Kiểu nhân viên có thể làm cho doanh nghiệp phá sản

  • David Robson
  • BBC Worklife
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Quá tự tin có thể đẩy ta đến hành động hoặc suy nghĩ nguy hiểm, và sự kiêu ngạo đó cũng có thể lây lan sang người khác như đám cháy.

Vào cuối thập niên 1980, nhà tâm lý học James Reason muốn hiểu về cách suy nghĩ lệch lạc trong tai nạn giao thông.

Ông ra đường và đến các bãi giữ xe siêu thị ở khu vực Manchester, Anh Quốc để hỏi khoảng 520 tài xế, nhờ họ ước tính số lần họ phạm lỗi rõ ràng. Chẳng hạn, họ có thường quên không kiểm tra gương chiếu hậu không? Hay họ đã chọn sai làn đường khi đến giao lộ?

Ngoài những lỗi và vi phạm, người tham gia khảo sát cũng được yêu cầu đánh giá khả năng lái xe của họ so với người khác - tốt hơn hay dở hơn so với mức trung bình.

Nếu tính đến thời gian mọi người ngồi sau tay lái, bạn có thể hy vọng rằng hầu hết tài xế ít nhất sẽ có chút ý thức về khả năng lái xe của họ.

Nhưng Reason nhận thấy điều này có thể khác xa sự thật. Trong 520 tài xế, chỉ có năm người cho rằng họ lái dở hơn mức trung bình - tức là chưa đến 1%. Số còn lại - ngay cả những tài xế thực sự khéo léo cũng thường xuyên phạm lỗi - đều tự coi họ lái xe ít nhất cũng tốt bằng người bên cạnh, và nhiều người nghĩ rằng họ lái tốt hơn nhiều.

Chủ yếu đây là ảo tưởng của đám đông, khiến họ hoàn toàn không thấy sai lầm của bản thân.

Ba thập niên sau, các nhà tâm lý học đã ghi nhận mức độ ảo tưởng tương tự về sự tự tin trong rất nhiều kiểu tính cách và năng lực.

Ta có xu hướng nghĩ rằng ta thông minh hơn, sáng tạo hơn, khỏe mạnh hơn, đáng tin cậy hơn, thận trọng, trung thực và thân thiện hơn người khác (hiện tượng "hiệu ứng tốt hơn mức trung bình").

"Bằng chứng cực kỳ mạnh mẽ - thậm chí là mạnh mẽ khác thường," Ethan Zell, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học North Carolina, Greensboro, cho biết. Ông là người từng tiến hành một phân tích chi tiết về các nghiên cứu hiện có.

Sức mạnh của hiệu ứng này khiến nó được yêu thích trong lớp học, ông nói. "Cơ bản nó không bao giờ sai. Nếu bạn cho mọi người thực hiện một bảng hỏi trong đó họ có thể tự đánh giá bản thân so với mức trung bình, hầu hết mọi người trong lớp đều nghĩ trong mọi lĩnh vực họ đều trên mức trung bình."

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Hầu hết tài xế đều quá tự tin, và đánh giá không chính xác về khả năng lái xe của họ - sự thiển cận đó có thể gây ra tai nạn giao thông

Hệ quả có thể nghiêm trọng. Như giáo sư Reason từng chỉ ra, quá tự tin với kỹ năng lái xe có thể dẫn đến việc mạo hiểm khi tham gia giao thông và gây ra tai nạn nghiêm trọng.

Trong ngành y, tính cách này có thể dẫn đến lỗi chẩn đoán chết người. Trong nghề luật, điều này có thể dẫn đến cáo buộc sai lệch và phán xét không công tâm. Và trong kinh doanh, sự ngạo mạn trong quản lý đẩy công ty vào nguy cơ phạm tội gian lận và dễ phá sản hơn.

Cũng không có gì ngạc nhiên lắm, bởi sự tự tin quá mức thường được gọi là "cha đẻ của định kiến". Nhà khoa học đoạt giải Nobel, Daniel Kahneman nổi tiếng từng tuyên bố rằng nếu ông có đũa phép thần kỳ có thể thay đổi một thứ trong tâm lý con người, ông sẽ xóa bỏ phức cảm thượng đẳng của con người.

