19/12/2018 11:40 GMT+7

Đào tạo khởi nghiệp chưa hiệu quả

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng phong trào khởi nghiệp trong sinh viên thời gian qua chưa thực sự hiệu quả do thiếu sự gắn kết trong đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Đào tạo khởi nghiệp chưa hiệu quả - Ảnh 1.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp 2018 khu vực phía Nam - Ảnh: M.G.

Theo Báo cáo chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) được công bố ở hội thảo "Khởi tạo doanh nghiệp cho sinh viên các trường ĐH, CĐ tại TP.HCM" do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức sáng 18-12, tỉ lệ người có ý định khởi nghiệp ở VN năm 2017 là 25%, xếp thứ 19/54 quốc gia tham gia đánh giá, tăng so với tỉ lệ 22,3% năm 2015.

Nhiều nơi mới chỉ là cảm xúc nhất thời

Phát biểu tại hội thảo, ThS Trẩm Bích Lộc, Trường ĐH Sài Gòn, nhận định năm 2016 được Chính phủ chọn làm Năm quốc gia khởi nghiệp và từ đó đến nay, làn sóng khởi nghiệp ở VN phát triển cực kỳ mạnh mẽ. 

Theo số liệu thống kê vào tháng 3-2017, cả nước có khoảng 1.500 công ty khởi nghiệp, tính bình quân trên đầu người thì VN đứng trên cả Trung Quốc, Ấn Độ.

Chính phủ đã có hàng loạt quyết định quan trọng liên quan đến khởi nghiệp. Trong đó quyết định 1665 phê duyệt đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025". 

Các trường ĐH đã chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên. Rất nhiều hội thảo, cuộc thi dành cho sinh viên để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học... 

Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả cao, sinh viên được truyền cảm hứng nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy, khó đưa vào thực tế.

Các đại biểu đưa ra nhiều nguyên nhân của việc này, trong đó tập trung vào các yếu tố: sự hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đến thực tập hoặc doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên trường, hỗ trợ trường mua thiết bị... Điều này khiến những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao. 

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được nhiều trường chú trọng, dẫn đến các giảng viên hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy chứ chưa có nhiều động lực trong nghiên cứu, khiến việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng bị xem nhẹ.

Cần gắn kết nhà trường - doanh nghiệp

Theo bà Huỳnh Diệp Trâm Anh - Trường ĐH Văn Hiến, khi khởi nghiệp sinh viên gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như làm sao kiểm định được ý tưởng kinh doanh có khả thi, kế hoạch hành động rõ ràng, khả năng huy động vốn cao, quản lý dòng tiền rõ ràng, quản trị nhân lực, chăm sóc khách hàng... 

Còn ông Trần Ngọc Chu, phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng việc xây dựng và phát triển môi trường đào tạo khởi nghiệp tại các trường ĐH, CĐ để giáo dục kiến thức, tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên, trao cho sinh viên nhiều cơ hội khởi nghiệp là một trong những yêu cầu cần thiết đối với hệ thống giáo dục hiện nay.

Ông Chu đề xuất nhà trường nên có những chính sách, cơ chế về hình thức, nội dung, đãi ngộ và khuyến khích sự hợp tác từ doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường đào tạo khởi nghiệp. 

Nhà trường cũng nên chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ (cũng như sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức) của doanh nghiệp; mở rộng và đa dạng hóa các khóa đào tạo, tọa đàm tư vấn về khởi nghiệp; giúp đỡ, hỗ trợ sinh viên trong việc khởi sự hoạt động kinh doanh của mình...

Thương mại hóa nghiên cứu khoa học

Bà Trẩm Bích Lộc đề xuất các trường ĐH cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác với các doanh nghiệp.

Trong đó cần cố gắng xây dựng mô hình để thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ giữa trường ĐH và doanh nghiệp.

Khi kết quả nghiên cứu khoa học có thể đem lại lợi nhuận và mang tính ứng dụng mới khuyến khích các nhà nghiên cứu tích cực hơn nữa trong việc tìm ra cái mới, nhiệt huyết hơn trong việc hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên, cũng như giúp trường ĐH nâng cao uy tín của mình trong mắt các doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Điều này không chỉ giúp việc hợp tác với doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tương lai, mà còn tạo động lực cho sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp.

Những cái khó sinh viên phải đối mặt khi khởi nghiệp sáng tạo Những cái khó sinh viên phải đối mặt khi khởi nghiệp sáng tạo

Tài chính và pháp lý đang là vấn đề khó khăn nhất trong khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên