Paris tiếp tục có biểu tình bạo động chống chính phủ

Nhiều xe hơi bị phóng hỏa

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh, Nhiều xe hơi bị phóng hỏa

Cảnh sát ở Paris bắn hơi cay vào người biểu tình với làn sóng chống chính phủ có bạo động vào cuối tuần thứ tư.

Các cuộc đụng độ diễn ra sau khi có tới 8.000 người biểu tình tập trung tại trung tâm thành phố. Hơn 500 người đã bị bắt giữ.

Cảnh sát nói với BBC rằng 30 người trong đó có ba cảnh sát đã bị thương ở thủ đô.

Phong trào "áo vàng" phản đối việc tăng thuế xăng dầu nhưng các bộ trưởng nói rằng các cuộc biểu tình đã bị thành phần phản đối "rất bạo lực" lợi dụng.

Khoảng 8.000 cảnh sát và 12 xe bọc thép đã được điều tới Paris và gần 90.000 cảnh sát được huy động trên toàn quốc.

Tuần trước, hàng trăm người bị bắt và bị thương trong các cuộc biểu tình có bạo động ở Paris - một số vụ đụng độ đường phố được xem là tồi tệ nhất ở thủ đô nước Pháp trong nhiều thập niên.

AFP

Nguồn hình ảnh, AFP

Tháp Eiffel ở Paris đóng cửa vào thứ Bảy và cảnh sát đã kêu gọi các cửa tiệm và nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees của Paris đóng cửa và một số viện bảo tàng cũng sẽ đóng cửa.

Nhưng sự bất mãn rộng lớn hơn với chính phủ đã lan rộng và các cuộc biểu tình đã tiếp tục nổ ra trên các vấn đề khác ngoài thuế xăng dầu.

Những người biểu tình là ai?

Những người biểu tình "áo vàng", được đặt tên như vậy vì họ xuống đường phố mặc quần áo màu vàng có thể nhìn thấy rõ từ xa, ban đầu phàn nàn về thuế dầu diesel tăng mạnh.

Tổng thống Macron cho biết động lực của ông trong việc tăng giá là vì môi trường, nhưng những người biểu tình cáo buộc ông không nắm rõ được sinh hoạt của dân.

Chính phủ sau đó đã loại bỏ kế hoạch tăng giá xăng, nhưng những người biểu tình áo vàng vẫn không được xoa dịu. Tuần trước, phong trào này - mặc dù thiếu lãnh đạo trung ương - đã đưa ra hơn 40 yêu sách cho chính phủ.

AFP

Nguồn hình ảnh, AFP

Trong số đó có lương hưu tối thiểu, cải tổ rộng rãi hệ thống thu thuế và giảm tuổi nghỉ hưu.

Phong trào biểu tình lan tỏa mạnh qua các phương tiện truyền thông xã hội, thu hút được người từ mọi thành phần tham gia từ phía đối lập chính phủ cực tả đến phía theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, và những người ở giữa.