giảm sút.

Cải cách thể chế có thể được coi là giải pháp thay thế khi nhu cầu hoạch định một chính sách tăng trưởng nhanh và bền vững ngày càng lớn trong môi trường kinh tế mới.

Chính sách tăng trưởng nóng vội trong hai nhiệm kỳ trước dựa vào các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước - 'các quả đấm thép' - đã thất bại và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế xã hội.

Ngoài sức ép cần thay đổi tư duy chủ quan, duy ý chí và từ bỏ mô hình 'tư bản nhà nước' dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì việc khắc phục hậu quả vật chất vẫn còn phức tạp và tốn kém.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm chính sách kinh tế phù hợp hơn với thực tế có ý nghĩa quan trọng cả về phương diện chính trị và kinh tế.

Các hoạt động của 'Chính phủ kiến tạo' từ đầu nhiệm kỳ này được tập trung vào vào việc thúc đẩy tự do kinh doanh và tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân bằng cách dần loại bỏ các rào cản thủ tục hành chính.

Động lực từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài đã được cởi trói, phát huy tác dụng và mang lại những kết quả nhanh chóng, rõ rệt, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế tăng dần qua 3 năm gần đây, và năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm kể từ 2008.

Năm mới, nhiều hy vọng mới?

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Năm mới, nhiều hy vọng mới?

Dấu hiệu giảm tốc

Tuy nhiên, các dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng GDP đã xuất hiện. Quý 1 năm 2018 đạt 7,45%, các quý sau đó đã giảm đi.

Các biểu hiện của thời kỳ 'bất ổn kinh tế vĩ mô' vẫn còn đó như nợ công, nợ xấu vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản khó khăn, nóng lạnh bất thường, thị trường chứng khoán giảm sút đến hơn 20% trong năm 2018, mang tính đầu cơ...

Ngoài ra, các căn bệnh cố hữu của nền kinh tế như năng suất lao động thấp, tụt hậu, chất lượng tăng trưởng thấp, không được cải thiện, phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài dựa vào giá nhân công rẻ và khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường nặng nề, tệ nạn xã hội…

Hơn thế, đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở rất cao, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp sự tham gia hội nhập kinh tế như một thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) luôn chứa đựng đan xen thuận lợi và rủi ro khó lường, đặc biệt là tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng đang leo thang.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tỷ lệ tăng GDP thế giới năm 2019 từ 3,4% xuống còn 3,2%. Các dự báo tăng GDP của Việt Nam đã 'thận trọng hơn', ở mức thấp hơn năm 2018, ở mức 6,6% - 6,7% năm 2019.

Thậm chí còn xuất hiện những cảnh báo về chu kỳ khủng hoảng 10 năm, tính từ 2008-2009.

Người dân Việt Nam hy vọng kinh tế tăng trưởng tốt

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Người dân Việt Nam hy vọng kinh tế tăng trưởng tốt

Cần chính sách dài hơi

Các hành động hiện nay của Chính phủ kiến tạo đang ứng phó với thực tế và mang tính thời điểm.

Các phương châm hành động được nhấn mạnh cho cả nhiệm kỳ như "hành động", "kiến tạo", "liêm chính", "cải cách" và 'bổ sung, điều chỉnh' cho từng năm.

Ví dụ năm 2019 là "bứt phá" về thể chế và chính sách.

Bởi vậy các hành động này thể hiện sự cam kết và quyết tâm hơn là một chính sách kinh tế ổn định.

Giả thuyết kì vọng hợp lí cho rằng chính sách kinh tế nhất thời không thể 'đánh lừa' người dân được lâu vì họ sẽ sử dụng hợp lí mọi thông tin mới có sẵn để phản ứng với các chính sách của chính phủ.

Trong điều kiện khiếm khuyết các nguyên tắc cơ bản của thị trường, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu năng, 'trên nóng dưới lạnh', vấn nạn quan liêu, tham nhũng tràn lan… các chính sách kinh tế thường méo mó, sai lệch bởi vì nhà nước can thiệp sâu trong quan hệ với thị trường.

Chính sách tài khóa và tiền tệ 'linh hoạt' thường không mang lại hiệu quả thực sự là do vấn đề xác định thời điểm, trong không ít trường hợp trở thành 'tuỳ tiện' do 'nhu cầu cấp bách' của Đảng Cộng sản trong bộ máy công quyền.

Chính sách trọng cung đang chịu áp lực cạnh tranh từ lượng cầu ngắn hạn và suy giảm.

Việc cắt giảm thuế tạm thời sẽ không thúc đẩy tiêu dùng, vì mọi người đều biết rằng họ sẽ phải trả các khoản chi phí của chính sách đó sau này. Việc tăng cung tiền sẽ chỉ dẫn đến hệ quả là lạm phát cao hơn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên.

Những bất lợi của thị trường vốn đang méo mó đang bị che giấu. Các tập đoàn tư nhân lớn có xu hướng độc quyền, chi phối thị trường.

Tính 'trục lợi' đang thiếu cơ chế kiểm soát, đang phát tác tinh vi trong các nhóm lợi ích nhiều tầng của các quan chức 'thoái hoá' - đại gia 'giấu mình'.

Các cán bộ lãnh đạo 'suy thoái' ra quyết định cũng chỉ là các tác nhân tư lợi duy lý đang cố ý tạo ra 'sân sau' và các nhà 'tư bản đỏ' cho thế hệ con cháu họ…

Trong môi trường kinh tế mới cần phải chuẩn bị một chính sách mới. Nhu cầu này càng lớn dần tính từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021.

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập đến sự cần thiết của chính sách tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thậm chí ông từng đặt hàng cho các chuyên gia, trong đó có Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ.

Tuy nhiên cho đến nay vấn đề này vẫn bỏ ngỏ. Liệu có thể có một chính sách vừa thể hiện sự khát vọng mang tính chính trị vừa tạo khuôn khổ kỹ trị cho 'Chính phủ kiến tạo' điều hành kinh tế trong điều kiện Đảng Cộng sản toàn trị và đang tập trung quyền lực?

Để có lời giải thì, trước hết, việc xác định "cải cách… chính là dư địa lớn cho tăng trưởng" là cách tiếp cận chính sách phù hợp thực tế, phù hợp phương châm cải cách 'tiệm tiến' mà lại tránh buộc phải diễn giải phù hợp với mô hình 'nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' mang nặng ý thức hệ giáo điều.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Quý Thọ từ Hà Nội.