Biden tiếp tục dọa Nga, Macron nói chuyện với Putin

Xe tăng Nga gần biên giới Ukraine

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Xe tăng Nga gần biên giới Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng phương Tây phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga, trong bối cảnh lo ngại Nga có thể xâm lược Ukraine.

Mỹ bác bỏ yêu cầu quan trọng của Moscow rằng Nato cấm Ukraine gia nhập liên minh quốc phòng - nhưng khẳng định Mỹ đang đề nghị cho Nga một "con đường ngoại giao".

Nga phủ nhận họ đang lên kế hoạch tấn công.

Nhưng hôm thứ Sáu, ông Putin nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng tình trạng bế tắc vẫn chưa được giải quyết.

"Các phản ứng của Hoa Kỳ và NATO không tính đến các mối quan tâm chính của Nga như ngăn chặn sự mở rộng của NATO, không triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga, hoặc trả lại tiềm năng quân sự và cơ sở hạ tầng của liên minh ở châu Âu về các vị trí hiện có vào năm 1997", thông báo của Điện Kremlin của cuộc gọi cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo có "khả năng" Nga có thể xâm lược Ukraine vào tháng Hai 2022.

Trong khi đó, Nga nói rằng "ít cơ sở để lạc quan" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng sau khi Mỹ từ chối các yêu cầu chính của Nga.

Việc hàng chục nghìn quân Nga tăng cường ở biên giới Ukraine trong những tuần gần đây đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược.

Nga phủ nhận họ đang lên kế hoạch tấn công.

Tổng thống Mỹ đã đưa ra những bình luận trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Năm.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Emily Horne cho biết: "Tổng thống Biden nói rằng có khả năng là người Nga có thể xâm lược Ukraine vào tháng Hai."

Một người lính Ukraine đang tuần tra

Nguồn hình ảnh, Anadolu Agency

Chụp lại hình ảnh, Một người lính Ukraine đang tuần tra

"Ông ấy đã nói điều này một cách công khai và chúng tôi đã cảnh báo về điều này trong nhiều tháng."

Trong cuộc nói chuyện của họ, Tổng thống Biden "tái khẳng định sự sẵn sàng của Hoa Kỳ cùng với các đồng minh và đối tác để đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine", một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Ông Zelensky cho biết họ "đã thảo luận về các nỗ lực ngoại giao gần đây nhằm giảm leo thang và nhất trí về các hành động chung cho tương lai".

Truyền thông Nga cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị tấn công lực lượng ly khai

Nguồn hình ảnh, ROSSIYA 24

Chụp lại hình ảnh, Truyền thông Nga cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị tấn công lực lượng ly khai

Một cuộc điện đàm quan trọng khác sẽ diễn ra vào thứ Sáu, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Vladimir Putin.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: "Liên quan tới mối đe dọa của các lệnh trừng phạt, trong các cuộc tiếp xúc, bao gồm cấp tổng thống, phía Nga đã nói rõ rằng gói lệnh trừng phạt mà hiện nay đang được nhắc đến, kèm theo việc ngắt toàn bộ các hệ thống tài chính do phương Tây kiểm soát, sẽ tương đương với việc cắt đứt quan hệ."

Nếu Nga xâm lược Ukraine, đây không phải là lần đầu tiên.

Nga sáp nhập bán đảo Crimea phía nam của Ukraine vào năm 2014.

Nước này cũng đang hậu thuẫn cho các phiến quân đã chiếm giữ những vùng đất rộng lớn ở khu vực phía đông Donbas ngay sau đó và khoảng 14.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở đó.

Cũng trong ngày thứ Năm, Mỹ đe dọa sẽ ngừng mở một đường ống dẫn khí đốt quan trọng đưa khí đốt của Nga đến Tây Âu nếu Nga xâm lược Ukraine.

Đường ống khí đốt Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD sẽ chạy từ Nga sang Đức, và hôm thứ Năm, các quan chức ở Berlin cho biết dự án có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu Nga tấn công.

Đường ống dài 1.225 km (760 dặm) mất 5 năm để xây dựng và tiêu tốn 11 tỷ đôla (8 tỷ bảng Anh).

Dự án năng lượng sẽ chạy dưới Biển Baltic, được thiết kế để tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang Đức.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm thứ Năm cho biết phản ứng của Mỹ để lại "ít cơ sở cho sự lạc quan", nhưng nói thêm rằng "luôn có triển vọng để tiếp tục đối thoại, đó là lợi ích của cả chúng tôi và người Mỹ".

Trung Quốc lên tiếng

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa nói chuyện trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/1.

Ông Vương Nghị nói rằng việc tăng cường, mở rộng NATO không thể tạo ra bảo đảm an ninh cho châu Âu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc cũng hối thúc các bên cần từ bỏ ngay "tâm lý thời Chiến tranh Lạnh", thúc đẩy tiến trình đàm phán cân bằng nhằm giải quyết căng thẳng hiện nay liên quan đến tình hình Ukraine.

Đại sứ Việt Nam tại Ukraine phát biểu

Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch, nói chuyện với Thông tấn xã Việt Nam ngày 27/1, cho rằng "chưa có dấu hiệu đáng lo, hoạt động kinh tế vẫn có thể diễn ra bình thường".

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nói Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đang theo dõi "rất sát và nhận thấy tình hình không quá căng thẳng đến mức có thể xảy ra chiến tranh".

Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho rằng các nhà ngoại giao "đều tính đến lợi ích của mỗi bên và vẫn duy trì cầu nối để tiếp tục đàm phán, từ đó đi đến thỏa hiệp nhằm giải quyết vấn đề," theo trích dẫn của Thông tấn xã Việt Nam.