Venezuela hủy quan hệ ngoại giao với Mỹ

Citizens raise their hands as Juan Guaido, President of the Venezuelan Parliament, announces that he assumes executive powers

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Ông Guaidó tuyên bố ông là tổng thống tạm quyền của Venezuela

Venezuela tuyên hủy bỏ quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ngay sau khi tổng thống Donald Trump nói 'chính thức thừa nhận' lãnh đạo đảng đối lập, ông Juan Guaido, là tổng thống tạm quyền của Venezuela.

Đáp lại sự công nhận của ông Trump về nhà lãnh đạo phe đối lập, ông Maduro đã phá vỡ quan hệ ngoại giao với Mỹ và cho nhân viên ngoại giao 72 giờ để rời Venezuela.

Ông cáo buộc Washington cố gắng cai trị Venezuela từ xa và nói rằng phe đối lập đang tìm cách đảo chính.

"Chúng tôi đã bị can thiệp đủ rồi, ở đây chúng tôi có nhân phẩm, chết tiệt!" ông Maduro phát biểu trên truyền hình từ dinh tổng thống.

Venezuelans hold a sign during a protest called by the Venezuelan community against President Maduro

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Tens of thousands of people have been demonstrating against President Maduro

Biên tập viên người Mỹ Latinh của BBC, Candace Piette nói rằng ông Maduro đã làm việc chăm chỉ để giữ cho mình vai trò lãnh đạo quân sự, và trao cho quân đội các chức vụ quan trọng của chính phủ và cung cấp các hợp đồng dịch vụ khai thác dầu mỏ cho các công ty liên kết với quân đội.

Khoảng 13 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm thứ Tư, theo nhóm nhân quyền Venezuelan Observatory of Social Conflicts.

Cũng có một số cuộc biểu tình của phe ủng hộ ông Maduro, nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều.

Trước đó vào thứ Tư, ông Guaidó nói với những người ủng hộ ở Caracas rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục "cho đến khi Venezuela được giải phóng".

"Tôi thề sẽ chính thức đảm nhận quyền lực hành pháp quốc gia với tư cách là tổng thống," ông nói.

Ông Guaidó, Chủ tịch Quốc hội, kêu gọi các lực lượng vũ trang - người từ trước đến nay ủng hộ ông Maduro - không tuân theo chính phủ.

Nhưng bộ trưởng quốc phòng Venezuela lên án ông Guaidó, người đã hứa sẽ lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử tự do.

Mỹ nói gì?

Trong một bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả sự lãnh đạo của ông Maduro là "bất hợp pháp" và nói rằng quốc hội là "nhánh hợp pháp" duy nhất ở chính phủ nước này.

"Người dân Venezuela đã can đảm lên tiếng chống lại Maduro và chế độ của ông ta và đòi tự do và luật pháp," ông Trump nói.

Bài phát biểu của ông Trump cũng cho hay Hoa Kỳ sẽ buộc chế độ của ông Maduro phải "chịu trách nhiệm trực tiếp" đối với bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự an toàn của người dân Venezuela.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bác bỏ động thái của ông Maduro nhằm cắt đứt quan hệ với Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ không công nhận ông là lãnh đạo và thay vào đó sẽ tiến hành quan hệ "thông qua chính phủ của Tổng thống lâm thời Guaidó".

Ông Pompeo kêu gọi quân đội Venezuela hỗ trợ các nỗ lực khôi phục nền dân chủ và nói rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ông Guaidó trong nỗ lực thành lập chính phủ.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cũng cho biết "tất cả các lựa chọn đều đã được đặt trên bàn" và đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn có thể được áp dụng đối với Venezuela.

Trong bài phát biểu, ông Trump cũng kêu gọi các quốc gia khác làm theo để ủng hộ ông Guaidó.

Cho đến nay, bảy quốc gia Nam Mỹ - Brazil, Colombia, Chile, Peru, Ecuador, Argentina và Paraguay - đã làm như vậy.

Canada cũng đã lên tiếng ủng hộ ông Guaidó, trong khi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nói ông hy vọng EU sẽ "đoàn kết ủng hộ các lực lượng dân chủ".

Nhưng Mexico, Bolivia và Cuba lại bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Maduro.

Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng đã công nhận ông Guaidó là chủ tịch.

"Chúng tôi xin chúc mừng @jguaido với tư cách là Chủ tịch của #Venezuela," Tổng thư ký Luis Almagro nói trong một tweet.

Năm 2017, Venezuela tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này và cáo buộc OAS can thiệp vào các vấn đề nội bộ.

Thách thức lớn nhất của Maduro

Jonathan Marcus, Phóng viên Đối ngoại BBC

Một số quốc gia Mỹ Latinh đã theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ, bày tỏ sự bất bình đối với một chế độ đã gây ra nhiều vấn đề tại Venezuela.

Câu hỏi là điều gì xảy ra tiếp theo? Chính quyền Trump có kế hoạch chặt chẽ để tăng áp lực lên chế độ Maduro - như đóng băng tài sản hay không? Cuộc khủng hoảng đơn giản có thể dẫn đến một biến cố lớn hơn cho người dân Venezuela.

Điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào cách quân đội Venezuela ứng biến thế nào. Hiện tại, các tướng có thể đang ủng hộ chế độ hiện tại. Nhưng cấp dưới sẽ vẫn trung thành với ông Maduro hay họ sẽ chú ý đến tình trạng bất ổn đang gia tăng trong nước và những tiếng nói mạnh mẽ từ nước ngoài?

Juan Guaidó là ai?

Venezuela"s National Assembly head Juan Guaido speaks to the crowd during a mass opposition rally

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Ông Guaidó tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập Venezuela kể từ khi trở thành Chủ tịch Quốc hội

Ông Guaidó là một nhân vật tương đối xa lạ cho đến khi ông trở thành Chủ tịch Quốc hội Venezuela hồi đầu tháng này.

Khi đảm nhận vai trò này, ông nói rằng ông có quyền lập hiến để đảm nhận chức tổng thống cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Khi còn là sinh viên, ông đã lãnh đạo các cuộc biểu tình chống lại nguyên lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez, người đã chọn ông Maduro làm người kế vị.

Việc bổ nhiệm ông làm lãnh đạo Quốc hội đã tiếp thêm sinh lực cho phe đối lập, vốn đã bị phân rẽ trong những năm gần đây.

Phe đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2015, nhưng năm 2017, ông Maduro đã thành lập một cơ quan riêng nắm quyền lực lập pháp.

A graph showing inflation rates going up in 2018