Nay, một nghiên cứu mới thú vị do Joey Cheng, phó giáo sư tâm lý từ Đại học York thực hiện, cho thấy quá tự tin có thể lây lan.

"Nếu bạn thường tiếp xúc với người quá mức tự tin, bạn nhiều khả năng sẽ đánh giá quá cao vị trí tương ứng của bản thân," bà giải thích. Đó là xu hướng có thể gây ra suy nghĩ nhầm lẫn nguy hiểm và có thể lây lan cho cả nhóm làm việc.

Lây thói ngạo mạn

Cheng cho biết bà lấy cảm hứng từ những giai thoại về hành vi ở Phố Wall, nơi sự ngạo mạn hiện diện đầy rẫy. "Khi bạn đến các lĩnh vực khác như giáo dục, bạn không thường thấy giáo viên được mô tả như vậy".

Sự khác biệt này khiến bà tự hỏi liệu có phải nhóm người nào đó có thể được khuyến khích phát triển cái tôi khoa trương trong những người khác.

Một số nghiên cứu trước đây cũng gợi ý về khả năng này, cho thấy sự tự tin quá mức của nhân viên ngân hàng thường tăng lên cùng với thời gian họ hành nghề - điều này có lý, nếu họ "học theo" hành vi từ đồng nghiệp - nhưng Cheng muốn thử nghiệm ý tưởng này trong phòng thí nghiệm.

Thí nghiệm của bà có hai giai đoạn. Từng người một, những người tham gia được yêu cầu xem ảnh mặt người khác và cố gắng đoán một số tính cách khác nhau dựa trên biểu hiện gương mặt - đây là việc một số người có thể làm với sự chính xác ở mức độ nào đó. Để đo lường sự tự tin của họ, người tham gia được yêu cầu đánh giá về bản thân họ so với toàn bộ nhóm.

Sau đó, người tham gia phải thực hiện nhiệm vụ tương tự theo từng cặp, rồi sau đó họ sẽ được hỏi lại lần nữa đánh giá ra sao về bản thân. Cách này giúp bà thấy liệu sự ngạo mạn của một người có thể lây sang người khác hay không.

Quả nhiên, bà nhận thấy người tham dự khiêm tốn có xu hướng tăng điểm đánh giá của họ hơn nhiều sau khi họ được xếp chung nhóm với một người quá mức tự tin. "Khá ấn tượng," bà Cheng nhận định.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Trong một số ngành nghề, nơi sự vênh váo được coi là biểu hiện của sức mạnh, sự tự tin quá mức đặc biệt dễ lây lan

Kết quả của thí nghiệm thứ hai thậm chí ấn tượng hơn nữa. Một lần nữa, người tham gia phải thực hiện nhiệm vụ đoán xem cân nặng của một người qua ảnh. Tuy nhiên, lần này người tham dự không làm việc theo nhóm mà được xem một số phản hồi từ người tham dự khác.

Trong thực tế, những phản hồi này đều là giả, qua đó Cheng tạo ra một nhân vật rõ ràng là tự lừa phỉnh bản thân. Chẳng hạn như nhân vật đó đánh giá người khác là nằm trong nhóm 10% thấp nhất - thấp hơn nhiều so với mức trung bình - nhưng lại tự đánh giá mình thuộc nhóm 1/4 đứng đầu.

Lẽ ra người tham gia có thể xem sự tự tin quá mức của người khác trong trường hợp này là dấu hiệu cảnh báo. Vậy nhưng, thay vào đó thì họ đơn giản là bắt chước hành vi này.

Tiếp xúc với người tự tin quá trớn đã thổi phồng sự tự đánh giá bản thân của người ta lên khoảng 17%. Điều này trái ngược với những người xem hồ sơ của người tham dự thật - họ có xu hướng đánh giá thấp bản thân hơn mức độ thực tế khoảng 11%.

Trong các thử nghiệm xa hơn, Cheng xác nhận là sự ảo tưởng thượng đẳng xuất hiện ở một người sẽ có thể lây lan sang người khác - như "dòng thác" tràn vào cả nhóm, thông qua một nguồn duy nhất.

Bà cũng ghi nhận "hiệu ứng tràn đầy", khi bạn quá mức tự tin trong một lĩnh vực, bạn có thể trở nên ngạo mạn hơn trong lĩnh vực khác.

