Đại hội 13 giảm bớt ý thức hệ XHCN để 'sáng tạo có chỉ đạo'

  • Nguyễn Giang
  • BBC News Tiếng Việt
Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo một nhà báo tới dự Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng 25/01, điều dễ ghi nhận khi bước vào Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội là dòng khẩu hiệu:

Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”

So với khẩu hiệu của kỳ đại hội trước, vào tháng 1/2016, 'Đoàn kết – Dân chủ -Kỷ cương – Đổi mới' thì có một sự thay đổi không nhỏ.

Điểm qua các phát biểu mang tính chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ta thấy hai ông đã nói ít các câu chữ về ý thức hệ XHCN hơn trước.

Đây là sự chuyển đổi về tư duy rất phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước.

Tôi xin thử cắt nghĩa các khẩu hiệu năm nay có gì khác trước, theo hiểu biết cá nhân của mình.

Có thể hiểu Đoàn kết là nói về nội bộ của Đảng, hiện có 5,1 triệu đảng viên (4,8% dân số 96 triệu của Việt Nam), thấp hơn Trung Quốc một chút: 91 triệu/1,4 tỷ, tương đương 6,6% dân số.

Dân chủ ở đây không phải là 'democracy' theo nghĩa trên thế giới tức là thủ tục tuyển chọn bộ máy cầm quyền bằng bầu cử đa đảng, tự do cạnh tranh và cơ chế tam quyền phân lập.

Với Đảng CSVN, dân chủ ở đây là nguyên tắc 'tập trung dân chủ' (democratic centralism).

Đảng sẽ chỉ đạo việc bầu ra các đại biểu Quốc hội và họ sẽ thông qua nội các, được chọn trước.

Còn về Kỷ cương, các lãnh đạo đảng CS, gồm TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc về việc tuân thủ kỷ luật Đảng, tuân thủ pháp luật.

Với cán bộ, Kỷ cương có nghĩa là chống tham nhũng sẽ còn tiếp tục, sẽ còn nhiều 'củi lửa' tức tên tuổi quan chức bị đưa 'vào lò', đơn giản là vì dân thì không thể tham nhũng được.

Điều này hẳn sẽ làm báo chí sôi động hơn những tháng tới vì vai trò phải ra hầu liên tục nhiều phiên tòa của một ông Đinh La Thăng có vẻ đã khiến người ta thấy nhàm chán.

Còn về Đổi mới 1 từ 1986, giới kinh tế và nhân sĩ kết luận là đã hết đà.

Other

Nguồn hình ảnh, Other

Nay Việt Nam đang nói về chuyện Đổi Mới cần đi xa hơn nữa, thành nền kinh tế số, có các đô thị thông minh.

Xây dựng đô thị thông minh cần những con người thông minh sống bên trong, và các cụm dân cư ấy thật sự cần tầm lãnh đạo trí tuệ.

Dần dà, người ta sẽ cần robot thay cho tổ trưởng dân phố, vai trò gồm cả việc nhắc từng hộ dân cư treo cờ tuần này để 'chào mừng Đại hội Đảng', theo cư dân mạng phản ánh trên Facebook.

Việc kiểm soát xã hội tới từng hộ gia đình này hẳn đã lạc hậu, nhưng lại có ưu thế trong việc chống dịch Covid, còn xa hơn chắc sẽ phải dùng trí tuệ nhân tạo.

TBT Nguyễn Phú Trọng trong báo cáo trước Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 26/01/2021 đã nói:

Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”

Tuy thế, các nét chính trong diễn văn của ông không nói về mục tiêu xây dựng mô hình XHCN nữa.

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Có thể hiểu những gì liên quan đến CNXH hay lý tưởng cộng sản là của 5,1 triệu đảng viên, vì đó là di sản lịch sử, còn với quốc dân và xã hội thì 'phát triển, hiện đại' mới là tiêu chí.

Mà cũng đúng, cuộc bầu cử Mỹ làm bộc lộ ra khá nhiều điều thú vị: số phần trăm người VN sẵn sàng đem trái tim trao cho ông Donald Trump chỉ vì ông ta liên tục đả phá CNXH rất cao.

Nói tóm lại, những khẩu hiệu như CHXH bị cho là lỗi mốt. Các cụ nói nhiều quá lại bị trẻ con nó khen là 'diễn sâu'.

Nhìn kỹ thì kiểu họp hành của chính trị Việt Nam đã thua điểm cuộc tranh cử dữ dội tại Mỹ về độ hào hứng.

Không chỉ người Mỹ mà Tổng thống Putin gần đây còn chê bai Cách mạng XHCN khi nói “những người trẻ biểu tình [ủng hộ Navalny] có biết là hỗn loạn 1917 lật đổ vua đã đem lại thứ tệ hơn hay không?”

Vì nằm ngoài lề các sân bóng quốc tế về tư tưởng nên sẽ không có ai hỏi đến chuyện ở Việt Nam theo chủ nghĩa gì.

Việc theo mô hình gì hoàn toàn là chuyện của người Việt với nhau.

Nhưng quy luật vẫn là quy luật. Ổn định mà không trì trệ, giữ nguyên mô hình chính trị mà vẫn phát triển được kinh tế quả là bài toán khó, rất khó.

Xin chia sẻ khó khăn này từ vị trí một người ở Anh, nơi các định chế nhiều tuổi như House of Lords, BBC, Liên hiệp Vương quốc Anh đều gặp sức ép thời đại tương tự: giữ gì, đổi gì.

Điều đáng chú ý là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người có thể sẽ lên nắm chức Nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ này nhấn mạnh “định hướng của toàn Đảng, toàn dân” sẽ là:

Vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu...”

