Ukraine: Tổng thống Nga Putin đặt cược vào loại vũ khí cổ xưa - thời gian

Vladimir Putin

Nguồn hình ảnh, Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đặt cược vào loại vũ khí cổ xưa, mạnh hơn bất kỳ loại tên lửa nào do Mỹ và các đồng minh Châu Âu cung cấp cho Ukraine, đó là thời gian, theo một phân tích của Reuters.

Cuộc chiến tranh Ukraine đã bước sang tháng thứ năm, và Nga hiện đang hy vọng sự quyết tâm của Phương Tây sẽ bị bào mòn khi giá cả năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng vọt vì cuộc chiến.

Giới chức và truyền hình nhà nước Nga công khai bày tỏ sự thỏa mãn trước việc Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Ý, Mario Draghi từ chức, và mô tả điều này là kết quả của các lệnh trừng phạt "tự làm hại chính mình" mà Phương Tây áp đặt lên nước Nga.

Họ đã đặt ra câu hỏi, liệu nhà lãnh đạo nào ở Phương Tây tiếp theo sẽ mất chức?

Putin, người sẽ bước sang tuổi 70 vào tháng Mười, nói với Phương Tây hồi tháng này rằng ông ta chỉ mới đang bắt đầu tại Ukraine và thách thức Mỹ - hiện đang có sức mạnh quân sự và kinh tế mạnh hơn Nga - dám đánh bại Moscow. Putin tuyên bố, nước Mỹ rồi sẽ thất bại.

"Putin đã đặt cược vào khả năng thành công trong một cuộc chiến tranh hao mòn," William Burns, Giám đốc CIA, cựu Đại sứ Mỹ tại Moscow phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen (Aspen Security Forum) hồi tuần này.

"Vladimir Putin, một cựu điệp viên KGB đã đặt cược rằng ông ta có thể "bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine và khiến công chúng và giới lãnh đạo tại Châu Âu mỏi mệt, và để rồi ông ta có thể khiến Mỹ bị bào mòn bởi vì theo quan điểm của Putin, thì người Mỹ luôn phải chịu đựng chứng rối loạn thiếu tập trung (attention deficit disorder) và sẽ, như bạn biết đấy, bị xao lãng vì những thứ khác," ông William Burns nói.

Ông Burns, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden cử đến Moscow hồi tháng 11 năm ngoái để cảnh báo Putin về các hậu quả nếu xâm lược Ukraine, cho biết ông ta nghĩ canh bạc của nhà lãnh đạo Nga sẽ thất bại.

Thế nhưng Kremlin hiện chưa cho thấy dấu hiệu thoái lui, và cho biết Nga sẽ đạt tất cả các mục tiêu tại Ukraine.

Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, người tại nhiệm trong 18 năm qua, vào ngày 20/07 nói rằng các tham vọng của Nga tại Ukraine đã vượt xa khỏi vùng Donbas ở miền đông, sang đến khu vực lãnh thổ rộng lớn ở miền nam và "một số vùng lãnh thổ khác".

Sáp nhập

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm 19/07 nói họ đã có thông tin tình báo Nga chuẩn bị sáp nhập toàn bộ vùng Donbas cũng như đất liền dọc vùng duyên hải miền nam Ukraine, bao gồm Kherson và Zaporizhzhia.

Điều này sẽ chính thức hóa việc Nga kiểm soát hơn 18% lãnh thổ Ukraine bên cạnh khoảng 4,5% mà Moscow có được khi sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Nếu Phương Tây tiếp tục cung cấp thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine như giàn phóng tên lửa cơ động cao, đặt trên bánh xe (HIMARS), Ngoại trưởng Lavrov nói rằng việc Nga muốn chiếm thêm lãnh thổ sẽ ngày càng gia tăng.

"Thông điệp mà Lavrov dường như đang phát đi đến Phương Tây đó là: cuộc chiến tranh này ngày càng kéo dài lâu, thì chúng tôi sẽ chiếm thêm lãnh thổ," Vladislav Zubok, Giáo sư Lịch sử Quốc tế tại Đại học London School of Economics (LSE) nói.

"Điều này có thể chỉ thuần túy là sự đánh lừa nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Nga muốn chiếm giữ các vùng lãnh thổ ở miền nam."

Mỹ, đã cung cấp hơn 8 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine, và sẽ gửi thêm 4 giàn tên lửa HIMARS đến quốc gia này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo từ khẩu M777 Howitzer ở tiền tuyến

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Binh sĩ Ukraine bắn pháo từ khẩu M777 Howitzer ở tiền tuyến, hình ảnh vào ngày 21/07

Thế thì cuộc chiến này sẽ có kết cục như thế nào tại Ukraine?

"Dự đoán tốt nhất của tôi là cuộc chiến này sẽ kết thúc với bất phân thắng bại gần với lằn ranh giao tranh hiện tại, có lẽ là một thỏa thuận ngừng bắn xấu xí," Barry R. Posen, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Công nghệ Massachusetts cho biết.

"Bạn đã bị hướng vào một thời kỳ thử nghiệm quân sự - chính trị xấu xí theo sau là một sự dàn xếp không mấy dễ chịu và không hợp pháp, hướng đến một cuộc xung đột đóng băng."

Cường quốc?

Kể từ khi Putin được giao chiếc vali hạt nhân từ cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin vào ngày cuối cùng của năm 1999, thì ưu tiên tối thượng của ông ta là phục hồi lại ít nhất một trong những vị thế cường quốc mà Moscow đã đánh mất sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Putin đã thường xuyên lên tiếng chống Mỹ trong việc mở rộng Nato về hướng đông, đặc biệt liên quan đến các quốc gia từng thuộc Liên Xô như Ukraine và Georgia, vốn bị Nga xem nằm trong vùng ảnh hưởng của mình.

Putin cho rằng những động thái như vậy là nhằm làm suy yếu và thậm chí hủy hoại nước Nga. Ông đã đưa ra những dạng biện minh khác nhau cho cuộc xâm lược Ukraine nhưng ngày càng xem đây là một cuộc chiến hiện hữu với Phương Tây, mà theo đó kết quả sẽ định hình trật tự chính trị quốc tế.

Trong bối cảnh Nga vẫn đang xuất khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn và có sự hậu thuẫn quan trọng từ Trung Quốc, Putin đang đặt cược rằng Nga có thể dần dần bóp nghẹt Ukraine trong khi vẫn có thể chịu đựng thêm nỗi đau hơn là một Phương Tây mà ông ta xem là thấp hèn.

Tổn thất từ canh bạc này tính bằng máu và tiền của là vô cùng to lớn.

Tình báo Mỹ ước tính đã có khoảng 15.000 người Nga bị thiệt mạng tại Ukraine - bằng tổng số binh sĩ Liên Xô chết trong cuộc chiến tranh tại Afghanistan từ 1979 đến 1989.

Tổn thất của Ukraine có lẽ ít hơn con số này, tình báo Mỹ nhận định. Cả Ukraine hay Nga đều không đưa ra con số ước tính chi tiết tổn thất nhân mạng.

"[Putin] có niềm tin to lớn vào chuyện phục thù, Giám đốc CIA nói. "Putin bị thuyết phục rằng định mệnh của ông ấy… là phục hồi vị thế cường quốc cho Nga."

Chỉ có thời gian mới trả lời liệu canh bạc liều lĩnh nhất trong 22 năm tại vị của Putin sẽ 'mang lại quả ngọt' hay không.

Xem thêm: