Phỏng vấn Đại diện Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền tại LHQ về Tiền Hội nghị UPR ở Genève

Ỷ Lan
2018.12.14
sonia111_960.jpg Bà Sonia Tancic, Trưởng Văn phòng Thường trực FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève
Courtesy Sonia Tancic

Tuần lễ này trong vòng 3 ngày, các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ đến trụ sở LHQ ở Genève hoạt động, chuẩn bị cho kỳ kiểm điểm UPR sắp tới vào khoá họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 22 tháng giêng năm 2019. Trong 3 ngày này nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận, hội luận được tổ chức nhằm báo động các thành viên quốc gia LHQ về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xẩy ra tại Việt Nam.

Đặc biệt tuần trước đây, nhà cầm quyền Hà Nội gửi lên LHQ bản Phúc trình UPR lần 3 và tuyên bố đã thực hiện 96,2% các khuyến thỉnh mà kỳ UPR bốn năm trước đây đưa ra. Ngược lại, các phúc trình, báo cáo, phản bác của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự đưa ra gần đây, thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam bốn năm qua đang xuống dốc từ xấu đến tồi tệ.

Để nắm vững vấn đề, chúng tôi tìm hỏi chị Sonia Tancic, Trưởng Văn phòng Thường trực FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève, vốn đã gặp gỡ trên 40 Phái đoàn Chính phủ. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây :

---------------

Ỷ Lan : Thưa chị Sonia Tancic, là Trưởng Văn phòng Thường trực FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève. Trong mấy ngày vừa qua mọi hoạt động nhân quyền ở đây tập trung vào biến cố UPR, tức Kiểm điểmThường kỳ Phổ Quát, Việt Nam lần thứ 3. Xin chị vui lòng giải thích UPR là gì? Tầm quan trọng của UPR như thế nào ?

Sonia Tancic : Vâng, UPR là cơ chế LHQ kiểm soát các quốc gia thành viên trong thế giới thực thi nhân quyền ở nước mình như thế nào. Áp dụng mỗi 4 năm cho mỗi quốc gia. Tháng giêng năm 2019 là tới phiên Việt Nam. Đây sẽ là lần thứ 3 Việt Nam được kiểm điểm theo cơ chế UPR. Tại cuộc kiểm điểm này, các quốc gia khác trong thế giới sẽ đưa những lời khuyến thỉnh cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.

Ỷ Lan : Nếu UPR thực hiện đầu năm tới, thì tại sao ngay lúc này đã sôi động suốt mấy ngày qua ?

Sonia Tancic : Cơ chế UPR dành cho các quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự không được quyền phát biểu tại khoá họp tháng Giêng tới. Vì vậy mà một tiền hội nghị được tổ chức tại Genève là cơ hội cho các xã hội dân sự gặp gỡ, tiếp xúc với các phái đoàn chính phủ đến từ khắp thế giới để chia sẻ mối quan tâm về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và thúc đẩy các quốc gia nầy lên tiếng tại khóa họp kiểm điểm UPR chính thức đầu năm tới.

Rất quan trọng những cuộc gặp gỡ đầu tiên này với các chính phủ. Bởi vì họ cũng đang chuẩn bị những câu hỏi và những lời khuyến thỉnh đặt ra cho Việt Nam vào khoá họp tháng giêng. Đây là một quá trình dài hơi vì họ phải thu tập các thông tin từ các Đại sứ quán của họ tại Việt Nam nếu có, và tại Phái đoàn thường trực ở LHQ, rồi chuyển ngay các thông tin về thủ đô nước họ, nơi chính phủ sẽ định đoạt những đề mục ưu tiên mà nước họ sẽ phải lên tiếng. Đây là lý do tối quan trọng cho các xã hội dân sự cung cấp cho các chính phủ những nhập liệu bổ sung vào giai đoạn này, để thỉnh cầu các bước cụ thể mà Việt Nam cần cải thiện tình hình nhân quyền.

Khóa họp thứ 22 Hội đồng Nhân quyền UN ở Geneva hôm 25/2/2013
Khóa họp thứ 22 Hội đồng Nhân quyền UN ở Geneva hôm 25/2/2013
AFP

Ỷ Lan : Như vậy thì FIDH, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, làm gì trong tuần này ?

Sonia Tancic : Tuần này, cùng với thành viên của chúng tôi là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, chúng tôi tiếp xúc các thành viên thuộc 40 Phái đoàn Chính phủ, cung cấp cho họ những phúc trình và những tài liệu vi phạm nhân quyền do chúng tôi phát hiện, kèm theo các điểm khuyến thỉnh cho sự thay đổi chính sách nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, dân quyền, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, và văn hoá. Chúng tôi thảo luận với các phái đoàn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam theo chứng liệu do Uỳ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cung cấp, đặc biệt kể từ cuộc Kiểm điểm UPR năm 2014, mà trọng tâm nhắm vào tự do biểu đạt, tư do tôn giáo tín ngưỡng, tự do báo chí, thiếu sự hợp tác với các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ, và nhiều đề mục khác… Chúng tôi yêu cầu phái đoàn xướng lên những vấn đề uu tiên này với chính phủ Việt Nam trong kỳ Kiểm điểm UPR sắp tới.

Ỷ Lan : Những thông tin gì đã cung cấp cho các phái đoàn chính phủ ?

Sonia Tancic : Vào tháng 7 vừa qua, FIDH và VCHR, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã cung cấp cho LHQ một bản Báo cáo về hầu hết các thảm nạn nhân quyền quan trọng tại Việt Nam. Thêm vào đó, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã cho ấn hành một Phúc trình mang tên « Không gian khép kín » đưa ra một loạt chứng liệu cụ thể cho thấy bằng cách nào nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường đàn áp, sách nhiễu, giam cầm các nhà hoạt động xã hội dân sự và sử dụng pháp luật để giảm thiểu không gian hoạt động của các xã hội dân sự kể từ cuộc kiểm điểm UPR bốn năm trước.

Phúc trình phân tích những pháp luật giới hạn mới được Việt Nam thông qua, như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật An ninh Mạng, Luật Hình sự sửa đổi đã không cắt bỏ các điều luật trong chương « an ninh quốc gia », ngoại trừ thay đổi tên số các điều luật, vân vân.

Ỷ Lan : Các Phái đoàn chính phủ đã phản ứng ra sao về thông tin này?

Sonia Tancic : Họ rất đáp ứng với những điều chúng tôi quan tâm nêu ra. Đa số các Phái đoàn Chính phủ chia sẻ sự quan tâm với chúng tôi, thực tế thì họ đã từng lên tiếng trước đây với Việt Nam. Các phái đoàn tỏ ra không hài lòng với sự thờ ơ của Việt Nam không thực hiện các khuyến cáo của chính phủ họ, và cho biết sẽ lập lại những khuyến cáo này trong kỳ UPR sắp tới và nhấn mạnh đến thành quả cu thể. Thật là quan trọng khi các chính phủ duy trì lời họ cam kết và tiếp tục tạo áp lực lên Việt Nam để cải thiện tình trạng nhân quyền hiện nay.

Ỷ Lan : Xin chị câu hỏi chót, FIDH đã bỏ nhiều thời gian cho sự cải tiến nhân quyền tại Việt Nam, nhìn chung thì chị đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam như thế nào?

Sonia Tancic : Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội. Vì vậy chúng ta muốn sử dụng cơ hội này nói rõ cho các chính phủ rằng, sự thay đổi phấn son trên bề mặt mà chính phủ Việt Nam khoe khoang, thì trên nền tảng cụ thể, chẳng sánh được chút nào với sự thay đổi đầy ý  nghĩa cho nhân dân Việt Nam.

Ỷ Lan : Xin cám ơn chị Sonia Tancic

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.