Thay cho các khẩu hiệu quá nổ là sự chú tâm hơn vào cảm xúc hạnh phúc, là 'wellbeing' của toàn xã hội, là niềm tự hào khi bước ra thế giới.

Nhưng ai sẽ làm những việc đó từ nay về sau và làm có công bằng không?

Trưởng ban Tổ chức TW, ông Phạm Minh Chính đã nói đảng viên ra ứng cử chức đại biểu quốc hội phải là những người, nam dưới 55, nữ dưới 50.

'Trẻ hóa có chỉ đạo' như thế cũng là đặc thù của hệ thống Việt Nam.

Vì ở đa số các nước trên thế giới, luật cấm phân biệt đối xử về tuổi tác (age discrimination) với người ra ứng cử các vị trí công quyền.

Cùng lúc, việc các lãnh đạo cao niên hơn, thậm chí quá tuổi quyết định ở lại tại Việt Nam để đảm bảo quá trình trẻ hóa cho cả bộ máy là một điều khiến giới quan sát cho là thú vị.

Về mặt nào đó, ta có thể coi đây là nhiệm kỳ đại hội mang tính chuyển tiếp.

Từ 'nhà trẻ' đến 'trại dưỡng lão trung ương'

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rõ về nhu cầu kiến tạo tầng lớp elite tương lai:

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân...”

Tôi cam đoan rằng Giáo sư Trọng không cần phải lo về vế một.

Lớp con em, hạt giống đỏ sau quá trình tôi luyện ở các 'nhà trẻ trung ương' có chi nhánh bên Anh, Mỹ, Úc, được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đại sứ quán Phương Tây, nay đã dần tỏ rõ năng lực.

Nhiều chức thứ trưởng, đại sứ nay được trao cho các bạn ở lứa ngoài 40, và không phải ai cũng là 'con ông cháu cha' theo nghĩa chỉ dựa hơi 'tập ấm' mà làm nên.

Họ đã sẵn sàng tiếp nối công việc của các bậc anh chị, những người đi du học Phương Tây lứa đầu ngay sau cuộc Đổi Mới.

Trong số họ có những người thực sự trẻ trung, giỏi ngoại ngữ, hiểu biết, và như Tổng bí thư của Đảng mong đợi “có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Nếu tăng đủ về số lượng, họ sẽ bỏ xa lại đằng sau lớp quan chức bằng rởm, kiến thức cóp nhặt ngồi cùng đội ngũ, vươn lên cầm ngọn cờ lãnh đạo quốc gia.

Nhưng vế sau, rằng họ phải “gắn bó mật thiết với nhân dân” thì rất khó.

Ở đâu cũng vậy, khoảng cách về trình độ, thu nhập, hiểu biết quốc tế sẽ tạo ra sự phân cách con người, nhất là trong xã hội kinh tế tư bản này.

Chưa kể, các cán bộ trẻ ở Việt Nam không phải cạnh tranh bầu cử, đi van lạy dân xin từng lá phiếu như đồng lứa trong các đảng chính trị Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia.

Thiếu kỹ năng 'thi đấu', cọ xát thực sự, họ sẽ khó sắc bén để đưa Việt Nam tới vai trò đáng có là một cường quốc lãnh đạo ở Đông Nam Á.

Về bản lĩnh cá nhân hay sự thiếu vắng của nó, tôi thấy bệ phóng chính trị, gia sản có sẵn dễ làm cho người ta có cảm giác “Life is an easy ride” - Cuộc đời như cuộc dạo chơi.

Mà thế giới những năm tới lại đầy lo toan, hiếm ai chỉ ngồi trên hưởng thụ, vô lo.

Vị trí ngày càng cao, các bạn trẻ sẽ càng phải gánh vác trách nhiệm chăm lo 'nhà dưỡng lão trung ương', giữ vững lương hưu cho hàng triệu cha anh ngày đông lên theo tuổi thọ.

Điều an ủi duy nhất là chuyện xã hội lão hóa tăng dần đều diễn ra ở mọi nơi, nhất là châu Âu.

Cùng lúc, biến động thời nay toàn mang tính sinh tồn rất bạo lực, và sau dịch virus kéo dài này sẽ không biết thế nào.

Nói một cách hình ảnh, ngọn cờ quyền lực sẽ thật nặng, như 'cây thánh giá' Chúa trao đặt lên vai ai dám nhận lãnh vai trò chỉ đường cho xã hội.

Điều có thể khiến các bạn ấy nhẹ lòng đôi chút là Việt Kiều thế hệ hai, thế hệ ba thôi dùng tiếng Việt nên không có chuyện 'về nước cạnh tranh'. Xung khắc Cờ vàng cờ Đỏ sẽ đi vào dĩ vãng.

Nhưng trở thành tầng lớp tinh hoa, thiểu số 1% trong nước Việt Nam trên 100 triệu dân cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức không nhỏ.

Bất công xã hội, chia rẽ giàu nghèo, cảm giác của đa số bị “lạc loài” trong xã hội xảy ra ở khắp nơi, cụ thể nhất là tại Hoa Kỳ và châu Âu những năm qua, và Việt Nam chắc khó là ngoại lệ.

Nếu không khéo, các leader tương lai của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với yêu sách dữ dội của đám đông đòi đất, nước sạch, khí thở sạch, thực phẩm lành mạnh.

Số đông khi cáu giận thường thiếu sự thông cảm cho mối lo trăm công nghìn việc của lãnh đạo.

Khi đó, một chút lưu luyến về lý tưởng công bằng xã hội, sự cảm thông nhân văn có tự thuở xưa sẽ lại là cảm xúc tốt và định hướng thiện lành.