Dịch Covid-19: Gói hỗ trợ của Việt Nam và các nước hiệu quả đến đâu?

  • Michael Nguyễn
  • Gửi cho BBC từ Singapore
Chính phủ Mỹ phát tiền trực tiếp cho người dân để chi tiêu, mua sắm trong mùa dịch Covid-19

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Chính phủ Mỹ phát tiền trực tiếp cho người dân để chi tiêu, mua sắm trong mùa dịch Covid-19

Trong tuần này, nhiều quốc gia tiếp tục công bố thêm các gói hộ trợ tài chính cho dân chúng và các doanh nghiệp, mặc dầu tại thời điểm này dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, giãn cách xã hội đã được nới lỏng.

Trong ngày 26/5, chính phủ Singapore công bố gói hỗ trợ tài chính thứ Tư - Fortitude Package, trị giá 33 tỷ SGD. Mục tiêu thứ nhất: Bơm thêm tiền hỗ trợ cho người lao động và cư dân thêm 1 tháng nữa so với kế hoạch, và mục tiêu thứ hai, quan trọng hơn: Giúp chuyển nền kinh tế dịch vụ sang nền tảng số hóa (digital based). Tổng giá trị các gói hỗ trợ của Singapore đến nay là 99 tỷ SGD, bằng 20% GDP nước này.

Chính phủ hoàng gia Cambodia công bố gói hỗ trợ thứ Tư, tuy chưa nêu giá trị cụ thể song căn cứ vào phạm vi điều chỉnh của nó, thì cũng đến số tỷ USD. Quan trọng nhất là gói hỗ trợ này sẽ thiết lập Quỹ đảm bảo tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp.

Chính phủ Nhật, cùng ngày 26/5 tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp sớm hơn một tuần, và tung ra gói hỗ trợ thứ hai, trị giá hơn 1000 tỷ USD. Tổng giá trị các gói hỗ trợ từ trước đến nay của Nhật đã lên đến 40% của GDP Nhật.

Chính phủ Việt Nam từ tháng Ba đã công bố các gói hỗ trợ gồm: Gói chính sách tiền tệ trị giá 250 ngàn tỷ đồng (trên 10 tỷ USD); Gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62 ngàn tỷ đồng (2,7 tỷ USD); Gói chính sách tài khóa trị giá 180 ngàn tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD). Nhưng hiệu quả thực sự của các gói cứu trợ này thực sự ra sao?

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại một cuộc họp của ủy ban ngân sách chính phủ. Quốc hội Nhật duyệt chi thêm 25,69 ngàn tỷ Yen năm tài chính 2020 để chi cho các biện pháp chống dịch Covid-19

Người dân hay doanh nghiệp

Với các nước áp dụng phong tỏa, các gói hỗ trợ được cho là một liều thuốc vừa là an thần, vừa là trợ tim cho một cơ thể bị buộc phải nằm im một chỗ, không hoạt động trong thời gian ngắn hạn.

Gói hỗ trợ không được thiết kế để đẩy mạnh nền kinh tế hơn so với bình thường, mà chỉ để giúp nó sống sót. Có những ngoại lệ, dành cho các chính phủ thông minh và nền kinh tế linh hoạt như Singapore lợi dụng "tát nước theo mưa" để chuyển nền kinh tế dịch vụ sang số hóa (digital).

Từ Châu Á đến Châu Mỹ, nơi các quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa để chống Covid-19, các doanh nghiệp, chính phủ các nước này hoặc phải rút dự trữ tích lũy từ nhiều năm trước, hoặc đi vay, để đưa ra các gói hỗ trợ tài chính giúp cho dân cư sống sót được và nền kinh tế khỏi sụp đổ.

Có hai xu hướng chủ yếu dễ nhận thấy: Một là cứu doanh nghiệp để thông qua đó cứu người lao động. Hai là trực tiếp cứu người lao động trước, còn doanh nghiệp sẽ theo cơ chế thị trường quyết định.

Tổng thống Pháp Macron đi thăm một nhà máy sản xuất xe hơi ở Le Touquet, bắc Pháp, hôm 26/5

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Pháp Macron đi thăm một nhà máy sản xuất xe hơi ở Le Touquet, bắc Pháp, hôm 26/5

Các nước châu Âu như Pháp, Anh có xu hướng tập trung cứu doanh nghiệp để khỏi phá sản, từ đó cứu lực lượng lao động.

Tổng thống Pháp Macron từng tuyên bố: "Không doanh nghiệp nào, bất kể quy mô, phải đối mặt với nguy cơ phá sản do Covid-19". Chính phủ Pháp đưa ra gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 345 tỷ Euro (380 tỷ USD) bằng 15% GDP của Pháp qua hình thức cấp tiền hay khoản vay ưu đãi. Pháp còn đưa ra gói hỗ trợ trả lương thất nghiệp bán phần (Partial Unemployment Scheme) thay mặt doanh nghiệp trả tới 70% lương công nhân, với yêu cầu doanh nghiệp giữ chân lao động.

