Tăng giá điện thời điểm này có thích hợp?

Trung Khang, RFA
2019.03.22
Thodien1-960.jpg Ảnh minh họa.
Photo courtesy of EVN

Giá điện tại Việt Nam tăng thêm 8,36% từ ngày 20 tháng 3 năm 2019. Vì sao ngành điện phải tăng một tỷ lệ nhiều như vậy vào thời điểm này và sẽ gây ảnh hưởng như thế nào?

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, giá điện sau khi tăng thêm 8,36% thì giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.

Từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin liên quan vấn đề này:

“Gần ba năm vừa rồi chính phủ không có chủ trương tăng giá điện, dù yếu tố đầu vào quyết định giá thành sản xuất điện năng liên tục tăng. Vì vậy để ngành điện có thể hoạt động hiệu quả và có thể trang trải những chi phí của mình, nên giá điện năm nay bắt buộc phải tăng để kịp với những biến động cùa các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện.”

Theo Giáo sư Trần Đình Long, giá điện tại Việt Nam hiện nằm trong nhóm có giá thấp, so với các nước trong khu vực:

“Giá điện tại Việt Nam nói chung tương đối nằm trong nhóm có giá thấp, so với các nước trong khu vực. Tất nhiên là chính phủ phải cân nhắc, ví dụ như những năm trước nhà nước chưa cho phép tăng giá điện, cũng trên cơ sở tính toán cái hơn thiệt khi mà tăng giá điện so với dân sinh, so với các ngành kinh tế khác. Năm nay, chắc là tình thế bắc buộc không thể không tăng, vì vậy cho nên mới cho phép ngành điện tăng giá.”

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Điều chỉnh giá điện, nhìn từ nhiều phía”do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm 21 tháng 3 tại Hà Nội,ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho biết, sau khi điều chỉnh tăng, giá điện tại Việt Nam cũng chỉ bằng với các nước như Lào và Campuchia và bằng 91% giá điện bình quân của nhiều nước trên thế giới. Ông Tuấn cho rằng, tăng như vậy là đúng lộ trình, tuy nhiên ông cũng nhìn nhận việc tăng giá điện có thể ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính thuộc Học viện Tài chính Việt Nam thì cho rằng do đồng tiền trượt giá và chính phủ không thể bù lỗ mãi được:

“Thực tế đồng tiền của các quốc gia đều trượt giá, ngay cả đồng tiền mạnh nhất là đồng USD cũng trượt giá, rõ ràng như vậy mà hơn hai năm Việt Nam không tăng giá điện thì cũng không phải là kinh tế thị trường lắm. Mặc giù giá thành tăng lên, nhưng việc giữ giá điện cũng có nhiều lý do, trong đó chính phủ muốn giữ ổn định để tăng trưởng sản xuất. Vì không thay đổi nên giá điện của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Chính vì lẽ đó, Việt Nam phải tăng giá điện thôi, chính phủ không thể mãi bù lỗ được.”

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện
Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện
AFP

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, tại cuộc họp báo chiếu ngày 20/3 cho biết, EVN dự kiến thu thêm hơn 20 ngàn tỷ đồng từ việc tăng giá điện và số tiền này dùng để chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN... còn nợ cách đây 2 năm.

Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 3, sau khi thông tin tăng giá điện công bố, hãng tin Reuters cho rằng việc tăng giá điện có thể giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân để phát triển thêm các nhà máy điện tại Việt Nam khi thiếu vốn nhà nước, nhưng cũng có thể gây áp lực nhiều lên lạm phát.

Trước đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước ảnh hưởng lạm phát như thế nào. Cụ thể, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22/3/2019, Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice, chuyên thu mua, gia công, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, lo lắng giá điện tăng sẽ gây khó khăn rất lớn:

“Nếu tăng giá điện như vậy thì rất là ảnh hưởng và khó khăn lắm, khó khăn cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẻ bị ảnh hưởng. Ví dụ ngày xưa, em gia công gạo, em ăn 270 đồng của người thương lái mua lúa khô để về nhà máy em gia công, bây giờ giá tăng lên, em tăng giá thì người ta không chấp nhận. Nói chung là rất khó khăn cho doanh nghiệp và người thu mua.”

Người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng? Theo tính toán của Bộ Công Thương trước khi công bố tăng giá điện, mỗi hộ gia đình phải trả thêm tiền điện là từ 7.000 đồng đến 77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh.

Còn các hộ kinh doanh dùng điện theo giá kinh doanh, sau khi tăng giá phải trả thêm 500 ngàn đồng một tháng, còn hộ sản xuất phải trả thêm gần 870 ngàn đồng một tháng...

Mức tăng tăng thêm này ảnh hưởng thế nào đến người dân? Chúng tôi hỏi chuyện Anh Thanh, hiện sinh sống ở Hội An thì được anh cho biết như sau:

“Nếu mà tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến túi tiền của mình rồi. Em không kinh doanh, chỉ là nhà ở thôi, nhưng tăng giá điện thì chắc chắn phải bỏ ra vài chục nghìn mỗi tháng rồi. Tăng lên thì mình là người dân thì phải chịu thôi, chứ đâu làm gì được.”

Theo Bộ Công Thương, các yếu tố đầu vào làm tăng giá điện trong năm 2019 như giá than tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 1/1/2019 và dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019.

Giáo sư Trần Đình Long thì cho rằng, đúng ra ra theo quy luật cung cầu thì giá điện phải tăng liên tục theo mức tăng của yếu tố đầu vào làm nên giá điện. Nhưng vì chính phủ cố giữ giá điện không tăng trong thời gian gần 3 năm, vì vậy bước nhảy tăng giá lần này có hơi cao. Theo ông, nếu hàng năm cứ tăng theo biến thiên của nhiên liệu, của tỷ giá hối đoái, lạm phát… thì mỗi năm có thể chỉ tăng 3 hay 4%, tác động của nó sẽ nhẹ nhàng hơn.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 17/1/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cho các bộ, ngành, địa phương điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 3,3-3,9%, bảo đảm kiểm soát chỉ số này dưới 4%, bên cạnh đó, tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản là khoảng 1,6-1,8%”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng tăng giá điện có thể ảnh hưởng rất lớn đến chỉ tiêu giảm lạm phát và giữ lạm phát mà chính phủ và quốc hội đã đề ra trong năm tài chính 2019 này.

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng còn nhiều vấn đề liên quan chuyện tăng giá điện lần này và có một số nhân tố chưa thật sự hợp lý, như việc công khai hơn nữa đầu ra, đầu vào của sản xuất điện. Theo ông, mặc dù ngành điện đã có công khai rồi nhưng một số chuyên gia cho rằng việc công khai minh bạnh vẫn chưa cao.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.