Tệ hơn nữa là hệ quả có thể xảy ra lâu dài sau thời gian tiếp xúc- chỉ vài phút tiếp xúc với người ngạo mạn có thể làm lệch lạc khả năng đánh giá của một người nhiều ngày sau đó.

Zell rất ấn tượng với kết quả nghiên cứu. "Tôi nghĩ nghiên cứu rất thú vị và được tiến hành thấu đáo, giúp ta hiểu ngọn nguồn của sự tự tin thái quá và vì sao nó trở nên rõ hơn trong một số nhóm so với các nhóm khác," ông cho biết.

Ông nghi rằng nó trỗi dậy từ thói thường của xã hội. "Việc chứng kiến người khác thể hiện hành vi tự tin thái quá có thể khiến cho con người ta coi hành vi này là có vẻ có giá trị văn hóa hoặc dễ chấp nhận hơn."

Cơ chế bí ẩn

Kết quả từ nghiên cứu của Cheng phù hợp với rất nhiều nghiên cứu khác về sự thích nghi, bao gồm cả ký ức về một sự kiện nhiều người tham dự, quan điểm về cái đẹp và ý kiến chính trị của ta. "Thông qua việc tiếp xúc với người khác, bạn nhiều khả năng sẽ tiêm nhiễm cách ứng xử và suy nghĩ của họ," bà giải thích.

Bà cũng cho biết thêm điều này cũng dễ tưởng tượng trong không gian công sở. "Ví dụ bạn là nhân viên tài chính ngân hàng. Bạn khá là chừng mực khi mới bước vào nghề, nhưng càng làm việc lâu trong môi trường đó, bạn sẽ thấy một số người có xu hướng khoa trương, và họ có kiểu thể hiện cực kỳ tự tin khi nói chuyện và ngôn ngữ cơ thể. Và đến lượt bạn, bạn sẽ sao chép một chút của người đó."

Trong nghiên cứu của bà, Cheng dẫn trường hợp công ty năng lượng Enron có thể là ví dụ điển hình cho thấy cơ chế này có thể trở nên đầy rẫy trong doanh nghiệp.

Tập đoàn này một thời từng là công ty lớn thứ bảy ở Mỹ, nhưng đã công bố phá sản năm 2001 sau nhiều báo cáo về tình trạng gian lận và tham nhũng lan rộng. "Văn hóa ngạo mạn" của Enron giờ đây cực kỳ nổi tiếng, mà một cựu nhân viên cho biết, "không nghi ngờ gì nhân viên của Enron ngạo mạn nghĩ rằng họ thông minh hơn tất cả mọi người."

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Nếu bạn tiếp xúc với một người quá mức tự tin, sau đó bạn có thể dễ đánh giá quá cao về vị trí của bản thân

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một phần trong [sự tự tin thái quá] có thể xuất phát từ hiệu ứng lây lan xã hội," Cheng cho biết. "Và điều đó có thể khiến nhiều người làm theo những hành vi đáng ngờ dẫn dến sự sụp đổ của công ty."

Với những kết quả nghiên cứu này, Cheng khuyến nghị các tổ chức hãy suy nghĩ lại về những kiểu hành vi mà họ đang đánh giá cao ở nhân viên.

"Giới lãnh đạo và các nhà quản lý cần phải rất chín chắn trong hiệu ứng mà một số nhân viên tác động đến người khác, vì sự tự tin quá mức của họ có thể lan rộng."

Phát hiện này cũng có thể giúp cung cấp thông tin cho quá trình tuyển dụng. Bên cạnh thái độ thực tế về bản thân, những nhân viên khiêm tốn hơn cũng có thể kiềm chế sự tự tin thái quá của cả nhóm. "Họ có thể giúp kéo cả nhóm trở về với hiện thực."

Ở mức độ cá nhân, ít nhất bạn có thể chú ý hơn đến thái độ của riêng bạn - trong đó có cả quan điểm của bạn về kỹ năng lái xe.

Bất cứ lúc nào khi bạn tâng bốc kỹ năng của bản thân mà không có căn cứ, bạn có thể đang tạo ra làn sóng tự tin thái quá lan rộng ra các mối quan hệ xã hội, vô tình tạo ra ảo tưởng trong đám đông mà James Reason đã ghi nhận nhiều năm trước.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.