Ngoài các hỗ trợ về chính sách ưu đãi thuê mặt bằng, thuế, hoàn thuế VAT, chính phủ bổ sung 4 tỷ Euro (4.5 tỷ USD) vào một quỹ bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp.

Chính phủ Anh đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá 350 tỷ GBP (450 tỷ USD), khoảng 15% GDP nước này. Tương tự như Pháp, chính phủ Anh thay mặt doanh nghiệp trả tới 80% lương người lao động trong 3 tháng, tối đa 2500 GBP/người/tháng. Doanh nghiệp Anh cũng được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, giá rẻ từ CCFF hay CBILS là các tổ chức được Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) hỗ trợ.

Tại Mỹ, ngày càng nhiều người xin trợ cấp thất nghiệp và dòng người xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí cũng dài hơn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tại Mỹ, ngày càng nhiều người xin trợ cấp thất nghiệp và dòng người xếp hàng nhận thực phẩm miễn phí cũng dài hơn

Chính quyền Mỹ đi theo một hướng khác, là hỗ trợ trực tiếp người lao động, "rải tiền" cho toàn dân Mỹ để họ trả tiền thuê nhà và mua sắm trong thời gian phong tỏa.

Tổng thống Trump ký một gói hỗ trợ tài chính 2,2 nghìn tỷ USD, gần 10% GDP nước này. Mỗi người dân Mỹ được phát tới 1200 USD để chi tiêu mua sắm. Những người lao động bị mất việc trong thời gian này được nhận thêm 600USD mỗi tháng so với mức thường lĩnh.

Thị trường ban đầu phản ứng khá tích cực với gói hỗ trợ tín dụng của Trump. Song các doanh nghiệp dần dần thấy chính phủ hỗ trợ hỗ gia đình nhiều hơn là công ty, họ bắt đầu sa thải công nhân càng ngày càng nhiều. Tính đến tháng 5/2020 đã có hơn 20 triệu lao động ở Mỹ nộp đơn thất nghiệp.

Có lẽ chính quyền Mỹ cho rằng cần hỗ trợ hộ gia đình trong ngắn hạn, vì một nền kinh tế khổng lồ như Mỹ sẽ dễ dàng phục hồi nhanh chóng ngay sau khi bỏ lệnh phong tỏa. Thị trường tự do sẽ quyết định sự tồn tại, phát triển hay đào thải các doanh nghiệp. Quan trọng hơn nữa là kỳ bầu cử đến gần, có lẽ chính phủ cần hơn những lá phiếu từ các hộ gia đình.

Các gói hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam mới có hiệu quả khiêm tốn

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các gói hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam mới có hiệu quả khiêm tốn

Tại Việt Nam, chính phủ Việt Nam từ rất sớm (tháng 3/2020) đã công bố một giải pháp tổng thể chống dịch Covid19, bao gồm: Gói chính sách tiền tệ trị giá 250 ngàn tỷ đồng (trên 10 tỷ USD) để cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp; Gói đảm bảo an sinh xã hội trị giá 62 ngàn tỷ đồng (2.7 tỷ USD); Gói chính sách tài khóa trị giá 180 ngàn tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD) gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất.

Tuy nhiên, trong khi các nỗ lực của chính quyền trong việc ngăn chặn, đầy lùi sự lây lan của dịch Covid-19 được cho là rất thành công thì kết quả từ các gói kích thích hỗ trợ tài chính được cho là còn khiêm tốn.

Về gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ, người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung cho biết tính tới ngày 20/5/2020 đã hoàn thành thống kê được 15,8 triệu người thuộc đối tượng chi trả và mới chi hỗ trợ được khoảng 17,5 ngàn tỷ đồng.

Chính phủ cần chia sẻ rủi ro tín dụng khi cho doanh nghiệp vay ưu đãi

Trong khi việc chính phủ đứng ra trả lương người lao động thay cho doanh nghiệp có thể giải quyết yêu cầu khẩn thiết trước mắt, thì việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng các khoản vay ưu đãi có tính chất dài hạn hơn.

Vay được vốn không phải là điều quan trọng nhất với một doanh nghiệp có trách nhiệm. Quan trọng nhất là lấy gì trả nợ và trả nợ thế nào. Đã vay thì phải trả, và với tương lai chưa rõ ràng của nền kinh tế trong nước cũng như của thế giới, việc vay tiền để duy trì doanh nghiệp lúc này là chấp nhận một rủi ro khá lớn và là một quyết định khó khăn.

Việt Nam, ngân hàng

Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

'Gói chính sách tiền tệ 250 ngàn tỷ đồng của Việt Nam không có bảo lãnh tín dụng hay chia sẻ rủi ro của chính phủ'

Doanh nghiệp rất có thể trở thành "con tin" của chính quyền, phải gánh hậu quả và " trả giá" cho bất cứ một sai lầm trong điều hành nào của chính phủ trong trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế khi quyết định đi vay, tăng thêm nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp.

Vì vậy để ràng buộc trách nhiệm của đôi bên chính phủ và doanh nghiệp, thì chính phủ phải sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm đối với các khoản vay, thậm chí chịu phần trách nhiệm lớn hơn. Có như vậy thì doanh nghiệp mới có niềm tin gánh thêm khoản nợ mới.

Chính phủ phải tạo ra lòng tin cho doanh nghiệp về sự phục hồi mãnh mẽ và tất yếu của nền kinh tế sau dịch Covid-19, và do đó phải cùng doanh nghiệp gánh chịu rủi ro của các khoản vay. Trong trường hợp thất bại, một phần khoản vay của doanh nghiệp sẽ được chính phủ "xóa nợ".

Đó là lý do các chính phủ Cambodia thành lập Quỹ đảm bảo tín dụng, và chính phủ Singapore đảm bảo tới 90% rủi ro tín dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp. Tại Pháp và Anh cũng có cơ chế này.

Tại Việt Nam, gói chính sách tiền tệ 250 ngàn tỷ đồng (tương đương 11 tỷ USD) chưa phát huy hiệu quả như mong đợi của các doanh nghiệp. Lý do là vì gói này không phải lấy trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước mà là nguồn vốn của các ngân hàng hoạt động trên nguyên tắc thương mại, thêm vào đó không hề có bảo lãnh tín dụng hay sự chia sẻ rủi ro tín dụng của chính phủ, tác dụng thực tế của gói chính sách tiền tệ khá khiêm tốn.

Người đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng các ngân hàng thương mại có thể đơn giản hóa thủ tục nội bộ, song không được nới lỏng điều kiện tín dụng, không hạ tiêu chuẩn vay để đảm bảo an toàn của toàn hệ thống ngân hàng.

Trên thực tế, rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường khó khăn hiện nay.

Vietnam, traffic

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam đang dần phục hồi lại sau dịch Covid-19 nhưng hàng chục ngàn doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc đã phá sản, theo VCCI

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết dưới 20% số doanh nghiệp hiện nay đủ điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng. Cũng theo VCCI, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2020, theo thống kê chưa đầy đủ có gần 40 ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể, hàng chục ngàn doanh nghiệp khác đang rất khó khăn, có nguy cơ phải rút khỏi thị trường.

Chính phủ Việt Nam được cho là có quyết tâm và kỳ vọng không chỉ duy trì được các doanh nghiệp nội địa trong thời gian chống dịch mà còn phục hồi nhanh chóng, đón bắt nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển khỏi nước láng giếng Trung Quốc. Tuy nhiên các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nội địa chưa thực sự đáp ứng được việc giúp doanh nghiệp vượt qua khỏi khó khăn trong gian đoạn chống dịch, chưa nói đến việc phục vụ kỳ vọng này của chính phủ.

Trông đợi gì từ chính phủ?

Phong tỏa là biện pháp khắc nghiệt, ngắn hạn, để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Vì là ngắn hạn, nên nó sẽ tạo ra cú sốc ngắn hạn, trực tiếp và chủ yếu về nguồn Cung, chứ không phải là phía Cầu. Con người hàng ngày vẫn phải ăn uống, tiêu thụ, và vẫn có nhu cầu thỏa mãn các sở thích cá nhân trong điều kiện tối đa cho phép. Vấn đề là phải duy trì được nguồn Cung trong trạng thái sẵn sàng nhất, chịu tổn thất ít nhất để phục hồi ngay sau khi kết thúc phong tỏa.

Vì thế điều quan trọng là đừng để doanh nghiệp, là nơi tạo ra nguồn Cung, bị vấp ngã trong ngắn hạn, để còn sức mà phục hồi và phát triển trong dài hạn.

Sự chia sẻ, hỗ trợ của chính phủ phải hết sức thực tế, kịp thời và rành mạch. Các chính sách vĩ mô dài hơi, các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ nên được điều chỉnh đúng lúc, và quan trọng là kịp thời.

Một chính sách được thực hiện muộn thì vẫn là chính sách nhưng giải pháp của nó không còn tác dụng nữa.

*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một cây bút tự do và doanh nhân sống ở Singapore.